Nội các Philippines bất đồng chuyện bắt tay TQ ở biển Đông

17/09/2019 10:37:41

Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte vì mềm mỏng với Trung Quốc trong vấn đề đàm phán biển Đông.

Hôm 12-9, bà Robredo đã công khai tuyên bố việc Tổng thống Duterte có ý định gạt đàm phán biển Đông sang một bên để đổi lấy thỏa thuận khai thác dầu khí với Bắc Kinh là một bước đi “thiếu trách nhiệm” và “đáng xấu hổ”.

Ngay sau đó hôm 14-9, Phủ Tổng thống đã trả lời bà Robredo rằng chính quyền ông Duterte sẽ theo đuổi cơ hội khai thác chung với Trung Quốc song không từ bỏ phán quyết biển Đông.

Cũng trong tuyên bố này, ông phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo yêu cầu bà phó tổng thống phải thận trọng hơn trong từng phát ngôn và "theo sát vai trò của mình, trước nhất là một luật sư, sau đó là một người mẹ".

Ông cho rằng bà Robreto không nên bị cuốn vào sở thích tham gia vào các cuộc tranh luận vô dụng, không đi đến đâu.

Nội các Philippines bất đồng chuyện bắt tay TQ ở biển Đông
Bà Leni Robredo . Ảnh: ESQUIRE PHILIPPINES

Ngay sau đó ngày 15-9, Phó Tổng thống Robredo chia sẻ với báo giới rằng bà cho đây là những suy nghĩ nực cười.

“Họ muốn tôi dùng bản năng của một người luật sư và một người mẹ ư? Tôi đã dùng đúng những bản năng này để truyền đạt quan điểm của mình về vấn đề biển Đông và Trung Quốc" - bà chia sẻ trong một buổi phỏng vấn.

Bà cho biết thêm, với vai trò là một quan chức lãnh đạo cấp cao, trọng trách của bà là công khai, chia sẻ những lo ngại về những vấn đề gây hại trực tiếp đến Philippines như vấn đề đàm phán biển Đông.

Được biết Phó Tổng thống Robredo cũng là người đứng đầu đảng đối lập với ông Duterte. Trong chính trường Philippines, tổng thống và phó tổng thống được bầu riêng biệt.

Các diễn biến đáng chú ý

Ngày 30-8: Sau cuộc gặp song phương giữa ông Duterte và ông Tập tại Bắc Kinh, ông Salvador Panelo cũng khẳng định ông Duterte sẽ không nhắc đến phán quyết của tòa trong những lần làm việc giữa hai nước tiếp theo.

Ngày 10-9: Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở biển Đông nếu họ gạt sang một bên phán quyết của tòa chống lại Bắc Kinh. Tổng thống Duterte cũng cho biết ông sẽ gác lại phán quyết để hợp tác khai thác dầu khí với Trung Quốc, theo hãng tin Bloomberg.

Ngày 11-9: Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. trong cuộc phỏng vấn với đài ANC đã khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài vượt lên trên thỏa hiệp, do đó không thể gạt sang một bên.

Ngày 12-9: Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 12-9 lên tiếng chỉ trích Tổng thống Duterte đã không cân nhắc, suy tính cẩn thận trong việc xem xét việc gạt qua một bên phán quyết của tòa vốn có lợi cho Manila để tìm cách khai thác năng lượng chung với Trung Quốc, báo South China Morning Post đưa tin. Nữ Phó Tổng thống Robredo mô tả việc ông Duterte tỏ ra sẵn lòng với lời đề nghị của ông Tập, quên chuyện phán quyết và bắt tay khai thác dầu khí với Trung Quốc là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”.

“Đảm bảo tương lai tốt đẹp hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất của bất kỳ chính quyền nào. Bán tương lai ấy để nhận lại một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc chính là rũ bỏ trách nhiệm đó một cách rất đáng xấu hổ” - bà Robredo chỉ trích.

Ngày 13-9: Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio hôm 13-9 cũng khẳng định một quốc gia “nếu tuyên bố bỏ qua một phán quyết sẽ đồng nghĩa với việc phán quyết này hoàn toàn có thể bị bãi bỏ, bị đảo ngược hoặc bị phủ quyết”. “Tuy nhiên, tổng thống Philippines không có thẩm quyền đưa ra một tuyên bố bỏ qua phán quyết như vậy” - vị này nói trên đài ABS-CBN News.

Ngày 14-9: Phủ tổng thống Philippines cho biết ông Duterte không có ý định từ bỏ phán quyết. Theo đó, dù có tìm cách khai thác chung dầu khí với Bắc Kinh ở biển Đông, thì ông Duterte vẫn sẽ không bác bỏ phán quyết, vốn được xem là chiến thắng pháp lý rất quan trọng của Philippines.

Philippines dưới thời người tiền nhiệm ông Duterte được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về chủ trương thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa mâu thuẫn ra Tòa Trọng tài để giải quyết. Nước này theo đuổi vụ kiện nhiều năm liền, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần đe dọa và duy trì chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết của tòa. Thành quả là Philippines thắng kiện và được đông đảo quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ.

Theo Đại Thắng - Lam Nguyên (Pháp Luật TPHCM)