Nối lại đàm phán Mỹ - Triều, nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Hàn

10/04/2019 07:06:16

Tổng thống Moon đối diện nhiệm vụ khó khăn khi mức tín nhiệm ở trong nước sụt giảm và Triều Tiên đang có dấu hiệu khôi phục hoạt động hạt nhân.

Nối lại đàm phán Mỹ - Triều, nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Hàn
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump từ Nhà Xanh ở Seoul. Ảnh: AP.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/4 có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump với mục tiêu quan trọng là thảo luận về việc làm thế nào để đưa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trở lại bàn đàm phán.

Cuộc gặp diễn ra một ngày trước khi phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên khóa 14 khai mạc ở Bình Nhưỡng, sự kiện được giới quan sát theo dõi sát sao bởi nó có thể mang đến những chỉ dấu về phương hướng chính sách mà Triều Tiên sẽ theo đuổi.

Với việc hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai hồi cuối tháng hai kết thúc mà không có thỏa thuận nào được ký kết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Washington đến nay lâm vào bế tắc.

Tuần trước, hai cố vấn thân cận của Tổng thống Moon ngụ ý rằng ông đang hướng tới thuyết phục Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt trong chiến lược "gây áp lực tối đa".

"Triều Tiên vẫn kiên trì phát triển hạt nhân qua hàng thập kỷ bị trừng phạt và gây sức ép. Cho rằng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn và áp lực lớn hơn sẽ khiến Triều Tiên đột ngột từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là một sự hoang tưởng", Lee Do-hoon, đặc phái viên Hàn Quốc về vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, nói.

Moon Chung-in, cố vấn đối ngoại, trong khi đó cho biết mối quan tâm hàng đầu của Tổng thống Moon là Mỹ nới lỏng trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên.

Tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui cho biết Tổng thống Trump đã thể hiện rằng ông sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng kiềm chế những vụ thử hạt nhân, tên lửa. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton lại có suy nghĩ trái ngược.

Tại Hà Nội, Tổng thống Trump đã yêu cầu Bình Nhưỡng nhanh chóng chuyển các tài liệu liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cho Washington như một cách để thể hiện thiện chí và qua đó Mỹ sẽ xóa bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt.

Nối lại đàm phán Mỹ - Triều, nhiệm vụ khó khăn của Tổng thống Hàn - 1
Phái đoàn Mỹ (trái) và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội hồi cuối tháng hai. Ảnh: Reuters.

Kim Jeong-min, nhà phân tích về Triều Tiên, cho rằng Tổng thống Moon muốn thu hẹp khoảng cách giữa Washington và Bình Nhưỡng, đồng thời khuyến khích Tổng thống Trump quay lại chính sách ngoại giao không chính thống của mình.

"Thật lý tưởng nếu Moon gợi ý về một tuyên bố tạm thời, ở đó, Kim có thể xác nhận mục tiêu lớn cuối cùng cho Trump và Trump có thể đảm bảo với Kim rằng các bước cần thiết sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn", Kim Jeong-min nhận định.

Theo Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, sau cuộc gặp người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Moon cũng có thể gửi phái viên tới Bình Nhưỡng để sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh liên Triều đóng vai trò như bước đệm dẫn tới cuộc gặp Trump - Kim lần ba.

Chính quyền Tổng thống Moon không che giấu hy vọng Mỹ sẽ giảm bớt kỳ vọng và chấp nhận một thỏa thuận từng phần với Triều Tiên.

"Với ý tưởng này, hai bên sẽ thống nhất một lộ trình hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể được thực hiện theo hai hoặc ba giai đoạn", Kim Yong-hyun, giáo sư tại Đại học Dongguk, bình luận.

Trong một bài phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc khẳng định "cả hai miền Triều Tiên lẫn Mỹ đều không muốn quay trở lại quá khứ".

"Dù có trở ngại, thông qua những nỗ lực phối hợp, chúng ta sẽ vượt qua. Và nếu không có con đường, chúng ta sẽ tạo ra đường", Tổng thống Moon nói. "Nếu cố gắng hết sức, chúng ta sẽ thành công".

Nhưng ông hiện phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hơn khi mà tỷ lệ tín nhiệm trong nước của ông sụt giảm và Triều Tiên có dấu hiệu tái khởi động chương trình hạt nhân.

"Tổng thống Moon đang ở vào tình thế rất tồi tệ", Yang Seung-ham, giáo sư chính trị tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận xét.

Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Moon đã giảm xuống 43%, mức thấp kỷ lục, vào tháng trước. Chính sách Triều Tiên của ông được cho là lý do chính dẫn tới sự sụt giảm.

Một cuộc thăm dò dự luận cho thấy 64% người dân Hàn Quốc không tin Triều Tiên sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Thêm vào đó, nỗ lực của Tổng thống Moon nhằm trấn an những hoài nghi về ý định của Triều Tiên đang bị hủy hoại bởi những thông tin xuất hiện gần đây.

Hồi tháng hai, Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford cho biết Bình Nhưỡng đã sản xuất lượng nguyên liệu đủ để chế tạo 7 quả bom nguyên tử mới trong năm 2018, ngay trong lúc họ đang thảo luận về phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Cuối tháng ba, kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc KBS thu được một danh sách bí mật của chính phủ xác nhận việc tồn tại 104 cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên, lớn hơn nhiều so với các con số trước đây.

Mặt khác, nỗ lực của Tổng thống Moon nhằm thúc đẩy hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên, cũng đang chững lại. Bình Nhưỡng tháng trước bất ngờ rút nhân viên khỏi văn phòng liên lạc chung Hàn - Triều nhưng sau đó đưa trở lại mà không có bất kỳ giải thích nào.

Ngày 1/4, Seoul bắt đầu tự khai quật hài cốt các binh sĩ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên dọc biên giới sau khi Bình Nhưỡng phớt lờ những lời kêu gọi cùng hợp tác từ chính quyền Moon.

"Triều Tiên liên tục bóng gió trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các cuộc họp rằng Tổng thống Moon nên là người tham gia, không phải người hòa giải trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng với tư cách đồng minh của Mỹ, đây là lằn ranh nguy hiểm đối với ông", nhà phân tích Kim Jeong-min, đánh giá.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)

Nổi bật