Vấn đề rất rõ ràng: Những người từng đến các quán bar hay hộp đêm không muốn khai nhậ mọi thứ với các nhà điều tra dịch tễ.
"Những tụ điểm ăn chơi ban đêm này có nhiều khách hàng cao cấp, những người rất giàu có," Takeaki Imamura, giáo sư Đại học Tohoku và thành viên nhóm kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Nhật Bản nói với đài NHK.
"Nhân viên tại những quán bar và hộp đêm cảm thấy có trách nhiệm phải bảo vệ khách hàng, do đó họ không tiết lộ điều gì. Họ không nói ai đã ở đó, họ đã ở đó với ai, những chi tiết như vậy. Rất khó xác định điều gì đã xảy ra," ông Imamura cho biết thêm.
Những quán bar, câu lạc bộ, sòng bạc đã trở thành điểm yếu trong nỗ lực kiểm soát Covid-19 của Nhật Bản, tuy vậy đó cũng chỉ là phần nhỏ của vấn đề lớn. Chính phủ nước này không muốn áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và vẫn đang nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà các động thái đối phó với dịch bệnh có thể gây ra.
Những biện pháp đối phó với Covid-19 của Nhật Bản bị hạn chế bởi khả năng xét nghiệm cũng như việc chính phủ nước này ban đầu ngần ngại cấp phép cho các công ty tư nhân thực hiện xét nghiệm, khiến họ không thể xét nghiệm diện rộng như Hàn Quốc.
Do đó, lực lượng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, đứng đầu là Hitoshi Oshitani thuộc Đại học Tohoku, lựa chọn phương pháp điều tra dựa trên sự xuất hiện của các ổ dịch.
Chiến lược này được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu cho thấy hầu hết các bệnh nhân nhiễm Covid-19 không lây virus cho người khác. Thay vào đó, số ít các bệnh nhân được xác định gây ra hiện tượng "siêu lây nhiễm" ở những địa điểm chật hẹp, đông người.
Kế hoạch này ban đầu đã đem tới thành công: lực lượng kiểm soát dịch bệnh làm việc đêm ngày, rà soát các ổ dịch và đã chặn đứng làn sóng lây nhiễm đầu tiên từ Trung Quốc và từ du thuyền Diamond Princess hồi tháng 02 mà không gây ra nhiều xáo trộn xã hội.
Tuy vậy, phương pháp này bắt đầu vấp phải nhiều khó khăn, khi những làn sóng lây nhiễm mới xâm nhập Nhật Bản từ châu Âu và Mỹ trước khi chính phủ đưa ra các biện pháp giới hạn di chuyển.
Giữa tháng 03, khi các ca nhiễm vẫn còn thấp và với mong muốn trở lại cuộc sống bình thường, chính phủ Nhật Bản đề xuất cho trường học mở cửa trở lại ở các vùng ít bị ảnh hưởng bởi Covid-10. Thủ tướng Shinzo Abe cảnh báo cần "tiếp tục thận trọng," tuy vậy nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng thông điệp của ông rối rắm và chủ quan.
Ngày 21/03, Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ Xuân Phân. Mặt trời rực rỡ, hoa đào nở rộ, người dân Tokyo đổ tới các công viên để ngắm hoa, chen chúc chật cứng tại các quán bar, nhà hàng. Ở thời điểm nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng lệnh phong tỏa ngăn chặn Covid-19, đây quả thực là một khung cảnh lạ thường. Tuy vậy, Nhật Bản phải trả giá không lâu sau đó.
Các ổ dịch bắt đầu xuất hiện. Một quán bar ở Sendai ở miền Đông Bắc Nhật Bản trở thành ổ dịch lớn sau khi 300 sinh viên tụ tập ăn uống. Nhiều khách hàng tại một hộp đêm ở quận Shibuya, thủ đô Tokyo cũng nhiễm bệnh. Các nhà hàng, quán bar khác cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Ngày 28/03, Hiroshi Nishiura, đồng nghiệp của Oshitani kêu gọi chính quyền khu đô thị Tokyo hành động mạnh tay hơn để kiểm soát dịch bệnh. Hai ngày sau, thống đốc Tokyo Yuriko Koike kêu gọi mọi người ngừng tới các quán karaoke, nhà hát, quán bar và hộp đêm.
"Chúng tôi xin lỗi vì yêu cầu bất tiện này," ông Nishiura nói trong một cuộc họp báo, nêu rõ rằng 30% số ca nhiễm mới có liên quan tới các tụ điểm ăn chơi về đêm. "Nhiều người nhiễm bệnh đã không cung cấp đầy đủ thông tin".
Tuy vậy, việc điều tra dịch tễ dựa trên các ổ dịch nhanh chóng khiến các nhà điều tra bị quá tải khi virus lây lan khắp Tokyo và số ca nhiễm không rõ nguồn gốc ngày một tăng.
Rõ ràng, phương pháp phòng chống cần phải thay đổi, nhà chức trách cần đẩy mạnh khả năng xét nghiệm. "Đây rõ ràng là một vấn đề," Oshitani nói với đài NHK.
"Đội ngũ chuyên gia của chính phủ đã đề xuất đẩy mạnh khả năng xét nghiệm, và điều này đã trở thành một phần trong chính sách đối phó của chính phủ. Tuy vậy các trung tâm xét nghiệm đã không được triển khai nhanh chóng. Tôi cho rằng điều đó đã dẫn tới tình trạng hiện nay," ông nói thêm, cho rằng Nhật Bản "đang đứng trước bờ vực thảm họa," đối mặt với việc sụp đổ hệ thống y tế.
Tuy vậy, ở Tokyo, các hoạt động về đêm vẫn nhộn nhịp. Ý tưởng về "sự khác biệt Nhật Bản" đã ăn sâu trong tiềm thức. Người dân nước này cho rằng số trường hợp nhiễm bệnh thấp là bởi họ đeo khẩu trang, ít khi bắt tay và tháo giày khi vào nhà. Trong khi đó, giới chức và bộ máy quan liêu không thừa nhận chiến lược ứng phó ban đầu dường như đã thất bại.
"Xét về truyền thống và lịch sử, Nhật Bản không giỏi về thay đổi chiến lược. Khi chúng tôi bắt tay vào một chiến lược, chúng tôi không giỏi trong việc vạch ra kế hoạch dự phòng, bởi kế hoạch dự phòng là dấu hiệu của sự thừa nhận rằng kế hoạch chính đã thất bại. Nhiều người chịu trách nhiệm về kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các quan chức, không muốn nghĩ tới tất bại," Kentaro Iwata, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe nói.
Hiệp hội Y khoa Nhật Bản đã phải cảnh báo rằng hệ thống y tế công cộng đang trên bờ vực sụp đổ. Hiệp hội Y khoa Chăm sóc tích cực nói hiện vẫn rất thiếu giường bệnh điều trị tích cực và y tá.
Ngày 07/04, chính phủ Nhật Bản đã phải hành động quyết liệt hơn. Thủ tướng Abe ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng một tháng tại bảy tình tỉnh thành. Tới ngày 16/04, tình trạng khẩn cấp được ban hành trên phạm vi cả nước. Thế nhưng những biện pháp được đưa ra vẫn chưa triệt để. Các hộp đêm được yêu cầu đóng cửa, nhưng quán bar, nhà hàng được phép hoạt động tới 20 giờ hàng ngày.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng rút ra bài học. Ngày 09/04, nhà lập pháp thuộc đảng đối lập Takashi Takai tới một hộp đêm tại khu "đèn đỏ" ở quận Kabuchiko, thủ đô Tokyo. Bị một tạp chí địa phương phát hiện và đưa tin, ông ta đã từ chức.
Số lượng hành khách ở các tuyến tàu điện ngầm tại Tokyo đã giảm 60-70%, lượng người tại các địa điểm đông đúc cũng giảm tương tự, tuy vậy vẫn chưa đạt mức 80% mà nhà chức trách đưa ra. Số ca nhiễm mới đã ổn định nhưng chưa có dấu hiệu giảm mạnh, gây lo ngại chính phủ sẽ không thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào đúng thời hạn 06/05.
Tuần trước, thủ tướng Abe đã đề nghị người dân Nhật Bản "xem xét lại hành vi của bản thân".
Tố Linh (Nguoiduatin.vn)