Tài xế - nghề vốn nhọc nhằn lại ẩn chứa nhiều rủi ro trong mùa dịch
Tài xế Thongsuk Thongrat, 50 tuổi, người Thái Lan nhớ rõ khoảnh khắc một nữ du khách Trung Quốc vẫy taxi, yêu cầu đến bệnh viện. Chiếc xe kẹt cứng giữa những làn đường đông đúc của Bangkok.
Để giết thời gian, người phụ nữ lấy điện thoại ra, rướn về phía trước và hỏi han mấy địa điểm mà cô muốn tham quan trong thành phố. Đột nhiên cô hắt hơi, những giọt bắn văng trúng mặt người tài xế. "Tôi nghĩ cô ấy xinh đẹp nhưng chẳng có ý tứ gì cả" - bác tài Thongrat nói.
Khoảng 1 tuần sau, mọi chuyện còn tệ hơn với Thongrat khi anh xét nghiệm dương tính với virus corona, trở thành một trong 42 bệnh nhân nhiễm bệnh ở Thái Lan.
Theo New York Times, câu chuyện của Thongrat đã cho thấy những rủi ro mà cánh tài xế, hay những người làm dịch vụ du lịch nói chung, phải đối mặt khi tiếp xúc với đông đảo du khách nước ngoài.
Ngoài Thongrat, có 2 tài xế khác cũng nhiễm bệnh ở Thái Lan. Ở Đài Loan, một tài xế taxi thường xuyên đón khách từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong, sau đó nhiễm virus corona và qua đời vào cuối tháng trước.
Ở Nhật Bản, một tài xế xe buýt và một hướng dẫn viên du lịch đi chung xe cũng nhiễm bệnh khi đón du khách từ Vũ Hán. Một nữ tài xế khác dương tính với virus và nghĩ mình đã tiếp xúc với một hành khách từ du thuyền Diamond Princess - "ổ dịch" lớn nhất Nhật Bản. Ở Singapore, cũng có 4 bác tài nhiễm bệnh.
Thu nhập giảm còn 1/3, mòn mỏi chờ du khách xứ Trung trở lại
Quay trở lại câu chuyện của tài xế Thongrat ở Thái Lan. Sau 2 tuần nằm điều trị ở khu cách ly tại một bệnh viện Bangkok, anh đã phục hồi và... quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, điều Thongrat nhận ra là không còn bao nhiêu hành khách đón taxi nữa.
Thongrat cho biết đến khoảng 60% hành khách của anh là người Trung Quốc đi du lịch. Nhưng khi anh xuất viện, họ vẫn bị phong tỏa ở quê nhà, ngoài ra chính phủ Trung Quốc đã cấm tổ chức các đoàn khách lớn trong thời gian này.
Những ngôi chùa uy nghiêm của Bangkok - vốn được đông đảo khách thập phương ghé đến - giờ đã chìm vào im lặng. Các khu chợ bán trái cây nhiệt đới hay hải sản khô cũng mòn mỏi chờ du khách xứ Trung trở lại. Các khách sạn cũng ế ẩm, danh sách phòng trống ngày càng dài thêm.
Khoảng 10% GDP của Thái Lan đến từ du lịch, và du khách Trung Quốc luôn chiếm số lượng lớn nhất do không cần xin thị thực. Ước tính hơn 1 triệu khách Trung Quốc đã đến Thái Lan vào tháng 1 trước khi dịch bệnh trở thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Anh Thongrat vốn sinh ra và lớn lên ở miền đông bắc Thái Lan - nơi được xem là vựa lúa của cả nước. Sau nhiều lần mất mùa, anh được bạn khuyên đến Bangkok, nuôi mộng làm ăn nhờ chở du khách nước ngoài đến cung điện, đền chùa và quán bar.
Chỉ mới 5 tháng trước, ngành du lịch của đất nước Chùa Vàng còn bùng nổ mạnh mẽ, Thongrat cũng vừa mua chung chiếc taxi với một người bạn để chia nhau kiếm sống. Tuy nhiên dịch bệnh đã kéo đến quá bất ngờ, những người như Thongrat chịu tổn thương trước tiên và sâu sắc nhất - cả về sức khỏe lẫn tiền nong thu nhập.
"Hầu hết các vị khách Trung Quốc đều tử tế, tôi thật sự nhớ họ" - Thongrat nói. Trong những ngày tốt lành, anh từng kiếm được tới 30 USD lợi nhuận (gần 700.000 đồng). Nhưng hiện giờ, nếu may mắn lắm thì cũng chỉ đem về khoảng 10 USD/ngày (hơn 230.000 đồng).
Hiện tại, Thái Lan đã khẳng định Covid-19 là bệnh nguy hiểm dễ lây lan và yêu cầu cách ly 14 ngày bất kỳ ai đến từ các nước chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh - bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Italy. Vậy nên dù đã chấp nhận đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus corona thì phải còn rất lâu nữa các bác tài như Thongrat mới có thể trở lại với guồng quay cũ và có thu nhập ổn định trở lại. Ngoài ra tác động đến các nền kinh tế cũng rất khó lường khi dịch bệnh vẫn lan nhanh ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo Jayden (Trí Thức Trẻ)