Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt

06/08/2021 07:34:42

Trong hai thập kỷ, người đàn ông từng bị bọn buôn người bắt cóc luôn đổ lỗi cho gia đình ruột thịt vì đã bỏ rơi anh, dẫn đến những điều bất hạnh mà anh phải trải qua.

Nhiều năm trời, Ling Dong không muốn đi tìm bố mẹ ruột. Năm 1999, vì sự sơ suất của người bà khiến cho Ling Dong bị bọn buôn người bắt cóc.

Năm 4 tuổi, anh bị chúng đưa đến khu tự trị dân tộc Choang ở phía tây nam tỉnh Quảng Tây. Cũng như hàng nghìn trẻ em Trung Quốc bị bắt cóc, Ling cũng bị bán cho các cặp vợ chồng không có con hoặc không sinh được con trai.

Lớn lên, Ling Dong biết được rằng năm xưa chính bố mẹ ruột đã bán anh cho bọn buôn người. Kể từ đó, anh nảy sinh lòng căm hận đối với họ. Những năm gần đây, khi nhiều nạn nhân của nạn buôn người đang cố gắng tìm lại thân phận và gia đình thông qua hệ thống dữ liệu ADN quốc gia, Ling Dong lại cảm thấy không muốn làm như vậy.

Cho đến năm 2019, sự tò mò bắt đầu thôi thúc anh nhiều hơn.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt

Bài viết dưới góc nhìn của chính Ling Dong trên Sixthtone.

Tôi bị bắt cóc vào mùa thu năm 1999. Tôi chỉ nhớ mình được một người đàn ông đưa đến Quảng Tây, đầu tiên là bằng tàu hỏa, sau đó là thuyền, và cuối cùng là bị ông ta cõng vào núi. Ông ấy dùng một chiếc lá to để múc nước cho tôi uống. Khi tôi khóc, ông ấy chơi trò trốn tìm với tôi và cảnh báo rằng cảnh sát sẽ bắt nếu tôi không chịu im lặng.

Tôi đến một nơi xa, nơi có "bố và mẹ" đang đợi tôi. Nơi có những con sông nhỏ, những ngọn núi, cây cối và gà vịt. Ở quê tôi không có những thứ này nên tôi vừa sợ vừa tò mò.

Có một lần, tôi lỡ tay làm vỡ một cái bình, “mẹ” đã mắng tôi là đứa trẻ phiền toái và bà không muốn nhìn thấy tôi nữa. Vài tháng sau, họ có một đứa con riêng và giao tôi lại cho gia đình hiện tại.

Mùa đông năm đó, tôi rời gia đình đầu tiên, chuyển đến ngủ với “bà nội” ở một gia đình mới. Có lần buổi đêm tôi mắc tiểu nhưng rất sợ không dám đi. Không ngờ, bà đã nhận ra tình huống khó xử của tôi. Kể từ đó tôi cảm thấy an toàn hơn trong vòng tay của bà. Bà còn luôn giữ ấm cho đôi chân của tôi.

Ở cùng “bố mẹ” mới, tôi buộc phải học cách làm việc nhà. Tôi phải nấu cơm cho gia đình họ. Một hôm tôi lén bỏ trứng vào nồi cơm sắp chín và trứng đã thấm lên bề mặt cơm. Hậu quả là bố nuôi đã trừng phạt tôi bằng cách không cho ăn gì và tối đó tôi phải ngủ ngoài chuồng lợn.

Chị gái đã lén lấy thức ăn cho vào cái túi cuộn tròn rồi đem đến cho tôi ăn.

Chị nói: “Em ăn đi. Đêm sẽ sớm qua thôi. Đừng ăn trứng nữa vì chúng là để bán”.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 1
(Ảnh minh họa)

Một lần khác tôi muốn ăn bánh quy. Chị đã lấy 10 tệ của bố nuôi để mua bánh cho chúng tôi cùng ăn. Tôi không nỡ ăn hết bánh một lần, nên chỉ dám nhấm nháp từng chút.

Tôi từng hỏi chị lớn lên muốn làm gì. Chị nói sau này muốn được ăn ngon và mặc những bộ váy đẹp. Đến bây giờ, mỗi năm tôi đều mua cho chị vài bộ váy. Chị là người luôn bảo vệ tôi suốt quãng thời gian thơ ấu. Trong lòng tôi, chị chính là hình mẫu của một người mẹ.

Đôi khi tôi cảm thấy thương bố mẹ nuôi của mình. Họ đã vất vả cả ngày làm công việc đồng áng. Họ không thường xuyên thể hiện tình cảm nhưng tôi biết họ có quan tâm đến tôi. Chẳng hạn, khi tôi bị ốm, họ cho tôi tiền đi bốc thuốc. Khi tôi bị bắt nạt, mẹ nuôi rất tức giận và đứng ra bảo vệ tôi. Cho rằng tôi không đủ thông minh, bà dặn tôi lần sau nhớ trốn đi.

Tôi không mấy quan tâm đến việc học hành. Mùa hè năm lớp 2, tôi đã đến bơi ở một cái ao trong làng. Tôi không được phép làm vậy vì nó rất nguy hiểm. Lúc bố nuôi xuất hiện, tôi đã vô cùng hoảng sợ. Tôi biết mình không thể trốn ông ấy. Nhưng bố lại không la mắng lời nào mà chỉ cởi hết áo quần của tôi ra và nói: “Mày đừng ăn cơm. Cứ chơi cho đến khi không còn nghĩ đến nó nữa thì thôi”.

Việc này đã khiến lòng tự trọng của tôi bị tổn thương. Hễ có người đi qua, tôi lại hụp xuống nước để che giấu cơ thể mình. Ngồi dưới nước quá lâu, chân tay tôi bắt đầu bủn rủn hết cả. Khi trời gần tối, tôi bắt đầu khóc.

Tôi cảm thấy hận bố mẹ ruột đã bỏ rơi nên mới khiến tôi khổ sở đến như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện tự tử - nhưng tất cả can đảm của tôi đã không còn nữa.

Tôi không còn cách nào khác là về nhà với tư thế cúi đầu.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 2

Dù tôi có ngoan ngoãn hay không, bố mẹ nuôi vẫn luôn nói rằng, bố mẹ đẻ không hề muốn có tôi. Trong thâm tâm, tôi cho rằng họ nói đúng. Và tôi cũng sợ một ngày nào đó bố mẹ nuôi cũng sẽ đuổi tôi đi.

Đến năm 8 tuổi, tôi có thể nấu được nhiều món ngon, cho gà vịt ăn, cắt cỏ cho bò ăn. Tôi cũng rửa chén và lo chuyện giặt giũ trong nhà. Tôi có thể đoán được bố mẹ nuôi muốn gì dựa vào nét mặt của họ.

Tôi bỏ học vào năm lớp 5 để đi chăn bò. Bất cứ khi nào cảm thấy tồi tệ, tôi đều đến một ngôi mộ cổ trên núi, bí mật viết nhật ký và vẽ tranh, bày tỏ niềm tôn kính với mẹ ruột của mình ở đâu đó rất xa.

Tôi ghét mẹ nhưng cũng rất nhớ mẹ. Tôi đoán bà ấy chắc rất đẹp và tự hỏi không biết mình có giống mẹ ở điểm nào không.

Không cần bố mẹ ruột, tôi vẫn sống tốt!

Năm 15 tuổi, tôi bắt đầu cùng một người đàn ông trong làng chuyển gạch, đập xi măng, xúc cát. Sau khoảng sáu tháng, ông chủ thấy tôi chăm chỉ nên cho tôi học lái máy xúc để sau này kiếm việc làm thêm.

Lúc này tôi nhận ra rằng tự do chỉ có được khi rời khỏi nhà, được trả lương hàng tháng và được ăn những gì mình muốn. Tôi cay đắng khi nghĩ về bố mẹ đẻ. Không có họ, tôi vẫn có thể trưởng thành, có việc làm và kiếm ra tiền.

Hết giờ làm, bố mẹ các đồng nghiệp thường gọi điện hỏi han và gửi đồ ăn cho họ. Bố mẹ nuôi của tôi chỉ gọi vào ngày tôi lãnh lương để hỏi khi nào thì có tiền. Họ nhắc tôi phải gửi tiền về, yêu cầu tôi mua đủ mọi thứ. Tiền lương tôi chỉ được giữ lại một phần rất nhỏ, còn lại phải đưa hết cho họ.

18 tuổi, tôi dựng cho mình một túp lều ở lưng núi và thường ngồi đó trong thời gian dài. Tôi tưởng tượng rằng mọi thứ có thể thay đổi theo chiều hướng tốt hơn và tôi không thua kém những người khác.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 3
Ngôi nhà do Ling Dong tự xây phía sau lưng núi

Có lần tình cờ tôi xem được một chương trình trên truyền hình. Một người mẹ tên Zhang Xuexia đang tìm kiếm con trai. Chồng cô vì không thể chịu đựng thêm được nữa nên đã tự tử. Câu nói cuối cùng của ông ta là: “Tất cả những gì tôi muốn là con trai tôi”.

Tôi bắt đầu tự hỏi: “Phải chăng mình đã bị bắt cóc?”. Nhưng rồi tôi lập tức gạt phắt ý nghĩ trong đầu: “Tôi nhất định đã bị bỏ rơi!”.

Người trong làng hay nói với tôi: “Bố mẹ ruột đã bỏ mày, có khi giờ họ đã có con riêng của mình. Họ không muốn có mày đâu. Bố mẹ nuôi chăm sóc mày bao năm qua, mày phải đối xử tốt với họ hơn”.

“Bà nội” thường nói, nếu bố mẹ sinh con nhưng không nuôi, đứa trẻ có thể trả ơn bằng cách chặt một ngón tay. Nhưng nếu bố mẹ không sinh ra con nhưng vẫn nhận nuôi, đứa trẻ chỉ có thể trả ơn họ bằng cách chặt đầu mình.

Bà sợ ngày nào đó tôi sẽ bỏ đi nên hay kể với tôi câu chuyện này: Một gia đình đã nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi. Cô con gái nuôi đặc biệt rất hiếu thảo và để thể hiện tình cảm của mình, cô đã kiên quyết không nhận lại bố mẹ ruột.

Vài tháng trước khi “bà nội” mất, tôi là người cho bà ăn, tắm và thay quần áo cho bà. Vào đêm bà qua đời, tinh thần bà vẫn rất minh mẫn. Bà nói rằng bà chẳng có kỳ vọng nào, chỉ muốn tôi tận tâm với gia đình và cuối cùng tất cả sẽ là của tôi. Tôi chấp nhận số phận của mình. Bố mẹ nuôi đã chăm sóc từ khi tôi còn nhỏ và tôi sẽ chăm sóc khi họ già đi.

Giây phút cuối đời, bà không nói lời nào nữa mà chỉ tay về hướng bàn thờ tổ tiên. Bà muốn tôi đồng ý với nguyện vọng cuối cùng của bà.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 4

Niềm hy vọng nhen nhóm

Khi xem buổi livestream của Tang Weihua, một người mẹ có con trai bị bắt cóc, tôi đã rơi vào trạng thái tồi tệ nhất của cuộc đời mình. Tôi sợ rằng bản thân thực sự đã bị bỏ rơi và bố mẹ ruột đã không bao giờ tìm kiếm mình.

Thời điểm đó tôi được đưa vào nhóm có khả năng là con thất lạc của Tang. Thông qua sự giúp đỡ, tôi đã kết nối với Tang qua cuộc trò chuyện riêng. Tôi kể cho bà nghe về tuổi thơ của mình, bà nói: “Con trai à, đừng sợ, có tôi ở đây”.

Từ nhỏ đến lớn, chưa ai nói chuyện với tôi như thế. Tôi và Tang đã trò chuyện đến khuya. Những ngày sau đó, chúng tôi đều nói chuyện qua WeChat. Tang kiên nhẫn an ủi và động viên tôi đi thử máu.

Bố mẹ nuôi bắt đầu nhận ra biểu hiện khác của tôi. Mẹ nuôi cấm tôi không được xem Tang livestream nữa. Cũng vì điều này giữa tôi và mẹ nuôi đã xảy ra tranh cãi gay gắt. Tôi rất tức giận nên uống say và bỏ trốn ra sau núi.

Không ngờ trên đường đi tôi bị ngã đập đầu rồi được dân làng đưa đến bệnh viện. Khi tỉnh dậy, tôi đã trở thành kẻ phản bội trong mắt bố mẹ nuôi. Họ tịch thu điện thoại của tôi, chặn liên lạc với Tang trên WeChat.

Có người trên mạng nghi ngờ tôi đang bị Tang lợi dụng để câu tương tác. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi liền viết một bức thư để Tang có thể đọc nó trên buổi phát sóng trực tiếp.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 5
Ling Dong rất thích dành thời gian chơi một mình ở đây

Từ nội dung bức thư, nhiều người càng khẳng định tôi là kẻ giả mạo, chỉ bày ra câu chuyện đau khổ đến lấy được sự thương hại. Có người cũng tỏ ra bất bình vì cách cư xử của bố mẹ nuôi tôi. Họ nói: “Mua con về mà không yêu thương, vậy thì mua làm gì?”. Nhiều dân mạng đã khuyên tôi nên sớm đi lấy mẫu máu để xét nghiệm ADN, tìm ra gia đình thật của mình.

Điều tôi lo lắng nhất là việc bố mẹ nuôi của tôi sẽ cảm thấy rất tồi tệ. Quan hệ giữa chúng tôi sẽ rạn nứt nếu họ biết chuyện. Tôi cũng sợ hàng xóm biết chuyện sẽ mắng chửi tôi là kẻ vô ơn.

Cuối cùng, tôi quyết định lấy mẫu máu. Tôi muốn cho bố mẹ ruột thấy tất cả những gì tôi đang có. Sau 21 năm, tôi đã trưởng thành mà không cần sự giúp đỡ của họ. Nhưng tôi vẫn có cảm giác khó chịu và rất phức tạp về họ. Tôi khao khát được tìm hiểu họ, được nhìn thấy và đối mặt trực tiếp với họ.

Vài ngày sau khi lấy mẫu máu, Tang đến Quảng Tây. Mẹ nuôi phản đối cuộc gặp gỡ này, nhưng bà ấy vẫn chưa biết chuyện tôi đã đi lấy mẫu máu. Mẹ nuôi bắt tôi hứa tuyệt đối không được đi tìm gia đình thật của mình.

Tang muốn gặp tôi trong những ngày cuối cùng của cô ấy ở Quảng Tây và bố nuôi đã theo dõi tôi rất kỹ. Ông thậm chí còn theo tôi đến tận nơi làm việc.

Tối hôm đó tôi định lái máy xúc đến một quận khác để gặp Tang sau giờ làm việc. Bố nuôi đã đi theo và buộc tôi phải quay về. Sau đó, tôi càng quyết tâm gặp Tang nhưng mẹ nuôi bắt đầu bị suy sụp và bà đã uống thuốc sâu tự tử. Vào ngày thứ tư mẹ nuôi nhập viện, tôi được thông báo rằng, sau hai lần so sánh, ADN của tôi đã đối chiếu thành công với một cặp vợ chồng ở Chiết Giang.

Ngày sum họp

Tuy đã tìm ra người nhà ở Chiết Giang nhưng tôi không nói chuyện cũng không yêu cầu được đoàn tụ. Tôi đã phải chịu đựng biết bao đau khổ vì chính bà nội đã làm tôi bị lạc. Tôi xét nghiệm máu chỉ muốn tìm ra sự thật và trả thù.

Chính quyền và các tình nguyện viên đến khuyên tôi nên nối lại tình cảm với gia đình ruột thịt của mình, nhưng ý chí của tôi rất mạnh mẽ. Tuy vậy, gia đình vẫn không từ bỏ tôi. Họ gửi cho tôi nhiều loại trái cây mà tôi yêu thích khi còn nhỏ. Bà nội và chú cũng lái xe từ Chiết Giang đến Quảng Tây. Bà rất muốn gặp tôi, nhưng tôi từ chối.

Sau vài ngày canh cánh trong lòng, trái tim tôi từ từ bình tĩnh trở lại. Tôi nghĩ, nhất định phải kiếm cách đuổi bà đi, nếu không sẽ không thể sống yên.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trong một văn phòng chính quyền ở địa phương. Có lẽ bà sợ tôi bị sốc nên đã cố kìm nén nước mắt và không dám ôm lấy tôi. Tôi cũng không dám nhìn thẳng vào bà.

Bà cho tôi biết bố mẹ ruột chưa từng ngừng tìm kiếm tôi. Mẹ tôi mất sớm, bố tôi thì chỉ mới mất khoảng 4 tháng trước khi chúng tôi gặp nhau. Lời nói của bà khiến tất cả trong tôi như sụp đổ. Tôi ngồi xổm dưới sàn nhà, không cho ai đến gần mình.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 6
Món súp do chính bà nội nấu cho Ling Dong trong ngày đoàn tụ

Sau bữa tối, tôi quyết định đến Chiết Giang cùng với chú và bà. Cả quãng đường, tôi không nói một lời. Về đến quê, bà con ra đón, đánh chiêng trống và đốt pháo.

Mọi người đến kiểm tra tay và tóc của tôi, kiểm tra các đặc điểm của tôi để xác nhận. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bộ quần áo tôi mặc khi còn nhỏ, chiếc ghế dài nhỏ và bàn chải đánh răng nhỏ.

Trạng thái tinh thần của mẹ ruột tôi luôn dao động từ lúc tôi bị bắt cóc. Có khi mẹ đi khỏi nhà nhiều ngày liền, bố tôi ra ngoài tìm phải cầm 2 bức ảnh, một của tôi và một của mẹ.

Mẹ mất khi em gái tôi chỉ được vài tuổi, không để lại gì ngoài 2 tấm ảnh của tôi. Sau đó em gái tôi được bà nội nuôi dưỡng trong khi bố phải đi làm xa nhà để nuôi gia đình và để tìm kiếm tôi.

Bà và em gái đã ở bên tôi suốt cả ngày. Tôi thực sự cảm thấy như đang ở nhà. Những thành viên trong gia đình này là những người thân thiết nhất với tôi. Mọi hành động của họ đều khiến tôi cảm thấy một sự ấm áp mà tôi chưa từng trải qua ở nhà bố mẹ nuôi.

Bà nội nói bà nhất định phải nấu cho tôi bữa cơm đầu tiên ở nhà. Em gái thì nói tôi phải uống trà sữa do chính tay em pha. Họ cho tôi ăn những món địa phương tôi chưa bao giờ được ăn trong đời. Tôi cảm động trước tình yêu từ nơi dịu dàng nhất của trái tim họ.

Đêm đó, bà nội kê ghế ngồi cạnh canh tôi ngủ. Bà nói bà sợ tôi bị bắt đi thêm lần nữa. Khi tôi chìm vào giấc ngủ, bà nhẹ nhàng vá lại những vết rách trên chiếc quần jean của tôi.

Bà nội đã sống rất khó khăn kể từ khi tôi bị bắt cóc. Bà từng nói rằng bà không dám chết cho đến khi được gặp lại tôi. Chú tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều từ vụ bắt cóc. Chú đã dành nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình và không kết hôn cho đến năm 40 tuổi.

Cúi đầu trước tổ tiên

Vì đứa cháu đích tôn của cả dòng họ bị bắt cóc nên kể từ đó gia đình tôi cũng không bao giờ làm lễ thờ cúng nữa. Ngày đoàn tụ, tấm bài vị tổ tiên được cất giữ 21 năm cuối cùng đã được đem bày ra giữa gian nhà. Tôi thành kính cúi đầu trước tổ tiên của mình, sau đó đến nơi an nghỉ của bố mẹ và dâng hương cho họ.

Tôi cảm thấy tội lỗi vì đã căm ghét bố mẹ ruột bao nhiêu năm nay. Nếu tôi chịu lấy máu xét nghiệm, tìm kiếm họ sớm hơn, có lẽ tôi đã kịp gặp được bố ruột của mình.

Sau khi bố mẹ nuôi biết chuyện, họ đã làm ầm lên, gây áp lực ép tôi phải quay trở về. Mẹ nuôi thậm chí còn dọa rằng bà sẽ đến tận Chiết Giang để lôi tôi về. Tôi như bị mắc kẹt giữa hai gia đình.

Nỗi ân hận muộn màng của nạn nhân buôn người: 21 năm hận bố mẹ thấu xương để rồi ngày đoàn tụ lại đau đớn trước sự thật đầy nước mắt - 7
Bữa cơm tất niên của gia đình Ling Dong ở Chiết Giang, tháng 2/2021

Tôi không muốn bà nội phiền lòng nên đã không cho bà biết chuyện. Ngày nào tôi cũng trấn an mẹ nuôi rằng tôi sẽ phụng dưỡng bà khi về già. Dù sao tôi cũng đã sống trong nhà mẹ nuôi 21 năm, tình cảm đó không dễ gì thay đổi.

Năm ngoái bà nội muốn tôi về nhà đón giao thừa. Nhưng vì tôi vừa kết hôn, theo đúng truyền thống, tôi phải đến gặp toàn bộ dòng họ bên gia đình bố mẹ nuôi ở Quảng Tây vào dịp Tết Nguyên Đán. Bà nội do dự một chút rồi nói: “Cháu không cần về đâu. Ở nhà mọi người vẫn ổn”.

Cuối cùng, tôi đã đạt được thỏa hiệp. Vào đêm giao thừa, tôi đến Chiết Giang để ăn tất niên và đón năm mới với bà, em gái và chú. Sau đó tôi bắt xe đi Quảng Tây lúc hai giờ sáng và đến nơi vào chiều mùng một Tết. Tôi thực sự chỉ muốn làm hết sức mình cho mọi người được vui.

Tôi nhớ bố mẹ ruột lắm. Đôi lúc tôi nhắn tin vào WeChat cũ của bố để chia sẻ về cảm nghĩ và những gì tôi đang trải qua. Hôm trước ngày giỗ của bố, tôi đã nhắn cho ông rằng: 

“Bố ơi, ngày mai là tròn 1 năm bố rời xa chúng con. Dù đã không gặp nhau rất lâu rồi nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quên nhau đúng không bố? Con muốn nói với bố rằng kể từ nay, bà và em gái sẽ sống tốt hơn. Vì con đang ở đây. Bố yên tâm nhé, con sẽ về nhà thường xuyên và chăm sóc chu đáo cho họ. Con sẽ cho em gái sống như một công chúa. Con sẽ cố hết sức để biến nhà mình trở thành một tổ ấm mới”.

Tôi tin rằng dù bố mẹ đang ở nơi rất xa, họ cũng có thể cảm nhận được những điều đã thay đổi trong tôi.

Theo Song Kỳ (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật