Mauritania là quốc gia Hồi giáo nằm ở Tây Phi, giáp sa mạc Sahara và phần lớn người dân dựa vào nông nghiệp để sinh sống.
Trong khí hậu khô nóng của sa mạc, 5-7 đứa trẻ phải ngồi trong một túp lều nhỏ được gọi là trại vỗ béo, cố gắng nuốt những tô thức ăn lớn để có được thân hình “càng mập càng tốt” như người lớn mong muốn.
Ở đất nước Mauritania, kể từ khi còn nhỏ, nhiều bé gái đã bị gia đình ép phải tiêu thụ 16.000 calo mỗi ngày để cơ thể phát triển nhanh nhất. Phong tục này được gọi là "leblouh". Thậm chí, Mauritania còn có cả một ngành công nghiệp chuyên vỗ béo các cô gái trẻ do nhu cầu kết hôn phải béo phì.
Trong quan niệm ở Mauritania, người phụ nữ béo có eo to, cổ ngắn, ngực nở, vai rộng được xem là đẹp và quyến rũ. Đây cũng là hình ảnh phản ánh sự giàu có và địa vị của người chồng trong xã hội. Ngược lại, những cô gái có thân hình mảnh mai hơn bị coi là kém cỏi, và khiến gia đình cảm thấy xấu hổ.
Quá trình “vỗ béo” các bé gái ở Mauritania được ví như hình thức nuôi ngỗng để thu gan (foie gras) của người Pháp.
Vào mỗi mùa mưa hàng năm, những bà mẹ Mauritania cùng nhau tổ chức trại vỗ béo cho các con gái của mình. Họ dựng một túp lều sâu trong sa mạc Sahara đủ để 5-10 người sinh sống.
Những bé gái dưới 11 tuổi sẽ được đưa đến đây để rèn luyện tăng cân như các bà mẹ đã từng trải qua trước đây.
Khẩu phần một bữa sáng cho một bé gái phải đảm bảo chứa 3.000 calo. Dẫn đến các bé gái bị ép ăn liên tục các loại thực phẩm khác nhau như sữa lạc đà pha ngọt, couscous (loại ngũ cốc đặc trưng tại đây), thịt dê, cháo yến mạch… Mỗi thứ đều không dưới 1 kg/bữa.
Khối lượng thức ăn sẽ được tăng dần vào bữa trưa và bữa tối để chắc chắn mỗi đứa trẻ đều được hấp thụ từ 9.000-16.000 calo một ngày.
Phong tục leblouh được duy trì cho tới ngày nay, bất chấp chuyện vỗ béo khiến không ít phụ nữ Mauritania đổ bệnh khi về già. Bởi theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, bé gái từ 9 - 13 tuổi chỉ tiêu thụ từ 1.600 - 2.000 calo mỗi ngày.
Những trường hợp không chịu ăn, bỏ ăn, nôn mửa sẽ nhận các hình phạt khốc liệt từ quản trại. Phổ biến nhất là hình phạt kẹp những ngón chân vào 2 cái que và xoắn lại với nhau. Vì sợ đau, hầu hết bé gái đều phải ngoan ngoãn chịu ăn.
Ngoài mong muốn con gái sẽ được đàn ông để ý, các bà mẹ còn ép những đứa trẻ phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của quá trình này với lý do “thêm một đứa con gái được kết hôn là bớt được một miệng ăn trong nhà”.
Cô Mariam Mint Ahmed (25 tuổi), một thương nhân đã kết hôn sinh sống ở thủ đô Nouakchott, nói với CNN rằng, “với tư cách là thế hệ trẻ, chúng tôi cần chấm dứt phong tục đang đe dọa cuộc sống giới trẻ. Tôi biết rất nhiều cô gái ngây thơ bị ép vỗ béo để lấy chồng, và hầu hết họ đều mắc bệnh. Tôi buồn khi thấy họ liên tục phải chống chọi với bệnh huyết áp, và bệnh tim".
Theo cô Mint Ahmed, trong quá trình vỗ béo, những cô gái ở Mauritania phải ăn một lượng rất lớn thức ăn, và uống nhiều bát sữa dê hoặc sữa bò trong ngày. Nếu cô gái nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị trừng phạt như đánh đập.
Một phụ nữ khác là cô Selekeha Mint Sidi nhớ lại, "mẹ tôi bắt đầu vỗ béo tôi một cách ép buộc khi tôi mới 13 tuổi. Bà thường đánh tôi để ăn nhiều cơm và thịt cừu béo. Mỗi lần như vậy, tôi cảm thấy cái bụng muốn nổ tung".
Cô Mint Sidi đã kết hôn vào năm 2009 và có một cô con gái. Cô khẳng định sẽ không bao giờ vỗ béo con gái dù "bất kể lý do gì".
Trên thực tế, phong tục leblouh vẫn tồn tại ở vùng nông thôn Mauritania.
“Tôi có 2 con gái và tôi đã vỗ béo chúng khi mới 8 - 10 tuổi, nên cả hai đều lớn rất nhanh, có người hỏi cưới sớm, và sinh con trước 17 tuổi. Bây giờ tôi cảm thấy rất tự hào về những gì mình đã làm", bà Achetou Mint Taleb (55 tuổi) nói.
Theo bà Mint Taleb, những người phụ nữ phụ trách việc vỗ béo các cô gái cho rằng chuyện nôn mửa thường xuyên và bị ép ăn là điều bình thường và tự nhiên ở Mauritania.
Bà Mar Jubero Capdeferro, người phụ trách chương trình về giới của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Mauritania, giải thích, "họ nói rằng, nếu một phụ nữ béo có nghĩa là gia đình cô ấy có đủ điều kiện để nuôi con. Và nó trở thành tiêu chuẩn cho cái đẹp, và càng béo càng xinh".
Nhưng theo bà Capdeferro, truyền thống này đang thoái trào trong thế hệ trẻ. Bởi những phụ nữ bị “béo phì ở tuổi 40, 50 thậm chí còn không đi lại được, bị tăng huyết áp, tiểu đường, và nhiều bệnh khác”.
Bà Capdeferro cho biết thêm, "chuyện ép ăn đối với các bé gái càng trở nên nguy hiểm hơn. Bởi ngày nay, ngoài ép ăn, nhiều bé gái còn bị ép dùng hóa chất chuyên vỗ béo cho động vật”.
Theo một nghiên cứu vào năm 2007 của Social Solidarity Association, tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ các nạn nhân của phong tục leblouh, 7% các cô gái ở thành phố bị ép vỗ béo, trong khi tỷ lệ này ở vùng nông thôn là gần 75%.
HL (SHTT)