Việc ngồi trước màn hình và điều khiển cỗ máy giết người - những chiếc phi cơ không lái đã ám ảnh tâm trí người lính Mỹ này đến tận khi đã giải ngũ.
Một phi cơ không người lái phóng rocket tiêu diệt mục tiêu. Ảnh: dronewars.net.
Cian đã xây dựng cơ sở hạ tầng liên lạc cho chương trình phi cơ không người lái (UAV) của quân đội Mỹ ở Afghanistan, mà theo một báo cáo năm 2015 của The Intercept đã dẫn tới cái chết của hàng trăm dân thường.
Năm 2010, sau 4 năm trong quân ngũ, anh này rời khỏi lực lượng không quân Mỹ và gia nhập đội ngũ những người “thổi còi” phê phán chính sách phi cơ không người lái của Mỹ.
Dưới đây là câu chuyện của Cian qua lời kể của chính anhm trên trang báo mạng al Jazeera:
“Ngày đầu tiên tôi được đưa tới Kandahar thực sự lạ lẫm. Tôi đi bộ từ lều ở ra chiếc “hộp nhỏ” - đây chính là văn phòng của tôi. Sếp tôi đã có mặt trong đó, miệng tươi cười. Ông quay sang chúng tôi, nói: “Nào các chàng trai, chúng ta sẽ tiêu diệt các gã người xấu”.
Tôi thấy nghẹn trong cổ họng và dạ dày. Hồi đọc Kinh thánh, tôi biết rằng chúng ta không được giết người, thế mà giờ đây ở chỗ này, tôi lại đang làm cái việc xây dựng cơ sở kỹ thuật cho người ta làm công việc giết chóc đó.
Tôi xây dựng hệ thống truyền dữ liệu. Tôi cũng tham gia canh gác và được chứng kiến cảnh lũ trẻ con đến xin nước và chúng tôi được lệnh không cho chúng nước.
Một ngày tôi nhận ra là nếu mình không nạp hệ thống mã hóa mỗi ngày thì chẳng có gì xảy ra cả. Máy bay sẽ không thể sử dụng hệ thống này để thực thi chương trình phi cơ không người lái.
Áp lực ngược
Không bị kẻ thù đe dọa trực tiếp – đây là điều làm cho công việc trở nên khó khăn. Nếu bạn gặp nguy hiểm, nếu ai đó đang gí súng vào bạn thì bạn có thể biện minh cho việc bắn vào ai đó.
Nhưng nếu bạn sống ở Kandahar, bạn lại đối mặt với một màn hình, ở đó bạn thấy con người từ ngày này qua ngày khác, bạn bắt đầu thậm chí cảm thấy rằng họ chẳng phải là người xấu.
Một vài người bắt đầu thấy có liên hệ tình cảm với những người mà họ truy đuổi và bắt đầu hiểu được nét nhân văn ở những người đó. Điều này thực sự gây tổn thương trong lòng, mà bạn thì chẳng có ai để tâm sự.
Khi bạn tham gia vào chương trình phi cơ không người lái, bạn bị cách ly. Người điều khiển, nhà phân tích, các chỉ huy – tất cả đều làm việc riêng rẽ. Tất cả những gì bạn nghe thấy là những tiếng nói chỉ cho bạn phải làm gì.
Những người như tôi cảm thấy khó xử. Khi mà bạn không ở vào trạng thái phải chiến đấu để sinh tồn – phải chiến đấu tức thời, thì bạn sẽ không át được các tiếng nói chỉ trích từ trong tâm can mình. Nghĩa là bạn sẽ ở vào trạng thái giằng xé về đạo đức.
Dân thường đã chết
Khá nhiều dân thường đã thiệt mạng do chính cái công việc tôi đã làm.
Một phi công không quân Mỹ cầm cần lái điểu khiển UAV bắn hạ mục tiêu. Ảnh: Getty.
Dù cho bạn là người điều khiển UAV hay là nhân viên kỹ thuật hỗ trợ, tay bạn vẫn nhúng chàm. Giờ đây ở Mỹ chúng ta có một quân đội không chịu trách nhiệm trước công chúng. Hàng ngàn người có trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt Hỗn hợp – một lực lượng chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống Mỹ.
Quân đội đang trở nên khó kiểm soát. Vào năm 2030 đa số người được tuyển dụng sẽ là để hỗ trợ kỹ thuật và bảo dưỡng. Khi đó ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trong chương trình UAV, bạn thường phải làm việc theo ca dài 10-12 tiếng đồng hồ. Điều này làm tăng triệu chứng tự kỷ. Tương tự như khi chơi điện tử nhiều, bạn sẽ kiệt sức và hốc hác.
Ác mộng về chuyện giết hại trẻ em
Điều này ám ảnh tôi khi tôi ở căn cứ không Kandahar - một bên là thức ăn McDonald, còn dưới đường là lũ trẻ đói khát xin nước uống.
Những con người đó sống cuộc đời khổ cực, còn chúng tôi ngồi đây trong sự thoải mái bên cần lái và hạ quyết tâm tiêu diệt những gã xấu xa.
Có lẽ những gã đó không phải là kẻ xấu. Có lẽ chúng ta cần giảm bom đi và tiến hành đối thoại nhiều hơn giữa các nền văn hóa.
Sau thời kỳ tác chiến này, tôi bị nhiều vấn đề về thần kinh mà đến nay vẫn chưa chữa khỏi hẳn.
Tôi bị hành hạ bởi những cơn ác mộng về việc ném bom các ngôi làng, về việc sát hại những đứa trẻ và nỗ lực cứu chúng.
Phản đòn
Tất nhiên quân đội không thích những người nói nhiều.
Khi tôi lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2015, tôi đã phát ngôn cùng với 2 người được đề cập đến trong bộ phim UAV.
Ban đầu tài khoản ngân hàng của chúng tôi bị đóng băng. Luật sư chúng tôi đã đưa vụ này lên Twitter.
Tôi nghĩ quân đội cảnh giác với chúng tôi khi chúng tôi hợp tác với các nhóm khác, các luật sư và các nhà hoạt động.
Hiện nay 12 người trong chương trình UAV đã liên lạc với nhau và cùng cất lên tiếng nói về các trải nghiệm của họ trong chương trình này, bất chấp nguy cơ bị tù vì tội danh làm gián điệp”.../.
Theo Trung Hiếu (VOV.vn)