Không chỉ dân thường mà chính các cảnh sát Mỹ cũng trở thành mục tiêu trong nhiều cuộc tấn công đẫm máu suốt những năm qua.
Những vụ tấn công đẫm máu nhất
ABC News đã đưa ra bảng thống kê các vụ tấn công đẫm máu nhất dựa vào số liệu của Bảo tàng Lực lượng thực thi pháp luật quốc gia Mỹ.
Đám tang một cảnh sát Mỹ thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ. Ảnh: LA Times |
Chuỗi sự kiện trong ngày 11/9/2001 gây tổn thất nặng nề về con người và tâm lý người dân Mỹ với gần 3.000 người thiệt mạng, trong đó có 72 thành viên lực lượng thực thi pháp luật. Đây không chỉ là vụ khủng bố đẫm máu nhất với nước Mỹ mà còn là ngày tổn thất nặng nề nhất với lực lượng cảnh sát.
Theo thông kê, 71 sĩ quan cảnh sát New York và New Jersey đã thiệt mạng trong vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, sau khi những tên không tặc điều khiển hai máy bay chở khách lao vào tòa tháp đôi. Một sĩ quan thuộc lực lượng bảo tồn thiên nhiên và nghề cá Mỹ nằm trong số các nạn nhân chuyến bay số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines, rơi ở ngoại ô Shanksville, Pennsylvania khi hành khách chống trả những tên không tặc.
Ngày 24/11/1917, một quả bom nổ tại đồn cảnh sát ở Milwaukee, thành phố lớn nhất bang Wisconsin, làm 9 sĩ quan thiệt mạng. Tuy nhiên, những kẻ đứng sau vụ tấn công chưa bao giờ bị bắt hay trả giá cho vụ tấn công đẫm máu.
Ngày 19/4/1995, 8 sĩ quan lực lượng thực thi pháp luật Mỹ, bao gồm 4 mật vụ, nằm trong số 168 người thiệt mạng khi Timothy McVeigh và Terry Nichols đánh bom Tòa nhà liên bang Alfred P. Murrah ở bang Oklahoma. McVeigh, một trong hai kẻ tấn công, bị xử tử năm 2001. Y là tù nhân liên bang đầu tiên bị thi hành án tử hình trong 38 năm.
8 cảnh sát khác thiệt mạng trong vụ tấn công ngày 30/10/1950, khi các thành viên một đảng dân tộc cực đoan tìm cách lật đổ chính quyền Puerto Rico, vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ. Cả 8 nạn nhân đều bị giết ở khu vực San Juan, bao gồm cảnh sát trưởng khu vực. Cuộc nổi dậy sau đó bị quân đội Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), dập tắt.
Ngày 3/10/1929, 13 người, bao gồm 8 nhân viên an ninh, thiệt mạng trong cuộc bạo loạn nhà tù ở bang Colorado. Vụ việc khiến phần lớn cơ sở vật chất của nhà tù bị phá hủy. Cơ sở giam giữ này sau đó được sửa chữa và vẫn hoạt động cho tới ngày nay.
Ngày 2/1/1932, 6 sĩ quan cảnh sát ở bang Missouri thiệt mạng khi bao vây nơi hai nghi can giết người đang ẩn náu. Sau vụ truy bắt thất bại, các nghi can bỏ trốn tới Texas và tự sát khi bị lực lượng cảnh sát địa phương vây bắt lần tiếp theo.
Tang lễ các cảnh sát Mỹ được tiến hành theo nghi lễ trang trọng. Ảnh: USA Today |
Ngày 7/7/2016, một nghi phạm nã đạn vào lực lượng thực thi pháp luật đang đảm bảo an ninh quanh cuộc tuần hành phản đối phân biệt chủng tộc ở Mỹ, làm 5 cảnh sát thiệt mạng và 7 người khác bị thương. Nguyên nhân thổi bùng các cuộc biểu tình là hai vụ sát hại người da màu của cảnh sát Mỹ trong vài ngày vừa qua.
Trong hai sự kiện cuối năm 1972, đầu năm 1973, Mark James Essex, một kẻ cực đoan từng được đào tạo trong Hải quân Mỹ, đã sát hại 9 người ở bang New Orleans, trong đó có 5 sĩ quan cảnh sát trong hai vụ tấn công bằng súng bắn tỉa ngày 31/12/1972 và 1/7/1973. Trong vụ tấn công thứ 2, Essex bị bắn chết trong cuộc vây ráp. Khám nghiệm tử thi cho thấy 200 viên đạn được bắn vào cơ thể y.
Ngày 6/4/1970, 4 cảnh sát thiệt mạng trong vụ đấu súng kéo dài 4 phút ở Los Angeles, California với hai nghi phạm Bobby Davis và Jack Twinning. Dù chạy thoát khỏi hiện trường nhưng Twinning tự tử trong vụ vây ráp sau đó. Davis bị bắt ngay sau đó nhưng tự tử trong tù 3 thập niên sau.
Nghề nguy hiểm ở Mỹ
Theo BBC, 58 sĩ quan lực lượng thực thi pháp luật Mỹ đã thiệt mạng trong lúc làm nhiệm vụ nửa đầu năm 2016. 26 người trong số đó bị sát hại bằng súng. Số người thiệt mạng trong năm 2016 cao hơn nhiều so cùng kỳ các năm trước đó. Trong năm 2015, Mỹ ghi nhận 130 trường hợp nhân viên thực thi pháp luật thiệt mạng, bao gồm 39 người chết bởi súng.
Đám tang một cảnh sát Mỹ. Ảnh: USA Today |
Trong năm 2014, số cảnh sát Mỹ thiệt mạng ở ngưỡng gần 150 người và gần 1/3 số đó chết vì súng. Số liệu một năm trước đó là 120 chết (30 người thiệt mạng vì súng). Năm 2012, số cảnh sát thiệt mạng vì súng là 50 trong tổng số 140 người chết trong lúc làm nhiệm vụ.
Phát biểu về ngày đẫm máu nhất của cảnh sát Mỹ kể từ vụ 11/9/2001, Tổng thống Barack Obama gọi vụ tấn công là “xấu xa, đầy toan tính và hèn hạ”. Tổng thống Mỹ cũng không quên nhắc cuộc tấn công ở Dallas là dịp để tất cả thấy được những hy sinh mà lực lượng cảnh sát dành cho người dân.
“Tất cả nước Mỹ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người đang khoác trên mình bộ cảnh phục màu xanh để bảo vệ cộng đồng mỗi ngày”, ông Obama nhấn mạnh bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO cùng các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Warsaw, Ba Lan.
Khoảnh khắc nghi phạm xả súng vào lưng cảnh sát ở Dallas: Một kênh truyền hình địa phương phát video cho thấy nghi phạm xả súng liên tiếp vào một người trong vụ tấn công cảnh sát tại thành phố Dallas, Mỹ đêm 7/7 theo giờ địa phương. |
Theo Hồng Duy (Zing.vn)