Theo hãng tin Reuters, báo cáo mới được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố hôm 19/4 cho thấy, Nam Á có tới 290 triệu cô dâu nhí, chiếm 45% tổng số trên toàn cầu.
Bà Noala Skinner, Giám đốc khu vực Nam Á của UNICEF, nhấn mạnh: "Tảo hôn khiến các em gái không được học hành, mang tới rủi ro cho sức khỏe và hạnh phúc, cũng như ảnh hưởng đến tương lai của các em".
Một nghiên cứu mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) bao gồm các cuộc phỏng vấn và thảo luận trên 16 địa điểm ở Bangladesh, Ấn Độ và Nepal cho hay, nhiều phụ huynh suy nghĩ rằng hôn nhân chính là lựa chọn tốt nhất đối với các bé gái bị giới hạn chuyện học tập trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.
Cũng theo nghiên cứu, Covid-19 đã khiến các gia đình phải đối mặt với áp lực tài chính, buộc họ gả con gái nhỏ đi lấy chồng để từ đó giảm bớt chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Theo quy định, độ tuổi kết hôn hợp pháp của nữ giới ở Nepal là 20 tuổi; Ấn Độ, Sri Lanka và Bangladesh là 18 tuổi; Afghanistan là 16; Pakistan cũng là 16 nhưng ngoại trừ tỉnh Sindh được nâng lên 18 tuổi.
Để giải quyết tình trạng "cô dâu nhí" ở Nam Á, LHQ cho rằng khu vực này cần ban hành biện pháp bảo trợ xã hội để chống đói nghèo, bảo vệ quyền được học tập của mọi trẻ em, đảm bảo khuôn khổ phù hợp để thực thi luật pháp, và nỗ lực hơn nữa để giải quyết các chuẩn mực xã hội.
"Chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để trao quyền cho trẻ em gái thông qua giáo dục bao gồm giáo dục giới tính toàn diện, trang bị các kỹ năng, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng cùng nhau chấm dứt hủ tục đã ăn sâu này", ông Björn Andersson, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.
Theo Minh Thu (VietNamNet)