Nikkei: Ấn Độ là quốc gia có trách nhiệm hơn TQ về hàng hải

05/09/2016 13:43:00

Tờ báo Nhật Bản đánh giá chuyến thăm của ông Modi đến Việt Nam đã mang lại mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nước trong hợp tác kinh tế và giải quyết các vấn đề ở khu vực.

Tờ báo Nhật Bản đánh giá chuyến thăm của ông Modi đến Việt Nam đã mang lại mối liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nước trong hợp tác kinh tế và giải quyết các vấn đề ở khu vực.

Ông Modi đến Việt Nam chỉ một ngày trước khi có chuyến đi tới Hàng Châu, Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 3/9. Ảnh AP.

Tờ Nikkei Asian của Nhật Bản đã có một bài viết dài nói về ý nghĩa chuyến thăm lần này của ông Modi và triển vọng hợp tác kinh tế cũng như quốc phòng trong tương lai giữa Ấn Độ và Việt Nam trong bối cảnh khu vực đang căng thẳng sau những động thái cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tờ Nikkei đánh giá Ấn Độ là một quyền lực mới nổi - đang đóng một vai trò quan trọng đối với các vấn đề ở khu vực và trên toàn cầu.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Modi và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên tái khẳng định sự ủng hộ "cho hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thương mại trên biển; dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong" Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ấn Độ và Việt Nam cũng kêu gọi tất cả các quốc gia hướng tới giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; đề nghị các bên tranh chấp "tôn trọng các quy trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện các quy tắc ứng xử (COC)".

Theo tờ Nikkei Asia, trong khi một mặt ông Modi cho thấy sự đồng thuận với Việt Nam trong việc hướng tới tuân thủ luật pháp quốc tế đối với các tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông; mặt khác ông cũng đảm bảo "vấn đề" mà Bắc Kinh không muốn nhắc tới ở G20 sẽ được Ấn Độ nêu ra.

Trong chuyến đi tới Trung Quốc ngay sau khi rời Việt Nam, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có cuộc gặp bên lề "truyền thống" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hiện vẫn chưa có thông tin về những vấn đề mà hai nước sẽ thảo luận, nhưng theo giới quan sát chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề mà New Delhi đang rất quan tâm như đề xuất hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hay việc đàm phán trở thành thành viên nhóm cung ứng hạt nhân mà trước đó đã từng bị Bắc Kinh cản trở.

Lịch trình ngoại giao bận rộn của ông Modi được thực hiện chỉ ngay sau khi Ấn Độ và Mỹ ký một hiệp ước cho phép quân đội hai nước tiếp tục sử dụng các căn cứ của nhau để phục vụ cho các công tác hậu cần.

Theo Nikkei Asian, Ấn Độ đang lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương. Bởi vậy các cuộc tập trận chung mà Ấn Độ tiến hành với Mỹ và Nhật Bản thời gian qua được coi như một lời đáp trả cho mục đích của Bắc Kinh.

Ngoài ra New Delhi đang muốn mở rộng hợp tác với nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á cũng như tìm kiếm những lợi ích ở Biển Đông, điều này được thể hiện một phần qua việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Trong chuyến thăm đến Hà Nội, Thủ tướng Modi cũng công bố khoản tín dụng mới trị giá 500 triệu USD để tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Ngoài ra, hai bên cũng ký thỏa thuận về việc Ấn Độ đóng 4 tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Ấn Độ và Việt Nam cũng đồng ý các thỏa thuận liên quan đến công nghệ thông tin, hợp tác không gian, y tế, và nhiều lĩnh vực khác.

"Quyết định nâng cấp từ quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện là để hướng tới sự hợp tác tương lai của hai nước", Thủ tướng Modi nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thương mại Ấn Độ-Việt Nam, đã có sự phát triển đều đặn với tốc độ khoảng 26% trong vài năm qua và hiện đang ở mức 7,8 tỷ USD. Ông Modi nói rằng hai nước muốn con số này sẽ đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2020.

Đáng chú ý hơn, ONGC Videsh, tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ đã và đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác khai thác trong vùng biển thuộc lãnh thổ Việt Nam và trên Biển Đông. Indian Oil Corp cũng đang đàm phán với Việt Nam trong nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bên cạnh nhiều công ty khác.

Tuy nhiên việc theo đuổi các lợi ích chiến lược và thương mại ở Biển Đông của Ấn Độ đã bị cản trở bởi Trung Quốc. Nước này đã phản đối các hoạt động thăm dò dầu khí của New Delhi, bất chấp việc này được thực hiện trên lãnh thổ của Việt Nam và vùng biển quốc tế.

Pankaj K. Jha, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng các vấn đề Thế giới của Ấn Độ nói rằng, hoạt động thăm dò của New Delhi nằm trong thỏa thuận hợp tác trên vùng biển chủ quyền Việt Nam và "không một quốc gia nào có thể phản đối hành động được thực hiện hợp pháp và phù hợp theo các quy tắc quốc tế".

Chuyên gia này cho biết: "Ấn Độ đang muốn duy trì sự hiện diện của mình nhiều hơn ở khu vực, bởi nơi đây đang ngày càng trở nên quan trọng và có tính chiến lược với New Delhi".

Bên cạnh đó, ông lưu ý, Ấn Độ là "một quốc gia có trách nhiệm hơn" so với Trung Quốc về các vấn đề an ninh hàng hải.

"Bạn không thể bắt nạt các quốc gia nhỏ hơn", ông Pankaj K. Jha nói về các động thái gây căng thẳng của Bắc Kinh ở Biển Đông trong thời gian qua.

Mặc dù Ấn Độ không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng nước này đã đề cao lập trường ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật quốc tế, Nikkei Asian nhận định.

Sau khi đến Hà Nội, ông Modi đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng: "Đây là một chuyến thăm đặc biệt và hai bên sẽ cùng đi một chặng đường dài để làm sâu sắc hơn sự liên kết mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Việt Nam".

Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh, một quan hệ đối tác Ấn Độ-Việt Nam mạnh mẽ sẽ dẫn đến sự thịnh vượng, phát triển, hòa bình, ổn định cho người dân hai nước và mang đến lợi ích cho cả khu vực.

Theo Minh Vũ (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật