Theo Reuters, các vụ nổ trên dường như là một trong những sự cố đáng kể nhất ở thủ đô Ukraine kể từ khi binh lính Nga rút khỏi khu vực này vào đầu tháng 4 để chuẩn bị cho các trận chiến ở phía nam và phía đông nước láng giềng.
Hiện chưa có báo cáo về tổn thất sau các vụ nổ ở Kiev và các thành phố Kherson ở phía nam, Kharkiv ở phía đông và thị trấn Ivano-Frankivsk ở phía tây. Truyền thông Ukraine đưa tin về tình trạng mất điện ở nhiều khu vực thuộc Kiev.
Theo báo chí địa phương, còi báo động tiếp tục vang rền khắp các khu vực Luhansk và Zaporizhzhia miền đông Ukraine từ sau nửa đêm 14/4, ngay cả khi những nơi khác đã trở nên yên tĩnh.
Reuters cho biết hãng thông tấn này chưa thể xác minh những thông tin trên.
Nga yêu cầu Brazil giúp ứng phó trừng phạt của phương Tây
Theo một bức thư bị rò rỉ, Nga đã kêu gọi sự ủng hộ của Brazil tại Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và nhóm các nền kinh tế lớn G20 để giúp nước này chống lại các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt kể từ khi Moscow mở chiến dịch tấn công quân sự sang Ukraine.
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã viết thư cho Bộ trưởng Kinh tế Paulo Guedes yêu cầu Brazil “hỗ trợ để ngăn chặn các cáo buộc chính trị và nỗ lực phân biệt đối xử trong các tổ chức tài chính quốc tế và diễn đàn đa phương”.
“Phía sau hậu trường, các nỗ lực đang diễn ra tại IMF và WB nhằm hạn chế hoặc thậm chí trục xuất Nga khỏi quá trình ra quyết định", ông Siluanov cho hay, nhưng không nêu cụ thể các trở ngại đối với sự tham gia của Nga vào các tổ chức đó.
Bức thư đề ngày 30/3 và được đại sứ Nga tại Brasilia chuyển tới Bộ trưởng Kinh tế Brazil hôm 13/4.
“Như ngài đã biết, Nga đang trải qua một thời kỳ đầy thách thức về bất ổn về kinh tế và tài chính do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh. Gần một nửa dự trữ quốc tế của Nga đã bị đóng băng và các giao dịch ngoại thương đang bị ngăn chặn, bao gồm cả những giao dịch với các đối tác kinh tế thị trường mới nổi", Bộ trưởng Tài chính Nga nhấn mạnh.
Ông Siluanov cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang theo đuổi chính sách cô lập Nga khỏi cộng đồng quốc tế và việc phương Tây áp trừng phạt Moscow là vi phạm các nguyên tắc của thỏa thuận Bretton Woods, vốn là nền tảng tạo nên IMF và WB. Quan chức này kêu gọi Brazil "chung tay hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện thời" nhằm tránh "các hậu quả lâu dài".
Khi được hỏi về bức thư nói trên, Erivaldo Gomes, Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Kinh tế Brazil cho biết, quốc gia Nam Mỹ này muốn Nga tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận tại những tổ chức đa phương.
“Theo quan điểm của Brazil ... giữ đối thoại mở là cần thiết. Cầu nối của chúng ta là các cơ quan quốc tế và đánh giá của chúng tôi là những cây cầu này phải được bảo tồn", ông Gomes bày tỏ.
Nga dọa triển khai vũ khí hạt nhân nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 15/4 cảnh báo tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này, Moscow sẽ triển khai các vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở châu Âu.
Cả Thụy Điển và Phần Lan, nước có chung đường biên giới dài 1.300km với Nga, đều cho biết đang cân nhắc việc trở thành thành viên của NATO. Ông Medvedev, người từng giữ chức tổng thống Nga giai đoạn 2008 - 2012 và hiện là một trong những đồng minh thân cận nhất của đương kim Tổng thống Vladimir Putin, khẳng định nếu điều này xảy ra, Moscow sẽ phải tăng cường sức mạnh của các lực lượng bộ binh, hải quân và không quân ở biển Baltic.
Ông Medvedev cũng cho rằng, sẽ không thể đề cập đến một vùng Baltic "không có hạt nhân" khi vùng Kaliningrad của Nga nằm kẹp giữa Ba Lan và Lithuania. Ông bày tỏ hy vọng Phần Lan và Thụy Điển sẽ hiểu ra vấn đề, vì "nếu không họ sẽ phải sống chung với vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ngay cạnh nhà".
Theo Reuters, khi được hỏi quan điểm của Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, nước này không thay đổi lập trường và "cánh cửa của NATO luôn rộng mở".
Nga hiện là nước sở hữu kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới và cùng với Trung Quốc, Mỹ là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ tên lửa siêu vượt âm.
Lithuania nói, các đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow từng triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad rất lâu trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.
Cho đến nay, NATO chưa có phản ứng trước cảnh báo mới của Nga.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)