Thái Thượng Hoàng là chỉ các hoàng đế đã thoái vị hoặc phụ thân của hoàng đế đương triều. Trong lịch sử Trung Quốc có tổng cộng 26 vị Thái Thượng Hoàng, ngoại trừ cha của 3 hoàng đế “giặc cỏ” là Lữ Quang thời Hậu Lương, phản tướng An Lộc Sơn triều Đường và phản tướng Trác Nham Minh của nước Mân thời Ngũ Đại Thập Quốc ra thì tổng cộng có 23 vị Thái Thượng Hoàng.
Tình cảnh những năm cuối đời của những vị Thái Thượng Hoàng này đều không giống nhau. Có người u uất, âu sầu như Đường Huyền Tông Lý Long Cơ của triều Đường, có người thì lại giống như Thanh Cao Tông - Càn Long của triều Thanh, ở tuổi 88 vẫn lấy 2 cô gái 14 - 15 tuổi làm phi, sống những năm tháng an nhiên, tự tại lúc cuối đời. Bên dưới sẽ giới thiệu lần lượt cuộc sống những năm cuối đời của 23 vị Thái Thượng Hoàng đã trải qua như thế nào.
Vị Thái Thượng Hoàng của triều Tần
Vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng Doanh Chính, vậy thì đương nhiên vị Thái Thượng Hoàng đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc cũng là phụ thân của Tần Thủy Hoàng - Tần Trang Tương Vương - Doanh Dị Nhân. Thực ra Tần Trang Tương Vương lúc sinh thời cũng được coi là quốc quân của nước Tần, chỉ là khi ấy không có xưng hô hoàng đế, vì thế con trai ông là Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất 6 nước đã lập ra danh hiệu hoàng đế và truy phong cha mình làm Thái Thượng Hoàng.
Trước Tần Trang Tương Vương, Triệu Vũ Linh Vương của nước Triệu trong thời Chiến Quốc cũng đã chủ động nhường ngôi cho con trai là Triệu Huệ Văn Vương. Sau khi Triệu Vũ Linh Vương nhường ngôi tự xưng là “Chủ Phụ”, địa vị của ông không khác so với Thái Thượng Hoàng, chẳng qua chỉ là thời đó chưa có danh xưng hoàng đế mà thôi. Vì thế, Tần Trang Tương Vương mới là Thái Thượng Hoàng đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ là Thái Thượng Hoàng được truy phong mà thôi.
Thái Thượng Hoàng của triều Hán
Lưỡng Hán (Tây hán và Đông Hán) cũng có một vị Thái Thượng Hoàng, đó chính là phụ thân của Hán Cao Tổ Lưu Bang - Lưu Thái Công Lưu Thoan. Thực ra Lưu Thoan mới được coi là vị Thái Thượng Hoàng tại thế (được phong hiệu khi còn sống) đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Lưu Bang là con trai thứ ba của Lưu Thoan, thời trẻ Lưu Bang là một tên du côn, không biết làm gì tử tế, suốt ngày chỉ ăn chơi lêu lổng. Vì thế Lưu Thoan thực sự không hề coi trọng người con trai này, còn con trai thứ của Lưu Thoan lại vô cùng cần cù chăm chỉ, vì thế Lưu Thoan thường xuyên trách mắng Lưu Bang, bắt ông phải học hỏi tính cách cần cù anh trai mình.
Sau khi Lưu Bang khởi binh phản Tần, Lưu Thoan luôn trốn ở huyện Bái quê nhà, cho tới khi Lưu Bang lật đổ được nhà Tần trở thành Hán Vương, Lưu Thoan mới được đón tới đoàn viên cùng Lưu Bang. Tuy nhiên, đoàn viên không lâu thì Lưu Bang bị Sở Bá Vương Hạng Vũ đánh cho tan tác ở Bành Thành, Hạng Vũ đuổi theo truy sát Lưu Bang, khiến Lưu Bang sợ hãi phải bỏ lại cha già Lưu Thoan, vợ là Lữ Trĩ và con trai Lưu Doanh mà bỏ trốn một mình. Ba người bị Hạng Vũ bắt được, may thay Hạng Vũ cũng là người có nhân tính, Lưu Thoan cuối cùng mới được phóng thích trở về bình an.
Thế rồi sau này Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ trở thành hoàng đế, quay lại châm biếm cha mình, hỏi ông năm xưa cho rằng mình vô dụng, không bằng anh trai Lưu Hỷ của mình, vậy bây giờ so sánh với Lưu Hỷ thì ai giỏi hơn ai? Lưu Thoan bị hỏi cũng sợ không dám nói gì ông nữa.
Sau khi lên làm hoàng đế, thực ra Lưu Bang cũng vô cùng hiếu thuận với Lưu Thoan, mỗi ngày đều tới thỉnh an Lưu Thoan. Ban đầu Lưu Thoan còn chấp nhận việc Lưu Bang thỉnh an hành lễ với mình nhưng sau này người hầu hạ ông nhắc nhở, bây giờ Lưu Bang làm hoàng đế, tuy ông là phụ thân của hoàng đế nhưng cũng không thể để hoàng đế quỳ gối hành lễ với mình được.
Vì thế sau này khi Lưu Bang tới thỉnh an, Lưu Thoan đều cầm chổi đứng trước cửa cung nghênh Lưu Bang, điều này khiến Lưu Bang vô cùng kinh ngạc. Sau này khi biết rõ nguyên nhân, học Tần Thủy Hoàng truy phong Tần Trang Tương Vương là Thái Thượng hoàng, ông cũng tôn Lưu Thoan khi ấy vẫn còn sống làm Thái Thượng Hoàng.
Vì thế, Lưu Thoan trở thành người duy nhất không làm hoàng đế mà đã được làm Thái Thượng Hoàng, cũng là Thái Thượng Hoàng tại thế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Những năm cuối đời của Lưu Thoan vô cùng hạnh phúc, Lưu Thoan thích trồng trọt, Lưu Bang kêu người sửa ngự hoa viên thành vườn rau để Lưu Thoan tùy ý trồng trọt ở đó. Lưu Thoan thích cuộc sống ở quê nhà Phong Ấp, huyện Bái năm xưa (nay là huyện Phong, Từ Châu) nên Lưu Bang đã xây dựng một tòa thành tên là Tân Phong ở quê nhà Phong Ấp cho ông.
Có thể nói, Lưu Bang vô cùng hiếu thảo với Lưu Thoan, Lưu Thoan cũng trải qua những ngày tháng vui vẻ hạnh phúc vào những năm cuối đời, trường thọ đến 85 tuổi.
Thái Thượng Hoàng của triều Tấn
Triều Tấn có một vị Thái Thượng Hoàng tên là Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung. Ông là con trai của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm, thuở nhỏ có hơi hậu đậu, ngốc nghếch, sau khi làm hoàng đế được hoàng hậu Giả Nam Phong khống chế, cũng vì Giả Nam Phong mới dẫn đến “Bát Vương chi loạn” của sau này. Trong “Bát Vương chi loạn”, con trai thứ 9 của Tư Mã Ý là ông trẻ của Tư Mã Trung - Triệu Vương Tư Mã Luân soán ngôi, sau khi Tư Mã Luân xưng đế đã tôn cháu trai Tư Mã Trung làm Thái Thượng Hoàng, từ đó Tư Mã Trung trở thành vị Thái Thượng Hoàng đầu tiên của triều Tấn.
Nhưng Tư Mã Trung không làm Thái Thượng Hoàng bao lâu, chỉ làm hơn 3 tháng thì Tư Mã Luân bị giết, lại phải lập một hoàng đế mới, nhưng Tư Mã Trung quá vô dụng, cho dù phục vị làm hoàng đế cũng chỉ làm bù nhìn, cuối cùng khiến triều Tấn “ngũ Hồ loạn hoa” (quân ngoại xâm tới tấn công) bị đuổi tới miền đông trở thành Đông Tấn.
4 vị Thái Thượng Hoàng của Nam Bắc Triều
Trong thời Nam Bắc Triều có tổng cộng 4 vị Thái Thượng Hoàng, tất cả đều ở Bắc Triều. Vị Thái Thượng Hoàng đầu tiên của Bắc Triều là Hiến Văn Đế Thác Bạt Hoằng của Bắc Ngụy.
Thác Bạt Hoằng là con trai trưởng của Văn Thành Đế Thác Bạt Tuấn của Bắc Ngụy, khi Thác Bạt Tuấn qua đời ông mới chỉ 11 tuổi đã lên ngôi kế vị. Thác Bạt Hoằng từ nhỏ đã vô cùng thông minh, khoan dung, nhân từ, có hoài bão, có chí hướng cứu dân tế thế.
Khi Thác Bạt Hoằng lên ngôi kế vị có quyền thần Ất Hỗn kiểm soát triều chính, nhưng đích mẫu (cách mà con của vợ lẽ gọi chính thất của phụ thân) của ông - Phùng Thái Hậu là nữ chính trị gia nổi tiếng trong thời kỳ Nam Bắc Triều, Phùng Thái Hậu nhanh chóng diệt trừ được Ất Hỗn, nhưng do Thác Bạt Hoằng còn nhỏ, đại quyền triều chính đều do Phùng Thái Hậu kiểm soát.
Sau khi trưởng thành, Thác Bạt Hoằng tỏ ra ngày càng thông minh, nhạy bén còn Phùng Thái Hậu không những kiểm soát triều chính, mà còn có quan hệ bất chính với một số trọng thần trong triều. Vì thế, Thác Bạt Hoằng dần căm ghét đích mẫu của mình, muốn thu hồi hoàng quyền về từ tay Phùng Thái Hậu nhưng Phùng Thái Hậu kiểm soát quyền lực rất nghiêm ngặt, Thác Bạt Hoằng không có cơ hội, vì thế ông lúc nào cũng ở trạng thái u uất, âu sầu.
Sau này, Thác Bạt Hoằng dứt khoát không muốn làm hoàng đế nữa, ông muốn nhường ngôi cho thúc thúc của mình là Thác Bạt Tử Thôi - người nổi danh hiền tài. Thế nhưng lại bị Phùng Thái Hậu và quần thần phản đối, cuối cùng Thác Bạt Hoằng chỉ có thể nhường ngôi cho con trai Thác Bạt Hoành khi ấy mới 5 tuổi, cũng chính là Hiếu Văn Đế của Bắc Ngụy sau này.
Thác Bạt Hoằng trở thành Thái Thượng Hoàng khi mới 17 tuổi, tuy đã thoái vị nhưng là lùi để tiến. Mục đích của ông là muốn đích mẫu Phùng Thái Hậu trở thành Thái Hoàng Thái Hậu, cách làm này khiến Phùng Thái Hậu không thể tiếp tục chuyên quyền được nữa, còn Hiếu Văn Đế vẫn còn nhỏ, vậy thì Thác Bạt Hoằng làm Thái Thượng Hoàng hoàn toàn có thể thay con trai xử lý triều chính. Như vậy có thể đoạt lại hoàng quyền trong tay của Phùng Thái Hậu.
Vì thế, sau khi Thác Bạt Hoằng trở thành Thái Thượng Hoàng ngược lại càng tích cực hơn, sau cùng Phùng Thái Hậu bị Thác Bạt Hoằng ép tới mức không thể không giao lại hoàng quyền. Nhưng bà cũng xuất ra đại chiêu, cử người phát động chính biến giam lỏng Thác Bạt Hoằng. Sau này, Thác Bạt Hoằng trong thời gian bị giam lỏng đã qua đời một cách kỳ lạ, khi ấy ông mới 23 tuổi. Còn Phùng Thái Hậu, sau khi ông qua đời vẫn tiếp tục kiểm soát triều chính với thân phận Thái Hoàng Thái Hậu, mãi cho tới lúc qua đời mới đem quyền lực giao lại cho Hiếu Văn Đế Thác Bạt Hoành.
Thác Bạt Hoằng làm Thái Thượng Hoàng hơn 5 năm, trong khoảng thời gian này chủ yếu là đấu đá với đích mẫu Phùng Thái Hậu, nhưng cuối cùng vẫn không thể đấu nổi với bà.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ hai của Bắc Triều là Vũ Văn Đế Cao Trạm của Bắc Tề, gia tộc hoàng thất Bắc Tề được coi là gia tộc hoang đường hỗn loạn nhất Bắc Triều. Trước thời của Cao Trạm, kế thừa hoàng vị ở Bắc Tề đa phần đều là giữa huynh đệ, chú cháu tương tàn mà đăng vị.
Trong thời gian Cao Trạm trị vì, hoang phế triều chính, nhiệm dụng gian thần, suốt ngày chỉ đắm chìm trong tửu sắc. Sở dĩ Cao Trạm chủ động nhường ngôi, thực tế là vì sợ bị trời phạt. Năm 565 có sao chổi xuất hiện, quan viên quan sát thiên tượng trình tấu sớ nói rằng đây là hiện tượng điềm báo cho việc diệt cũ lập mới, cần phải có hoàng đế mới xuất hiện, nếu không thì hoàng đế hiện tại sẽ gặp đại nạn.
Vì thế, để ứng phó với thiên tượng, Cao Trạm đã chủ động nhường ngôi cho con trai Cao Vỹ, từ đó lên làm Thái Thượng Hoàng, suốt ngày chỉ chìm đắm trong tửu sắc, cuối cùng làm Thái Thượng Hoàng chưa tới 4 năm đã qua đời khi mới chỉ 32 tuổi.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ ba của Bắc Triều cũng là ở Bắc Tề, chính là con trai của Cao Trạm - Bắc Tề Hậu Chủ Cao Vỹ. Cao Vỹ không chỉ là Thái Thượng Hoàng mà còn là Vô Thượng Hoàng duy nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
Năm 577, Bắc Châu tấn công mạnh mẽ vào Bắc Tề, lúc này Bắc Tề đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong, Cao Vỹ không muốn làm quân chủ của một vong quốc, vì thế đã truyền ngôi cho con trai là Cao Hằng, tự xưng làm Thái Thượng Hoàng, khi ấy mới chỉ 21 tuổi.
20 ngày sau khi Cao Vỹ truyền ngôi cho Cao Hằng, Cao Vỹ lại nghe nói rằng chú của ông là Nhậm Thành Vương Cao Giai có quân đội hùng mạnh ở Ký Châu, thế là ông lại bảo con trai Cao Hằng truyền ngôi cho Cao Giai, mong rằng có thể mượn lực lượng của Cao Giai để đẩy lùi Bắc Châu.
Như vậy, sau hai lần truyền ngôi liên tiếp, Cao Vỹ tự xưng Vô Thượng Hoàng, nhưng chiếu thư truyền ngôi còn chưa kịp truyền tới tay Cao Giai thì trong vòng 4 ngày Cao Vỹ đã bị Bắc Châu bắt sống, Bắc Tề bị diệt vong.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ tư của Bắc Triều chính là vị hoàng đế đời thứ tư của Bắc Châu - Tuyên Đế Vũ Văn Uân. Vũ Văn Uân 20 tuổi kế vị vô cùng hoang đường, sau khi ông kế vị suốt ngày chỉ chìm đắm trong tửu sắc, nghi ngờ triều thần, nhiều lần muốn diệt trừ cha vợ của mình, cũng chính là Tùy Văn Đế Dương Kiên sau này.
Vũ Văn Uân làm hoàng đế 1 năm đã quyết định truyền ngôi cho con trai là Vũ Văn Diễn, thực ra nguyên nhân mà Vũ Văn Uân truyền ngôi cho con trai chủ yếu là vì làm hoàng đế có quá nhiều quy tắc cần tuân theo, không tiện để ông chìm đắm trong tửu sắc, vì thế mới truyền ngôi để trở thành Thái Thượng Hoàng, như vậy thì sẽ có thể tự do làm theo ý mình thích. Kết quả là Vũ Văn Uân cả ngày chỉ đắm chìm trong tửu sắc, chưa tới 1 năm thì sức khỏe đã không kham nổi mà qua đời ở tuổi 22.
Năm thứ hai sau khi Vũ Văn Uân qua đời, cha vợ của ông là Dương Kiên đã phế bỏ hoàng đế đương triều là con trai ông Vũ Văn Diễn, tự xưng đế và lập lên nhà Tùy, Bắc Châu cũng bị diệt vong.
Thái Thượng Hoàng của triều Tùy
Triều Tùy có 1 vị Thái Thượng Hoàng chính là Tùy Dạng Đế Dương Quảng nhưng có lẽ Dương Quảng lúc còn sống đều không biết mình đã trở thành Thái Thượng Hoàng. Những năm cuối triều Tùy xảy ra đại loạn, Dương Quảng bị quân khởi nghĩa khắp nơi vây khốn ở Giang Đô (hiện này Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Còn em họ của Dương Quảng cũng chính là Đường Cao Tổ Lý Uyên sau này lợi dụng cơ hội đang là Lưu Thủ (chức quan tương đương với Thị trưởng bây giờ) của tỉnh Thái Nguyên (Trung Quốc), khởi binh từ Thái Nguyên đánh tới Trường An.
Lý Uyên sau khi tới Trường An đã lập cháu nội của Dương Quảng là Đại Vương Dương Hựu làm hoàng đế, tôn Dương Quảng ở mãi Giang Đô làm Thái Thượng Hoàng. Do khi ấy thiên hạ đại loạn, tin tức vốn dĩ không lưu thông được, vì thế Dương Quảng không hề biết mình đã được tôn làm Thái Thượng Hoàng.
Tuy nhiên, việc Dương Quảng có biết mình đã trở thành Thái Thượng Hoàng hay không không quan trọng, vì chỉ hơn 4 tháng sau Dương Quảng đã bị chính tâm phúc của mình là Vũ Văn Hóa Cập giết chết trong binh biến ở Giang Đô. Sau đó, Lý Uyên nghe tin Dương Quảng đã chết, nhanh chóng phế bỏ Dương Hựu là tự xưng đế, thành lập lên triều Đường, triều Tùy cũng bị diệt vong theo cái chết của Dương Quảng.
7 vị Thái Thượng Hoàng của triều Đường
Thịnh Đường cũng là triều đại đứng đầu về mặt số lượng Thái Thượng Hoàng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, tổng cộng có 7 vị Thái Thượng Hoàng. Tuy nhiên, trong 7 vị Thái Thượng Hoàng này có 1 người được truy phong, người này là Lý Kính, là phụ thân của Lý Nhĩ - người được hoàng thất Lý Đường tôn làm tổ tiên. Vào thời của Đường Huyền Tông, Lý Kính đã được truy phong làm Thái Thượng Hoàng. Ngoài Lý Kính được truy phong ra thì 6 người còn lại đều là những Thái Thượng Hoàng được tôn lên khi còn sống.
Sở dĩ triều Đường có nhiều Thái Thượng Hoàng như vậy, không thể không nói tới công lao thành lập triều Đường của Đường Cao Tổ Lý Uyên. Ông cũng là vị Thái Thượng Hoàng đầu tiên của triều Đường. Lý Uyên vào năm 52 tuổi, dựa vào sự giúp đỡ của các con trai đã thành lập nên triều Đường, lên làm hoàng đế, tuy nhiên sau này con trai thứ của ông là Tần Vương Lý Thế Dân đã phát động binh biến Huyền Vũ Môn, truy sát Thái tử Lý Kiến Thành, đồng thời đem binh bức cung Lý Uyên, ép người thành lập lên triều Đường như ông phải nhường lại hoàng vị cho mình.
Tuy nhiên, trong thời gian Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành tranh giành hoàng vị, Lý Uyên thiên vị Lý Kiến Thành một cách rõ rệt, cuối cùng mới gây ra việc Lý Thế Dân phát động binh biến Huyền Vũ Môn, cũng vì binh biến Huyền Vũ Môn đã khiến quan hệ cha con Lý Uyên và Lý Thế Dân trở nên xa cách không thể hàn gắn được. Vì thế, sau khi Lý Thế Dân lên làm hoàng đế, ông đối xử với phụ thân của mình khá bạc bẽo.
Cũng vì không được Lý Thế Dân hậu đãi, Lý Uyên cũng vô cùng khổ sở, u uất, đành chuyển dời tâm sức của mình vào phụ nữ. 3 người con trai nhỏ tuổi nhất của Lý Uyên đều được sinh ra trong thời kỳ ông làm Thái Thượng Hoàng. Trong thời gian này ông cũng đã ngoài 60 tuổi, có thể thấy để giải sầu ông chỉ có thể giải tỏa dựa vào phụ nữ.
Năm thứ 9 làm Thái Thượng Hoàng, Lý Uyên qua đời ở tuổi 69, quãng thời gian làm Thái Thượng Hoàng của ông không được coi là tốt đẹp, nhưng cũng đã là khá ổn, bởi dẫu sao Lý Thế Dân cũng đã đáp ứng cho ông về cuộc sống vật chất.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ hai của triều Đường chính là nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên. Do Võ Tắc Thiên cướp đoạt hoàng quyền của nhà Lý Đường, vì thế trong những năm cuối đời lâm bệnh nặng, không ít trung thần trung thành với hoàng thất Lý Đường đều khôi phục lại thống trị của hoàng thất Lý Đường. Vì thế Tể tướng Trương Giản Chi nhân lúc Võ Tắc Thiên bệnh nặng đã dẫn cấm vệ quân phát động chính biến Thần Long.
Sau chính biến Thần Long, Võ Tắc Thiên bị ép phải thoái vị, đám Trương Giản Chi lập con trai thứ 3 của Võ Tắc Thiên trước là Đường Trung Tông Lý Hiển phục vị làm hoàng đế. Lý Hiển sau khi được phục vị không hề xóa bỏ đế hiệu của Võ Tắc Thiên mà tôn mẫu thân làm Thái Thượng Hoàng, vì thế Võ Tắc Thiên cũng trở thành nữ Thái Thượng Hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Do khi thoái vị, Võ Tắc Thiên đã lâm bệnh nặng, quãng thời gian làm Thái Thượng Hoàng của bà chỉ là nằm dưỡng bệnh. Vì đã trải qua việc bị ép thoái vị, tâm trạng chắc chắn rất ấm ức, u uất, làm sao có thể dưỡng bệnh cho tốt được. Vì thế, sau khi làm Thái Thượng Hoàng khoảng 10 tháng thì Võ Tắc Thiên qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ tư của triều Đường chính là con trai thứ tư của Võ Tắc Thiên - Đường Duệ Tông Lý Đán. Do vợ của Lý Hiển là Vỹ Hậu có dã tâm quá lớn, muốn học theo mẹ chồng là Võ Tắc Thiên lên làm nữ hoàng đế, vì thế sau này Lý Hiển đã bị vợ là Vỹ Hậu và con gái Công Chúa An Lạc liên thủ hạ độc sát hại. Vỹ Hậu lập con trai còn nhỏ của Lý Hiển là Đường Thiếu Đế Lý Trọng Mậu lên kế vị.
Vỹ Hậu sát hại Đường Trung Tông, lập con trai còn nhỏ lên làm tân hoàng đế, có sức uy hiếp vô cùng lớn tới hoàng thất Lý Đường. Vì thế con trai thứ ba của Lý Đán là Lý Long Cơ đã quyết định liên thủ với cô ruột là Công Chúa Thái Bình phát động chính biến để diệt trừ Vỹ Hậu, cũng chính là chính biến Đường Long sau này.
Sau chính biến Đường Long, tập đoàn Vỹ Hậu toàn bộ đều bị truy sát, Lý Long Cơ đưa phụ thân Lý Đán lên làm vua, tức Đường Duệ Tông. Trong khoảng thời gian tại vị của mình, quyền lực của Lý Long Cơ và Công Chúa Thái Bình ngày một lớn mạnh, hai cô cháu bắt đầu đối đầu tranh quyền. Lý Đán thực ra đã không còn ý muốn làm hoàng đế, vì thế năm 51 tuổi ông đã nhường ngôi cho con trai là Lý Long Cơ nhưng quân quốc đại quyền vẫn nằm trong tay Lý Đán. Sau này Lý Long Cơ phát động chính biến Tiên Thiên, truy sát cô ruột Công Chúa Thái Bình. Lý Đán thấy thủ đoạn của con trai quá thâm độc, vì thế đã chủ động giao hoàng quyền lại cho ông, trở thành Thái Thượng Hoàng hoàn toàn nghỉ hưu. Sau này, cuộc sống làm Thái Thượng Hoàng của Lý Đán khá ổn, ông qua đời ở tuổi 55.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ tư trong lịch sử triều Đường của Trung Quốc chính là con trai của Lý Đán - Đường Huyền Tông Lý Long Cơ. Thực ra việc Lý Long Cơ trở thành Thái Thượng Hoàng hoàn toàn là do thời thế ép buộc. Những năm cuối chấp chính của Lý Long Cơ đã nổ ra loạn An Sử năm 756, phản tướng An Lộc Sơn đã dẫn quân tấn công Hạm Đô Thành Trường An, Lý Long Cơ hoang mang bỏ trốn tới thành Đô.
Thế nhưng giữa đường đi lại xảy ra binh biến ở dốc Mã Ngôi, Lý Long Cơ bị ép ban chết cho ái phi Dương Quý Phi mới dẹp yên được binh biến. Từ đó về sau, Lý Long Cơ trốn về phía tây. Do biểu hiện nhu nhược của Lý Long Cơ trong loạn An Sử, con trai ông là Thái Tử Lý Hanh đã chiêu binh mãi mã ở Linh Vũ, chuẩn bị thu phục Trường An. Để danh chính ngôn thuận, Lý Hanh đã kế vị xưng đế ở Linh Vũ, tôn Lý Long Cơ ở mãi Thành Đô làm Thái Thượng Hoàng.
Ban đầu Lý Long Cơ cũng không biết mình đã trở thành Thái Thượng Hoàng, khi ông biết tin thì Lý Hanh đã nắm trọng binh trong tay, dần dần khôi phục lại được khu vực phản loạn của loạn An Sử, vì thế Lý Long Cơ rất khó có thể thu hồi lại hoàng quyền trong tay của con trai Lý Hanh.
Từ đó Lý Long Cơ nhiều lần muốn thu hồi lại hoàng quyền trong tay con trai nhưng gần như không có cơ hội, bởi loạn An Sử đã tổn hại thanh danh của ông, vì thế Lý Long Cơ vốn dĩ không được ai ủng hộ.
Lý Hanh cũng lo lắng phụ thân sẽ đoạt quyền, thế nên đã bãi chức hai tâm phúc của Lý Long Cơ là thái giám Cao Lực Sĩ và Thống lĩnh Cấm quân Trần Huyền Lễ. Từ đó Lý Long Cơ đã trở thành “cô gia quả nhân” (kẻ đơn độc) thực sự, suốt ngày chỉ sống trong u uất, không lâu sau thì qua đời, hưởng thọ 78 tuổi, làm Thái Thượng Hoàng trong vòng 6 năm.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ năm trong lịch sử của triều Đường là Đường Thuận Tông Lý Tụng. Do phụ thân của Lý Tụng là Đường Đức Tông Lý Quát khá trường thọ, sống tới 64 tuổi, vì thế, Lý Quát làm Thái Tử 25 năm thì lên ngôi kế vị năm 805.
Khi Lý Tụng kế vị, ông đã 45 tuổi, đã có nhiều kinh nghiệm trong chính trị, vì thế sau khi Lý Tụng kế vị đã định tiến hành cải cách, ông ủng hộ biến pháp Vương Thúc Văn. Do chính sách cải cách của Vương Thúc Văn đã động chạm tới lợi ích của nhiều Hoạn quan và Tiết độ sứ nên gặp phải rất nhiều trở ngại. Cuối cùng, Lý Tụng chỉ tại vị trong 186 ngày đã bị Hoạn quan Câu Văn Trân cấu kết với các quan lại phái bảo thủ nhân lúc ông đổ bệnh đã ép ông thoái vị.
Cuối cùng, Lý Tụng vị ép phải nhường ngôi cho Thái tử cũng chính là Đường Hiến Tông Lý Thuần sau này. Do sức khỏe không tốt, hơn 3 tháng sau khi Lý Tụng thoái vị thì qua đời, hưởng thọ 45 tuổi.
Vị Thái Thượng Hoàng cuối cùng của triều Đường chính là Đường Chiêu Tông Lý Diệp. Khi Lý Diệp kế vị, triều Đường đã gần như ở trong trạng thái sắp bị diệt vong nhưng Lý Diệp vẫn muốn cố gắng phấn đấu thêm chút nữa. Vì thế, đầu tiên về đối nội ông muốn cắt giảm bớt hoạn quan, đối ngoại thì sẽ củng cố áp chế quân Phan Trấn (quân đội địa phương).
Kết quả, Lý Diệp muốn cắt giảm bớt Hoạn quan ngược lại lại gây ra sự khủng hoảng Hoạn quan, Hoạn quan Lưu Quý Thuật và Vương Trọng Tiên đã đi trước một bước phát động chính biến, giam lỏng Lý Diệp, đồng thời ép ông thoái vị nhường ngôi cho con trai trưởng Đức Vương - Lý Dụ. Vì thế, Đường Chiêu Tông Lý Diệp bị ép phải nhường ngôi và trở thành Thái Thượng Hoàng, tuy nhiên ông chỉ làm Thái Thượng Hoàng khoảng 2 tháng, Tể tướng Thôi Dận dẫn Cấm vệ quân đánh bại Hoạn quan, giải cứu ông ra ngoài phục vị hoàng đế, Lý Dụ lại bị giáng xuống làm Đức Vương.
Tuy Lý Diệp một lần nữa trở thành hoàng đế nhưng từ đó ông vẫn luôn bị Hoạn quan và Phan Trấn khống chế. Cuối cùng sau khi diệt trừ Hoạn quan trong quân phạt Chu Ôn, Lý Diệp đã trở thành bù nhìn thực sự, không lâu sau thì Lưu Diệp bị Chu Ôn sát hại, còn Chu Ôn lại lập con trai còn nhỏ của Lý Diệp là Lý Chúc làm hoàng đế bù nhìn, không lâu sau thì ép Lý Chúc thoái vị. Triều Đường từ đó bị diệt vong.
4 vị Thái Thượng Hoàng của triều Tống
Triều Tống tổng cộng có 4 vị Thái Thượng Hoàng, người thứ nhất chính là Bắc Huy Tông Triệu Cát của Bắc Tống. Trong khoảng thời gian Tống Huy Tông tại vị, Bắc Tống đã nổ ra hai cuộc khởi nghĩa nông dân lớn là khởi nghĩa Tống Giang và khởi nghĩa Phương Lạp, khiến cho quốc lực Bắc Tống ngày càng suy thoái, còn nước Kim ngày càng lớn mạnh thì đã tiêu diệt nước Liêu, bắt đầu đánh xuống phía nam xâm lược nhà Tống.
Nước Kim đánh xuống phía nam xâm lược nhà Tống làm cho Tống Huy Tông phải khiếp sợ, vì thế ông vội vã truyền ngôi cho con trai là Triệu Hoàn cũng chính là Tống Khâm Tông sau này, tự xưng là Thái Thượng Hoàng. Tuy nhiên việc này chẳng có tác dụng gì, nước Kim nhanh chóng tấn công tới kinh thành Biện Kinh (Khai Phong) của Bắc Tống, cũng chính là binh biến Tĩnh Khang.
Trong Binh biến Tĩnh Khang, Tống Huy Tông và con trai Tống Khâm Tông đều bị quân Kim bắt giữ, phi tần và con gái của Tống Huy Tông đều bị người Kim làm nhục, có thể nói Tống Huy Tông là vị Thái Thượng Hoàng nhu nhược, vô dụng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó về sau, Tống Huy Tông bị người Kim giam cầm 9 năm thì qua đời, hưởng thọ 54 tuổi.
Vị Thái Thượng hoàng thứ hai của triều Tống chính là con trai của Tống Huy Tông - người lập nên Nam Tống - Tống Cao Tông Triệu Cấu. Sau khi Bắc Tống bị nước Kim tiêu diệt, Tống Cao Tông đã may mắn trốn thoát, ông cũng được coi là huyết thống duy nhất trong hệ đích hoàng thất Bắc Tống, thế nhưng đáng tiếc là trong thời gian đào vong, Tống Cao Tông đã mất đi khả năng sinh sản, từ đó thành lập nên nhà Nam Tống xưng đế nhưng không có con cái.
Do con trai ruột duy nhất của Tống Cao Tông là Triệu Phu đã chết yểu, vì thế Triệu Cấu chỉ đành quá kế hậu thế Triệu Thận của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận làm con nuôi kế thừa hoàng vị, cũng chính là Tống Hiếu Tông sau này. Thời gian Tống Cao Tông tại vị có áp lực rất lớn, vì thế ông dần dần chán ghét chính vụ, năm 56 tuổi ông đã truyền ngôi cho con trai nuôi là Tống Hiếu Tông và lên làm Thái Thượng Hoàng. Do Tống Hiếu Tông vô cùng hiếu thuận với Tống Cao Tông, vì thế thời gian làm Thái Thượng Hoàng của Tống Cao Tông vô cùng hạnh phúc, Tống Cao Tông làm Thái Thượng Hoàng 25 năm mới qua đời ở tuổi 81. Tống Cao Tông cũng được coi là một trong những đế vương trường thọ trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ ba của triều Tống chính là con trai nuôi của Tống Cao Tông - Tống Hiếu Tông. 2 năm sau khi Tống Cao Tông qua đời, Tống Hiếu Tông do áp lực làm hoàng đế Nam Tống qua lớn, vì thế cũng giống cha nuôi của mình, vô cùng chán ghét chính sự, vì thế đã chủ động nhường ngôi cho con trai Tống Quang Tông Triệu Đôn. Tuy nhiên, tình cảm giữa Tống Hiếu Tông và con trai Tống Quang Tông không hề tốt đẹp, vì Tống Hiếu Tông không thích con trai Triệu Khoách của Tống Quang Tông, thêm vào đó là sự ly gián gây sự của Lý Hoàng Hậu, vì thế Tống Quang Tông cho rằng Tống Hiếu Tông có thể phế bỏ vị trí hoàng đế của mình bất cứ lúc nào, vì thế hai cha con ngày càng bất hòa.
Tống Hiếu Tông làm Thái Thượng Hoàng 5 năm thì qua đời ở tuổi 68. Do bất hòa với con trai Tống Quang Tông, vì thế những năm cuối đời của Tống Hiếu Tông không được hạnh phúc.
Vị Thái Thượng Hoàng thứ tư của triều Tống là con trai của Tống Hiếu Tông - Tống Quang Tông. Do trong thời gian tại vị, Tống Quang Tông bất hòa với phụ thân Tống Hiếu Tông, thêm vào đó là bị vợ là Lý Hoàng Hậu kiểm soát, vì thế sau tang lễ của Tống Hiếu Tông không lâu thì quần thần nhân lúc Tống Quang Tông lâm bệnh đã nhận được ý chỉ của Thái Hoàng Thái Hậu Ngô Thị khi ấy, phế bỏ vị trí hoàng đế của Tống Quang Tông, nói với bên ngoài rằng Tống Quang Tông chủ động nhường ngôi cho con trai Triệu Khoách, tức Tống Ninh Tông.
Sau khi Tống Quang Tông bị ép thoái vị, ông vô cùng bất mãn về việc con trai Tống Ninh Tông của mình kế vị như vậy, vì thế sau khi thoái vị đã từ chối gặp con trai. Từ đó Tống Quang Tông luôn sống trong u uất, mượn rượu giải sầu, sau khi làm Thái Thượng Hoàng 6 năm thì Tống Quang Tông cũng u uất qua đời ở tuổi 54.
Thái Thượng Hoàng của nước Liêu
Một vị Thái Thượng Hoàng duy nhất của nước Liêu chính là Mạt Đế Gia Luật Trực Lỗ Cổ của Tây Liêu. Sau khi nước Liêu bị nước Kim tiêu diệt, hoàng thất Gia Luật Đại Thạch của nước Liêu trốn tới Tây Vực thành lập nên Tây Liêu, đồng thời liên minh với Tây Hạ và Nam Tống cùng nhau chống lại nhà Kim. Gia Luật Đại Thạch cũng được tôn là Liêu Đức Tông.
Gia Luật Trực Lỗ Cổ chính là cháu trai của Gia Luật Đại Thạch, cũng chính là Mạt Đế của Tây Liêu. Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời của Gia Luật Trực Lỗ Cổ chính là cưu mang người Mông Cổ Khuất Xuất Luật. Khuất Xuất Luật chính là con trai của Thái Dương Hãn của bộ tộc Nãi Man Mông Cổ, bộ tộc Nãi Man Hãn được Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân thôn tính sáp nhập, Thái Dương Hãn bị giết, Khuất Xuất Luật bị ép phải chạy tới Tây Liêu. Ở đây, ông nhận được sự trọng dụng của Gia Luật Trực Lỗ Cổ, hơn nữa còn lọt vào mắt xanh của con gái Gia Luật Trực Lỗ Cổ - Công Chúa Hỗn Hốt. Vì thế, Gia Luật Trực Lỗ Cổ không những thu nạp Khuất Xuất Luật mà còn gả con gái cho ông. Thế rồi kết quả là dẫn sói vào nhà.
Khuất Xuất Luật có dã tâm vô cùng to lớn, sau này nhân lúc Gia Luật Trực Lỗ Cổ đi săn đã phát động binh biến, Gia Luật Trực Lỗ Cổ bị Khuất Xuất Luật giam lỏng, tiếp đó Khuất Xuất Luật tuyên bố với bên ngoài rằng cha vợ Gia Luật Trực Lỗ Cổ đã nhường ngôi cho mình, đồng thời tôn Gia Luật Trực Lỗ Cổ lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau đó, để lôi kéo, mua chuộc lòng người, mỗi ngày hắn còn tới thỉnh an Gia Luật Trực Lỗ Cổ, nhưng tuy rằng Gia Luật Trực Lỗ Cổ được Khuất Xuất Luật hành lễ nhưng ông làm Thái Thượng Hoàng thực sự không hề cam tâm tình nguyện, vì thế 2 năm sau đó thì Gia Luật Trực Lỗ Cổ uất ức mà chết.
Thái Thượng Hoàng của Tây Hạ
Vị Thái Thượng Hoàng duy nhất nhà Tây Hạ chính là Hạ Thần Tông Lý Tuân Húc. Lý Tuân Húc cũng là vị hoàng đế Trạng nguyên duy nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, ông vốn dĩ là hoàng thất tông thân của Tây Hạ, từng thi đỗ Trạng Nguyên, sau khi nắm quyền đã phế bỏ Hạ Tương Tông Lý An Toàn và tự xưng hoàng đế. Trong thời gian tại vị, Lý Tuân Úc luôn phải dựa dẫm vào người Mông Cổ, kiên quyết khai chiến với nước Kim khiến cho quốc lực Tây Hạ ngày càng giảm mạnh, kết quả Thành Cát Tư Hãn nhân cơ hội phái đại tướng Bột Lỗ xuất binh tấn công tiêu diệt Tây Hạ.
Khi người Mông Cổ lộ bộ mặt thật, Lý Tuân Húc bị cả nước Tây Hạ mắng nhiếc và phản đối, cuối cùng bất đắc dĩ phải nhường ngôi cho con trai thứ là Lý Đức Vượng, tự xưng Thái Thượng Hoàng. Lý Tuân Húc làm Thái Thượng Hoàng 2 năm, trong khoảng thời gian này người Mông Cổ đã nhanh chóng tiêu diệt Tây Hạ, cuối cùng khi Tây Hạ bị diệt vong, Lý Tuân Húc cũng u uất mà qua đời, hưởng thọ 64 tuổi.
Thái Thượng Hoàng triều Minh
Vị Thái Thượng Hoàng duy nhất của triều Minh chính là “Chiến Thần Đại Minh” Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn. Năm 1449, Chu Kỳ Trấn dưới sự xúi giục của thái giám Vương Chấn đã đích thân dẫn binh ngự giá thân chinh bộ tộc Ngõa Thích Mông Cổ, kết quả là đã xảy ra binh biến Thổ Mộc Bảo. Chu Kỳ Trấn tự chui đầu vào rọ, quân Đại Minh toàn bộ bị tiêu diệt, thái giám Vương Chấn bị giết trong hỗn quân, Chu Kỳ Chấn bị Ngõa Thích Thái Sư bắt sống.
Ban đầu cũng muốn dùng Chu Kỳ Trấn làm con tin uy hiếp triều Minh khuất phục nhượng bộ, nhưng khi ấy kinh thành có mẫu thân của Chu Kỳ Trấn là Tôn Thái Hậu chủ trì đại cục, bà tiếp nhận ý kiến của đại thần phát chủ chiến là Vu Khiêm, đưa em trai cùng cha khác mẹ của Chu Kỳ Trấn là Chu Kỳ Ngọc lên kế vị, đồng thời tổ chức quân đội để chống lại quân Ngõa Thích chuẩn bị tới tấn công kinh thành.
Cuối cùng Chu Kỳ Ngọc kế vị trở thành Cảnh Thái Đế, tôn Chu Kỳ Trấn đang bị bắt giữ làm Thái Thượng Hoàng, đồng thời dưới sự tổ chức quân đội tích cực của đám Vu Khiêm đã đẩy lùi được quân Ngõa Thích. Sau này, Ngõa Thích thấy Chu Kỳ Trấn thực sự đã chẳng còn giá trị lợi dụng gì, để lấy lòng triều Minh, đành thả ông về triều. Kết quả, sự trở về của Chu Kỳ Trấn khiến Chu Kỳ Ngọc rất khó xử, vì thế Chu Kỳ Ngọc đã giam lỏng Chu Kỳ Trấn trong suốt 8 năm với thân phận Thái Thượng Hoàng.
Mãi cho tới năm 1457, Chu Kỳ Ngọc lâm bệnh nặng, đại tướng Thạch Hanh, Ngự sử Từ Hữu Trinh, Thái giám Tào Cát Tường đã tổ chức kế hoạch phát động binh biến đoạt môn, giải cứu Chu Kỳ Trấn ra ngoài để lập công. Thế là Chu Kỳ Trấn lại một lần nữa trở thành Hoàng đế, còn Chu Kỳ Ngọc bị anh trai giam lỏng ngược lại, sau đó qua đời một cách kỳ lạ.
Ngoài Đường Chiêu Tông Lý Diệp của triều Đường ra, Chu Kỳ Trấn cũng trở thành người sau khi trở thành Thái Thượng Hoàng vẫn có thể phục vị làm hoàng đế một lần nữa. Sau đó, Chu Kỳ Trấn tiếp tục làm hoàng đế trong 8 năm, năm 1464 Chu Kỳ Trấn qua đời, hưởng thọ 37 tuổi. Trong 37 năm cuộc đời của ông, 7 năm làm Thái tử, 14 năm làm Hoàng đế, 8 năm làm thái Thượng Hoàng rồi lại làm Hoàng đế 8 năm, cuộc đời đúng là một đường gấp khúc phức tạp.
Vị Thái Thượng Hoàng của triều Thanh
Vị Thái Thượng Hoàng duy nhất của triều Thanh chính là Thanh Cao Tông - Hoàng đế Càn Long. Năm Càn Long thứ 60 (tức năm 1795), Càn Long khi ấy 85 tuổi, để không vượt qua số năm trị vì của ông nội Khang Hy là 61 năm đã quyết định thoái vị, công bố trữ quân bí mật đã sắc lập từ trước là Hoàng Thập Ngũ Tử Vĩnh Diễm. Năm sau đó, Càn Long cử hành đại điển thoái vị, nhường ngôi cho Vĩnh Diễm tức Hoàng đế Gia Khánh sau này.
Tuy rằng Càn Long đã thoái vị nhưng trên thực tế quân chính và đại quyền nhân sự vẫn nằm trong tay ông, dùng cách mà ông nói với bên ngoài thì vua Gia Khánh là Hoàng đế tập sự. Thực ra khi thoái vị, Càn Long đã 85 tuổi, năng lực ngôn ngữ của ông đã suy giảm nghiêm trọng, nói không rõ ràng, hoàn toàn nên giao hết quyền lực cho Gia Khánh, nhưng Càn Long lại rất ham muốn quyền lực, nhất quyết không chịu giao lại quyền cho Gia Khánh, thà trọng dụng tham quan Hòa Thân, thông qua Hòa Thân để kiểm soát triều chính, ông cũng không muốn giao quyền cho con trai. Vì thế, Càn Long thoái vị hay không cũng như nhau, vua Gia Khánh chẳng qua chỉ là vật trang trí mà thôi.
Năm 88 tuổi, Càn Long vẫn tiếp tục nạp thêm 2 thiếu nữ 14 - 15 tuổi làm phi, nhưng nạp phi chưa đến 1 năm sau thì qua đời, hưởng thọ 89 tuổi. Ông cũng là vị hoàng đế trường thọ nhất trong lịch sử cổ đại Trung Quốc. Có thể nói, Càn Long là vị Thái Thượng Hoàng hạnh phúc nhất, quyền lực nhất trong lịch sử Trung Quốc, chỉ đáng tiếc 2 phi tần cuối cùng mà ông nạp trong đời, tuổi còn trẻ mà vẫn phải chịu cảnh quả phụ suốt đời vì ông.
Nhìn chung thì trong số các vị Thái Thượng Hoàng trong lịch sử Trung Quốc thì Càn Long là người hạnh phúc nhất, không chỉ tay nắm đại quyền, hoàng đế đều chỉ là vật trang trí, hơn nữa quốc lực Đại Thanh vẫn còn có thể cung cấp cho ông hưởng lạc. Có thể nói, Càn Long chính là ước mơ của tất cả các vị Thái Thượng Hoàng khác.
Nhưng trong lịch sử Trung Quốc chỉ có một mình Càn Long là độc hưởng số trời, đa số những người khác đều bị ép phải thoái vị, không phải là bị người khác chèn ép, kiểm soát thì cũng bị tình thế ép buộc. Bởi nếu có thể là hoàng đế tử tế thì ai lại muốn chủ động nhường ngôi?
Theo Vũ Phong (Công Lý & Xã Hội)