Kể từ Chiến tranh thế giới thứ Hai, các loại vũ khí diệt máy bay đóng vai trò rất quan trọng. Chúng không chỉ có nhiệm vụ phòng thủ trước máy bay ném bom, mà còn có chức năng chiến đấu chống các máy bay tấn công tầm thấp.
Dưới đây là danh sách những hệ thống vũ khí chống máy bay khủng khiếp nhất trong biên chế của lực lượng vũ trang Nga khiến đối thủ của Moscow, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải run sợ.
Pháo cao xạ ZSU-23-4 “Shilka” (Lá chắn nhỏ)
Mặc dù đã có tuổi đời đáng kể (được thiết kế năm 1964) nhưng hệ thống pháo cao xạ tự hành bọc thép hạng nhẹ này của Nga vẫn được đánh giá là chế tạo nổi tiếng nhất của Nga vào thế kỷ 20.
|
Pháo cao xạ ZSU-23- 4 “Shilka”. |
Trong suốt 50 năm qua, hệ thống pháo “Lá chắn nhỏ” đã chứng minh được giá trị của nó thông qua quá trình tham chiến tại châu Phi, Afghanistan và Trung Đông. Một viên đạn từ khẩu pháo cỡ nòng 23mm sẽ xuyên thủng bất cứ mục tiêu bay thấp nào như một nhát dao găm. Với tốc độ bắn tối đa 3.400 viên đạn/phút, hệ thống pháo “Lá chắn nhỏ” tạo ra một “dòng hỏa lực” xuyên qua mọi thứ trên đường đạn bay.
ZSU-23-4 “Shilka” không chỉ được sử dụng để chống các mục tiêu kẻ thù bay ở tầm thấp (máy bay tấn công và trực thăng), mà còn có khả năng diệt những phương tiện bọc thép hạng nhẹ, ví dụ như trong cuộc chiến tại Afghanistan.
Tuy nhiên, công nghệ từ hơn 50 năm trước đã dần bộc lộ những hạn chế khi nòng pháo 23mm của Shilka hiện tại đã không phù hợp cho những cuộc chiến, nơi mà kẻ thù sử dụng các thiết bị bọc thép tân tiến hơn nhiều lần so với trước đây. Vì vậy, tới những năm 1980 quân đội Nga đã nhận một loại vũ khí diệt máy bay mới kết hợp tên lửa và đại bác cỡ nòng 30mm.
Video: Chiêm ngưỡng "Lá chắn nhỏ" diệt mục tiêu" |
Hệ thống đại bác, tên lửa ZPRK 2S6M1 "Tunguska-M1"
ZPRK 2S6M1 là vũ khí đầu tiên thuộc hệ thống đại bác và tên lửa chống máy bay Tunguska. Hệ thống này kết hợp tên lửa điều hướng với hai đại bác cỡ nòng 30mm 2A38M có khả năng tạo ra mũi nhọn tấn công không thể chống đỡ với 5.000 viên đạn/phút.
|
“Siêu phẩm phòng không Tunguska-M1 của Nga. |
Không giống như “thế hệ đàn anh”, loại vũ khí này có thể khai hỏa khi đang di chuyển và cũng có thể bắn máy bay cùng trực thăng bay ở độ cao lên tới 10km bằng tên lửa.
Sau nhiều năm, Tunguska đã trải qua nhiều lần cải tiến và hiện đại hóa để bắt kịp với những thách thức mới và tới nay đã ngang tầm với nhiều vũ khí phòng không hiện đại như Pantsir-S1.
Video: Hệ thống Tunguska phóng hỏa lực. |
Hệ thống “bọc thép” diệt máy bay Pantsir
Hệ thống phòng thủ tên lửa Quốc gia của Nga đang hoạt động như sau: Lớp lá chắn đầu tiên do hệ thống phòng không S-400 đảm nhiệm.
Hiện nay, hệ thống Pantsir (tiếng Nga nghĩa là “bọc thép”) được đánh giá là tuyến phòng thủ cuối cùng cho các cơ sở dân sự, căn cứ dân sự và quân đội được triển khai tại thực địa.
Hệ thống này có khả năng “nhìn thấy” và bắn hạ tất cả các mục tiêu bay trong khoảng cách 400km. Nếu vì một lý do nào đó, máy bay của kẻ thù mang theo tên lửa mà vượt qua được S-400 thì tiếp theo đó sẽ là nhiệm vụ của tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir-S1, được trang bị cặp pháo tự động cỡ nòng 30mm và tên lửa điều hướng 57E6-E.
Các vũ khí được trang bị trên hệ thống được thiết kế để diệt tên lửa bay tới, thậm chí với tốc độ siêu âm, ở khoảng cách lên tới 20km, độ cao từ 15m đến 15km.
|
Hệ thống 96K6 Pantsir-S1. |
Hệ thống này khác với phiên bản cũ từ thời Xô Viết là nó hầu như hoạt động hoàn toàn tự động. Các máy tính hoạt động độc lập sẽ phát hiện mục tiêu, sau đó khai hỏa và phá hủy những mối đe dọa đã vượt qua lớp kiểm soát của S-400 và Tor-M2.
Hồi tháng Sáu, các hãng sản xuất vũ khí Nga đã hé lộ về phiên bản hải quân của Pantsir, hiện đang trải qua các bài kiểm tra cấp quốc gia.
Trên đây là những hệ thống vũ khí diệt máy bay đầy uy lực của Nga mà các quốc gia phương Tây thuộc NATO luôn phải lo lắng và đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua hệ thống phòng thủ S-400 của Moscow. Đây được cho là một đòn giáng mạnh mẽ vào niềm tin của khối liên minh quân sự lớn nhất thế giới, khi một thành viên của NATO lại đi mua vũ khí của đối thủ.
Các nhà phân tích nhận định việc bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ là chiến lược của Nga nhằm “thâm nhập” vào liên minh này và gây suy yếu cho khối NATO. Trước đó, Ankara từng nhiều lần chỉ trích Washington và các đồng minh “ích kỷ” khi hạn chế bán vũ khí và chuyển giao công nghệ sản xuất. Do vậy, một khi hợp đồng mua bán S-400 được thanh lý toàn bộ, không có cớ gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ không mua thêm các loại vũ khí khác từ Nga.
Đó cũng là lúc Moscow từng bước thực hiện được mục tiêu của mình, trở thành đối thủ đáng gờm và mối đe dọa lớn nhất đối với phương Tây.
Theo Danh Tuyên (Nguoiduatin.vn)