Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ bảy, bên cạnh những vũ khí hiện đại từ nhiều quốc gia lần đầu đem sử dụng trên thực chiến; thì những loại vũ khí được coi là hàng "cổ lỗ sỹ" vẫn được tất cả các bên tham chiến sử dụng.
Tại Syria, nơi chiến trường đan xen trên tất cả các địa hình như đô thị, đồng bằng, sa mạc…và là một kiểu chiến tranh điển hình phi đối xứng, giữa một lực lượng được trang bị chính quy và một lực lượng du kích; giữa các nhóm xung đột với nhau; giữa quân đội Chính phủ trung thành với TT Bashar al-Assad với lực lượng của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và phiến quân.
Trong cuộc chiến tại Syria, có đủ các loại súng cối, súng máy, súng trường, tên lửa chống tăng các thế hệ. Những vũ khí này có thể có nguồn gốc tự sản xuất trong nước; từ nước ngoài tuồn vào, những kẻ khủng bố lấy trong kho niêm cất của quân đội và thậm chí là ở viện bảo tàng.
Súng trường Mosin
Vũ khí cổ nhất cuộc chiến có lẽ là khẩu súng trường Mosin, những chiến binh của phe đối lập do thiếu vũ khí nên đã sử dụng những khẩu súng có tuổi đời hơn trăm năm này. Súng trường Mosin ra đời năm 1892 và sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1904; được sử dụng rộng rãi trong cuộc nội chiến ở Nga và cả trong hai cuộc chiến tranh thế giới.
Trong 125 năm kể từ khi khẩu súng trường Mosin huyền thoại ra đời, đã có khoảng 37 triệu khẩu súng loại này và những sửa đổi khác nhau của nó đã được sản xuất. Nó đã được sử dụng trong hàng trăm cuộc chiến, và vẫn còn làm cơ sở phát triển cho hàng loạt các mẫu súng khác.
Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của các loại súng máy, những khẩu súng này bị quên lãng, được đưa vào các viện bảo tàng hoặc các kho niêm cất.
Và ít ai có thể ngờ, khẩu súng trường 125 tuổi này vẫn có thể xuất hiện trong cuộc chiến trong thời đại 4.0 này.
Súng máy Sturmgewehr 44
Trong cuộc chiến tại Syria, tỏa sáng không kém phần thú vị mẫu súng máy Sturmgewehr 44, mẫu súng nổi tiếng của quân đội phát xít Đức. Sau thế chiến 2, mẫu súng Sturmgewehr 44 vẫn được Cộng hòa dân chủ Đức và Tiệp Khắc (cũ) trang bị cho các lực lượng vũ trang của mình vào giai đoạn 1950 - 1960 trên cơ sở vũ khí chiến lợi phẩm từ kho của quân đội Đức quốc xã.
Sau khi các mẫu AK47 và CKC được trang bị đồng loạt trong khối các nước XHCN, thì mẫu súng Sturmgewehr 44 được thu gom để viện trợ hoặc bán ra nước ngoài.
Sturmgewehr 44 được trang bị trong quân đội Sirya, sau đó nhanh chóng bị loại khỏi biên chế; nhưng quân đội Sirya không bị bán hoặc tiêu hủy, mà cẩn thận được lưu trữ trong kho.
Khi chiến sự ở Syria bùng nổ, tháng 8/2012 người ta nhìn thấy những khẩu Sturmgewehr 44 có trong trang bị của "Quân đội Sirya tự do". Ước tính có khoảng 5.000 khẩu Sturmgewehr 44 cùng đạn dược đang được trang bị cho quân đối lập và được sử dụng rộng rãi trong các cuộc đụng độ trên đường phố.
Đạn của khẩu súng này hiện tại vẫn được nhà máy Prvi Partizan ở Serbia sản xuất, nhưng chỉ với số lượng rất hạn chế. Ngoài ra đạn và phụ tùng súng còn được sản xuất ngay tại các nhà máy ở Sirya trong điều kiện chiến tranh.
Lực lượng nổi dậy nhận ra đây không phải là những khẩu AK, mà là hàng hiếm của từ thời Đức quốc xã. Nhưng có thể lực lượng nổi dậy không thể biết hết giá trị của khẩu Sturmgewehr 44; những nhà sưu tầm vũ khí trên thế giới đang tìm những khẩu Sturmgewehr 44 nguyên gốc, nếu còn sử dụng tốt có thể có giá bán 30.000 đến 40.000 USD.
Súng máy DP
Nổi tiếng "cổ" không kém trong cuộc chiến tại Sirya là súng máy Degtyarov DP hay gọi tắt là DP. Tại Liên Xô, súng máy Degtyarov DP được đưa vào biên chế từ năm 1928 và đã được Hồng quân sử dụng cho đến khi kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Sau thế chiến 2, những khẩu súng máy DP được thay thế bằng khẩu RPD và sau này là khẩu RPK hiện đại và đa năng hơn, và những khẩu DP được viện trợ cho các quốc gia thân Liên Xô.
Đây là mẫu súng máy tiếp tục được dùng phổ biến trong những cuộc xung đột ở thập kỷ 1950, 1960. Thời gian sau đó, ít khi thấy mẫu súng này xuất hiện; có thể nó đã được niêm cất hoặc đưa vào viện bảo tàng. Tuy nhiên, trong cuộc nội chiến tại Syria, người ta thấy nó tiếp tục xuất hiện để làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực của lực lượng đối lập Syria.
Súng máy hạng nặng 12,7 mm DShK
Một mẫu súng máy hạng nặng cũng xuất hiện nhiều trong cuộc nội chiến Sirya đó là khẩu súng máy hạng nặng 12,7 mm DShK. Cũng giống mẫu súng máy DP, những khẩu DShK đã trải qua cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
DShK có có hỏa lực mạnh, bên cạnh việc chi viện cho bộ binh, nó được sử dụng như một phương tiện chống xe thiết giáp hoặc súng máy phòng không. DShK được sử dụng rộng rãi để gắn trên xe tăng, xe bọc thép và các tàu chiến loại nhỏ.
Trọng lượng của một khẩu súng máy không có bánh xe là 33 kg; nhưng ở Syria, những mẫu súng máy DShK này được biến thể thành nhiều loại, hết sức đa dạng. Từ gắn trên xe bán tải đến trên giá 3 chân, hoặc gắn trên bánh xe như những khẩu DShK nguyên thủy.
Súng trường chống tăng PTRS-41
Mẫu súng cổ không kém tham gia vào cuộc chiến ở Sirya đó là súng trường chống tăng PTRS-41. Những khẩu PTRS-41 được Liên Xô sản xuất và sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù nó nhanh chóng trở nên lạc hậu vì sức xuyên quá yếu để có thể xuyên thủng được những xe tăng của quân đội Đức quốc xã.
Tuy nhiên, những những khẩu PTRS-41 đã giúp những người lính Hồng quân vượt qua nỗi sợ hãi trước mắt của xe tăng Đức.
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, những khẩu PTRS-41 nhanh chóng bị loại khỏi biên chế quân đội Liên Xô; nhưng họ không tiêu hủy hay tái chế nó, mà viện trợ cho quân đội Trung Quốc và Triều Tiên.
Trong cuộc nội chiến tại Syria, người ta một lần nữa lại thấy xuất hiện những khẩu súng PTRS-41 trong biên chế của lực lượng nổi dậy. Những khẩu PTRS-41 bắt đầu được lực lượng đối lập tại Sirya sử dụng như súng trường bắn tỉa cỡ lớn, có khả năng vô hiệu hóa những mục tiêu cơ giới như xe tải đối phương hoặc thiết bị quang học của xe tăng, từ một khoảng cách rất xa.
Pháo phòng không ZU-23-2; súng máy 14,5 mm ZPU-2.
Trong các cuộc chiến ở khu vực Trung Đông thời gian qua, những chiếc xe bán tải (off-road) được vũ trang bằng các loại vũ khí hạng nặng được các bên tham chiến sử dụng rộng rãi. Những mẫu vũ khí được ưa chuộng gắn trên xe bán tải là pháo phòng không ZU-23-2; hoặc một mẫu vũ khí nhẹ hơn, đó là khẩu súng máy nòng kép 14,5 mm ZPU-2.
Tại Liên Xô, các mẫu vũ khí này được đưa vào biên chế trong quân đội từ năm 1949, cũng như nhiều loại vũ khí khác, ZU-23-2 và 14,5 mm ZPU-2 được chuyển giao sản xuất cho các đồng minh của Liên Xô là Bungari, Ba Lan và Trung Quốc. Những vũ khí này cũng được xuất khẩu rộng rãi cho các nước trên thế giới.
Ở chiến trường Trung Đông, thay vì làm nhiệm vụ phòng không, nó được sử dụng chủ yếu để chi viện hỏa lực cho bộ binh với chiến thuật trong các cuộc đột kích bất ngờ và trong các cuộc chiến trong đô thị.
Những mẫu vũ khí này tỏ ra cực kỳ hiệu quả trong thực chiến; nó càng nổi tiếng hơn khi được gắn vào những mẫu xe bán tải Toyota Land Cruiser xuất hiện vào thập niên 1970.
Các loại pháo xe kéo
Về vũ khí hạng nặng, một mẫu pháo cổ nhất được thấy trong cuộc nội chiến tại Syria đó là khẩu pháo 105mm LeFH 18M. Được thiết kế bởi hãng Reinmetall trong khoảng thời gian những năm 1929-1930, biên chế vào quân đội Đức năm 1935.
Loại pháo này có thể di chuyển bằng ngựa kéo; sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, loại pháo này được một số quân đội các quốc gia Châu Âu dùng thêm một vài năm nữa trước khi bị loại biên hoàn toàn.
Những khẩu pháo 105mm LeFH 18M đã được chuyển giao cho quân đội Sirya sau chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Sirya cũng nhanh chóng đưa khỏi biên chế và một trong những số đó được bảo quản trong Bảo tàng quân sự ở Damascus.
Bảy mươi năm sau Thế chiến thứ hai, ít ai ngờ, những khẩu pháo từng được trang bị trong quân đội của Đức quốc xã lại nằm trong tay của các chiến binh Hồi giáo IS, và những khẩu 105mm LeFH 18M vẫn hoạt động tốt trong cuộc chiến đẫm máu này.
Một mẫu pháo cổ không kém là các loại pháo lựu 122 M30-K38; đây là mẫu pháo lựu trang bị chủ yếu cho quân đội Liên Xô từ năm 1930; cải tiến lần cuối năm 1938 và sử dụng chủ yếu trong cuộc chiến tranh Vệ quốc. Những khẩu pháo này được Liên Xô trước đây viện trợ cho quân đội Sirya và nó vẫn phát huy tốt vai trò hỏa lực trong quân đội Sirya.
Bên cạnh khẩu pháo lựu 122mm M30-K38, một khẩu pháo cũng có tuổi đời gần một thế kỷ đó là khẩu 152 mm ML-20; đây là mẫu pháo hạng nặng được quân đội Liên Xô sử dụng trong chiến tranh Phần Lan, thế chiến 2; và đã bị loại khỏi biên chế quân đội Liên Xô vào những năm của thập kỷ 1950.
Nhưng hiện tại nó vẫn góp phần đắc lực vào cuộc chiến chống khủng bố của quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad.
Một mẫu pháo cũng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, cũng đang là loại hỏa lực quan trọng của quân đội Syria trong cuộc chiến chống khủng bố đó khẩu 122mm D-30. Được thiết kế và đưa vào trang bị trong quân đội Liên Xô từ năm 1963; Lựu pháo D-30 là một trong những hệ thống pháo binh phổ biến nhất trong quân đội các nước thuộc khối Warsaw trước đây.
Ngoài ra, pháo được xuất khẩu một cách rộng rãi và sản xuất theo dây chuyền ở một số nước khác. Hiện nay, sự sản xuất dòng pháo này ở các nước SNG đã chấm dứt.
Quân đội Syria đã nhận được nhiều viện trợ quân sự từ Nga, trong đó có nhiều pháo và đạn D-30; đây là loại hỏa lực chủ yếu của quân đội Syria trong cuộc chiến chống phiến quân hiện nay.
Theo Trung tá Trịnh Ngọc Tiến (Soha/Thời Đại)