Ở tuổi 39, ông Emmanuel Macron trở thành Tổng thống trẻ nhất nước Pháp sau khi đánh bại đối thủ Marine Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 2. Tuy nhiên, ông sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ việc hàn gắn một đất nước bị chia rẽ sâu sắc đến vấn đề thất nghiệp và tái thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu.
“Tôi sẽ chiến đấu với tất cả sức mạnh để chống lại sự chia rẽ đang làm suy yếu chúng ta. Đêm nay, nước Pháp đã thắng. Chúng ta sẽ không sợ hãi, chúng ta sẽ không để bị chia rẽ”, ông Macron phát biểu trước biển người ủng hộ đang vẫy quốc kỳ Pháp bên ngoài Bảo tàng Louvre ở Thủ đô Paris.
Tổng thống đắc cử Pháp cũng lấy lòng hàng triệu người đã bỏ phiếu cho đối thủ Marine Le Pen, và cam kết sẽ đưa họ trở lại từ “cực đoan”. “Họ bỏ phiếu vì giận dữ, đau khổ và đôi khi bị kết án. Tôi tôn trọng họ và sẽ làm tất cả những gì có thể trong 5 năm tới để đảm bảo rằng mọi người không còn có lý do để bỏ phiếu cho những điều cực đoan”, ông Macron nói trước đám đông đang vẫy cờ.
Và đối với người dân Pháp, ông Macron nhấn mạnh: “Tôi sẽ bảo vệ bạn chống lại các mối đe dọa. Tôi sẽ đưa các bạn đến với nhau vì tôi muốn chúng ta đoàn kết”.
Từ một người ít được biết đến cách đây 3 năm, ông Macron sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của châu Âu, với một chương trình nghị sự đầy tham vọng về cải cách chính trị và kinh tế cho nước Pháp và Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc bầu cử ở Pháp được xem như một “phép thử” đối với mức độ trào lưu chủ nghĩa dân tộc cánh hữu gia tăng như thế nào sau Brexit (nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu) và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Trong một bài phát biểu ngắn với những người ủng hộ, đối thủ Le Pen đã khẳng định “kết quả lịch sử, to lớn” và cho biết bà đã gọi điện cho ông Macron chúc ông thành công trong việc giải quyết những thách thức của đất nước.
Theo đó, Tổng thống đắc cử Pháp Macron sẽ phải giải quyết những thách thức ghê gớm khi ông cố gắng thực hiện chương trình nghị sự trong nước về cắt giảm chi tiêu ngân sách, nới lỏng luật lao động và thúc đẩy giáo dục…
Bên cạnh đó, ông Macron sẽ phải khai thác thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống để có được đa số tại Quốc hội cùng với phong trào mới được thành lập của ông cách nay một năm - phong trào Tiến bước (En Marche).
“Để hành động, chúng tôi sẽ cần đạt được đa số trong Quốc hội”, ông Richard Ferrand, Tổng thư ký của En Marche nói với kênh truyền hình TF1, và cho rằng “chỉ một nửa cuộc hành trình” được hoàn thành.
Nhiều nhà phân tích hoài nghi về khả năng ông Macron giành được đa số tại Quốc hội, điều đó có nghĩa ông có thể phải thành lập một liên minh các nhà lập pháp cam kết thực hiện chương trình nghị sự của ông.
Hơn nữa, chương trình nghị sự kinh tế của ông, đặc biệt là kế hoạch nới lỏng các quy định về lao động để giảm tình trạng thất nghiệp cao, có thể sẽ đối mặt với sự phản đối dữ dội từ các đối thủ cánh tả.
Ông cũng thừa hưởng một đất nước vẫn còn trong tình trạng khẩn cấp sau một loạt cuộc tấn công khủng bố từ năm 2015 đã làm hơn 230 người thiệt mạng. Đây là một trong những thách thức lớn đối với ông Macron, chính trị gia trẻ chưa có kinh nghiệm trong đấu tranh chống khủng bố.
Ngoài ra, thách thức đối với ông Macron còn đến từ việc tái thúc đẩy tiến trình xây dựng châu Âu, vốn bị lung lay sau vụ Brexit và cuộc khủng hoảng nhập cư.
Theo Hoàng Cường (An Ninh Thủ Đô)