"Chúng tôi sẽ không bao giờ quên", Telegraph dẫn lời bà Devi, 49 tuổi, nói. "Nhưng vào những ngày tháng đặc biệt này, tôi rất đau đớn. Bi kịch cứ như mới xả ra hôm qua. Chúng tôi vẫn cảm thấy nghẹt thở".
5 năm trước, con gái duy nhất của bà là Jyoti Singh bị cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở New Delhi. Hôm đó, ngày 16/12/2012, nữ sinh 23 tuổi bắt xe buýt về nhà sau khi đi xem phim với bạn trai.
6 tên côn đồ trên xe đã thay nhau cưỡng hiếp cô và đánh đập bạn trai suốt hơn một giờ. Hai người sau đó bị ném ra khỏi xe trong tình trạng bất tỉnh, không mặc gì.
Những người qua đường đi chậm lại và tò mò quan sát khi nhìn thấy hai nạn nhân nằm bên đường, nhưng không một ai dừng lại. Cuối cùng, một người gọi cho cảnh sát. Jyoti bị thương nặng bên trong cơ thể do bị đánh bằng một thanh sắt.
5 năm sau vụ việc, bà Devi vẫn chưa hết giận dữ.
"Lòng nhân từ của chúng ta đã chết từ lúc nào vậy? Không một ai phủ lên người chúng một tấm áo vào tối đó, những chiếc xe đi qua, kéo cửa xuống nhìn rồi lại đi tiếp. Chúng nằm bên đường, những đòn tra tấn mà con gái phải chịu đựng cứ ám ảnh tâm trí tôi", bà nói. "Mỗi ngày tôi lại như chết đi khi nghĩ về tối hôm đó. Làm sao nó chịu nổi nỗi đau đó và sống sót? 5 năm qua điều đó trở thành cơn ác mộng đối với tôi".
Jyoti được đưa tới bệnh viện Safdarjung ở New Delhi. Giữa những cuộc phẫu thuật để loại bỏ hơn 90% ruột, cô cố gắng tham gia hai cuộc thẩm vấn với cảnh sát và các thẩm phán. Sau khi Jyoti bị một cơn đau tim tấn công, các bác sĩ chuyển cô sang bệnh viện ở Singapore.
Trong khi cha mẹ cô túc trực bên con gái thì tại Ấn Độ, dư luận vô cùng bàng hoàng trước vụ cưỡng hiếp tập thể tàn bạo. Phụ nữ và đàn ông đổ ra đường và phong trào biểu tình cứ thế lan rộng. Báo chí nhanh chóng gọi là Jyoti là "Nirbaya", nghĩa là "cô gái không sợ hãi".
Tuy nhiên, đến ngày 29/12, nữ sinh này đã từ giã cuộc chiến với tử thần.
Sau cái chết của Jyoti, gia đình cô chuyển tới một căn hộ hai phòng ngủ do chính quyền cung cấp như một phần trong gói bồi thường. "Chúng tôi chuyển tới ngôi nhà này vì nghĩ rằng nó sẽ giúp các con thay đổi môi trường. Có nhiều kỷ niệm gắn liền với từng ngóc ngách trong ngôi nhà đó", bà Devi nói.
Jyoti có hai em trai, Gaurav, 24 tuổi và Saurav, 19 tuổi. Chị gái là hình mẫu của họ. Vợ chồng bà Devi đã bán đất để có tiền cho con học làm bác sĩ vật lý trị liệu. Cô đạt điểm số rất cao trong các kỳ thi nhưng họ chỉ nhận được kết quả khi cô đã qua đời.
Sau khi cô ra đi, bà Devi lo lắng rằng các con trai sẽ không tiếp tục việc học. "Chúng rất sốc và thường ngồi lặng ở một góc nhà. Chúng chẳng nói chuyện với ai", bà kể. Tuy nhiên, bất chấp nỗi đau mất chị gái, cả hai đều kiên trì học hành và Gaurav sắp nhận bằng phi công thương mại.
"Chúng xem trách nhiệm của mình là hoàn thành ước mơ của chị gái. Chúng nói bây giờ chúng làm gì cũng đều vì Jyoti", người mẹ cho hay. "Chúng tôi thỉnh thoảng nhắc đến con bé nhưng không nhiều. Tôi không chia sẻ nỗi đau của tôi với chồng mình vì ông ấy rất dễ hoảng loạn".
Bà Devi quyết định lên tiếng và giúp thay đổi cách hành xử với phụ nữ ở Ấn Độ thông qua chiến dịch riêng. Trong 5 năm qua, luật pháp Ấn Độ đã được cải thiện để bảo vệ phụ nữ. Các bác sĩ không còn được phép dùng thủ thuật hai ngón tay để kiểm tra trinh tiết của phụ nữ. Quấy rối tình dục, rình rập phụ nữ đều được đưa vào bộ luật hình sự nước này, theo báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân Quyền (HRW).
Tuy nhiên, báo cáo cho biết hệ thống tư pháp Ấn Độ vẫn đang bỏ sót các nạn nhân. Cảnh sát, thẩm phán, bệnh viện và các "già làng" ít khi hỗ trợ, bảo vệ người bị tấn công tình dục.
Một nghiên cứu của Quỹ Thomson Reuters đánh giá New Delhi vẫn là thành phố tồi tệ nhất thế giới với phụ nữ về tội phạm tình dục. Kể từ năm 2012, số lượng các vụ cưỡng hiếp được trình báo cho chính quyền đã tăng lên 6 vụ một ngày và có hơn 34.000 vụ tấn công được ghi nhận trong năm ngoái.
"Chúng tôi có luật pháp, cảnh sát và chính quyền nhưng mọi thứ không hề tốt hơn mà chỉ tồi tệ thêm. Các bé gái đang trở thành nạn nhân. Liệu có ngày nào mà chúng tôi cảm thấy an toàn không?", bà Devi nói.
Bà đang nhắc đến vụ việc hồi đầu tháng, trong đó một bé gái 6 tuổi bị bắt cóc khỏi nhà và tử vong sau khi bị cưỡng hiếp bằng một gậy gỗ.
"Mọi người nói rằng phụ nữ và đàn ông có quyền bình đẳng nhưng nếu đàn ông lêu lỏng ngoài đường lúc nửa đêm thì chẳng sao cả, còn một cô gái ra ngoài lúc 10h tối, cô ấy sẽ bị đổ lỗi nếu có chuyện gì không hay xảy ra", bà Devi nói. "Tôi muốn thay đổi điều đó. Mọi cá nhân cần có quyền sống tự do".
Nhiều người khuyến khích bà tham gia chính trường nhưng bà từ chối. "Tôi chỉ cảm thấy nếu tôi làm được gì cho phụ nữ thì đó là một cách tưởng nhớ đến con gái mình", bà nói thêm.
Bà thừa nhận có một điều khiến bà cảm thấy an ủi, đó là nhìn những kẻ sát hại Jyoti đối mặt với công lý. 5 ngày sau khi cô mất, cảnh sát đã bắt 6 tên côn đồ, trong đó có tài xế xe buýt Ram Singh.
Vụ việc được xét xử nhanh chóng và Ram Singh, kẻ cầm đầu, đã chết trong nhà tù hồi tháng 3/2013, được cho là tự sát. 4 kẻ bị tuyên án tử hình bằng cách treo cổ hồi đầu năm nay nhưng bản án vẫn chưa được thực hiện. Một bị can là trẻ vị thành niên đã được thả sau ba năm cải tạo.
"Tôi muốn chúng bị treo cổ càng sớm càng tốt", bà Devi nói. "Tôi không biết khi nào chúng sẽ bị trừng phạt và cho đến lúc đó, cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn tiếp tục".
Trong suốt thời gian xét xử, cha mẹ của Jyoti bị luật pháp cấm công bố ảnh của con gái. Tuy nhiên, bà Devi cho biết bà sẽ cho mọi người thấy mặt cô vào ngày 4 kẻ giết người trên bị treo cổ.
Nếu Jyoti còn sống thì năm nay cô sẽ 28 tuổi. "Con bé có thể đã kết hôn, trở thành bác sĩ thành đạt. Không khí trong nhà sẽ khác. Các con trai của tôi rất thông minh. Chúng chăm sóc chúng tôi rất tốt nhưng không ai có thể thay thế con bé cả", bà Devi nói.
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)