Số ca nhiễm mới Covid-19 tăng vùn vụt, nhiều nước ‘căng’Mỹ tiếp tục phá kỷ lục Covid-19, vắc-xin mới đem đến hy vọngSố ca nhiễm Covid-19 tăng chót vót nhiều ngày liền ở Mỹ
Theo AP, nhóm các quốc gia mà đại dịch Covid-19 chưa thể xâm nhập nằm ở nam Thái Bình Dương. Tonga, Kiribati, Samoa, Micronesia và Tuvala. Dù không có một ca nhiễm virus corona nào, song nhóm các quốc đảo nhỏ bé này vẫn không thoát được các tác động của đại dịch.
Tonga đã ngăn không cho virus xâm nhập nước này bằng cách chặn các tàu du lịch thả neo, đóng cửa sân bay từ tháng 3, Paula Taumoepeau, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Tonga cho hay.
Ông Paula nói, Chính phủ Tonga thậm chí còn áp đặt phong tỏa dù chưa phát hiện được ca nhiễm nào. Trong những ngày đó, chỉ có những người đã xét nghiệm, có kết quả âm tính mới được phép trở về trên các chuyến bay hồi hương. Ông Paula cho hay, ông cảm thấy khó tin khi con số tử vong do Covid-19, đã được xác nhận chỉ riêng ở Mỹ đã vượt gần gấp đôi toàn bộ dân số trên 100.000 người của Tonga.
"Tôi nghĩ rằng chính phủ đã làm tốt trong việc ngăn Covid-19 xâm nhập Tonga, song nó cũng có tác động lớn tới kinh doanh, đặc biệt là du lịch và lưu trú. Rất tệ. Không một ngành nghề kinh doanh nào thoát được".
Thực vậy, nguồn thu chính của nhiều đảo nhỏ ở nam Thái Bình Dương tới từ du lịch. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp ở những nơi này tăng cao, kinh tế trở nên khó khăn. Đa phần các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương đều nghèo, có hệ thống y tế cơ bản và không được trang bị đầy đủ để đối phó với sự bùng phát dịch ở quy mô lớn.
Nam Cực: Chưa một nơi nào trên trái mà người dân cảnh giác như ở Nam Cực, lục địa duy nhất hoàn toàn chưa có sự hiện diện của virus corona. Đó là do bất cứ sự bùng phát dịch nào ở đây đều rất khó kiểm soát vì người dân thường sống gần nhau và năng lực y tế hạn chế.
Những người mắc bệnh nặng ở Nam Cực phải được sơ tán song quá trình này diễn ra mất vài ngày, thậm chí là vài tuần do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể khiến các chuyến bay bị trì hoãn.
Michelle Rogan-Finnemore, Thư ký điều hành Hội đồng Các nhà quản lý chương trình quốc gia ở Nam Cực cho hay, những người dự định tới Nam Cực thường làm xét nghiệm trước khi lên đường và cách ly ít nhất 2 tuần tại cửa ngõ cuối cùng rồi mới bay tới nơi này. Một khi có mặt tại Nam Cực, mọi người thường xét nghiệm một lần nữa và cách ly xã hội, đeo khẩu trang.
Triều Tiên: Với dân số hơn 25 triệu người, cho tới giờ Triều Tiên là quốc gia lớn nhất chưa có ca nhiễm virus corona nào. Dù vậy, vẫn còn nhiều hoài nghi về tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng Triều Tiên đã ngăn chặn được virus corona.
Triều Tiên cho biết, chiến dịch chống virus của nước này là vấn đề của "sự tồn tại quốc gia". Nước này đã chặn đi lại qua biên giới, cấm du khách, huy động hàng chục nghìn nhân viên y tế kiểm tra các chốt nhập cảnh, giám sát cư dân và cách ly những người có triệu chứng.
Hồi tháng 9, binh sĩ Triều Tiên đã bắn chết một quan chức Hàn Quốc đang trôi dạt gần biên giới trên biển của nước này. Triều Tiên cho biết, các binh sĩ sau đó đã đốt thiết bị nổi tạm thời của người Hàn Quốc trên như một cách chống virus.
Turkmenistan: Hồi tháng 3, Turkmenistan giới hạn ra và vào nước này, hạn chế các sự kiện tôn giáo lớn, người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau trong vòng 2m ở những nơi công cộng.
Một phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tới Turkmenistan vào tháng 7 cho biết, nước này nên có những hành động mạnh mẽ hơn. Lúc đó, WHO đã khuyến nghị "kích hoạt các biện pháp y tế công cộng quan trọng" như thể virus đã xuất hiện, Trưởng đoàn WHO Catherine Smallwood cho biết.
Bà Smallwood không trực tiếp bình luận về thông tin nước này không có trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Bà nói: “Trách nhiệm báo cáo các đợt bùng phát thuộc về quốc gia thành viên và chúng tôi dựa vào các cơ quan y tế để thông báo cho WHO về bất kỳ đợt bùng phát nào".
Theo Hoài Linh (Vietnamnet)