Trẻ em tị nạn đang phải chấp nhận bán thân, trở thành nô lệ tình dục để kiếm tiền sinh sống qua ngày.
Chưa bao giờ khủng hoảng dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ về châu Âu lại đang ở mức báo động như hiện nay. Thay vì có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, tránh xa chiến tranh và đói nghèo thì người tị nạn, đặc biệt là trẻ em đang bị đóng sập viễn cảnh tươi đẹp ấy.
"Cháu tự hỏi mục đích mình đến châu Âu là gì? Cháu không muốn điều này xảy ra nhưng cháu chẳng còn tiền. Cháu không có thêm lựa chọn nào nữa".
Đó là lời tâm sự của rất nhiều trẻ tị nạn đang buộc phải làm nô lệ tình dục, bán thân kiếm sống ở Hy Lạp. Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard đang cảnh báo về một "đại dịch" tình dục và lạm dụng tình dục đang lan rộng ở Hy Lạp.
Trẻ em đang bất đắc dĩ phải trở thành nô lệ tình dục để tồn tại. |
Một chuyên viên tâm lý hỗ trợ người dân tại một trại tị nạn ở Athens cung cấp thông tin rằng đã có trường hợp bé gái 4 tuổi đã bị cưỡng hiếp. Mẹ nạn nhân tìm mọi cách để báo cáo trường hợp con mình.
Cho đến nay, kẻ cưỡng hiếp vẫn chưa bị bắt và hầu hết những kẻ giở trò đồi bại như thế đều dễ dàng thoát tội. Những kẻ phạm tội ngang nhiên ra tay và khủng bố nạn nhân, buộc họ phải im lặng. Các nạn nhân thì sợ hãi, không dám đến báo cảnh sát hoặc chính quyền, họ thường thiếu thông dịch viên và các chuyên gia để hỗ trợ.
Ở Athens, Thessaloniki và nhiều thành phố khác, người tị nạn sống trong những lều trại mở, không có không gian riêng. Đây là cơ hội khiến nhiều kẻ rình mò, tấn công trẻ gồm trẻ em gái lẫn trẻ em trai. Tình trạng ấu dâm ở những khu vực này khá cao.
Một bé gái lạc lõng ở trại tị nạn Kara Tepe trên đảo Lesbos của Hy Lạp. |
Những kẻ tội phạm có muôn vàn chiêu trò tinh vi để giở trò bất nhân. Một trường hợp khác được ghi nhận là đối tượng dụ một bé gái 7 tuổi vào lều để chơi game điện tử trên điện thoại của hắn. Khi cô bé vừa vào trong lều, hắn khóa cửa lều lại.
Bé gái sau đó trở về nhà với những dấu hằn đỏ trên tay và cổ. Em nghẹn ngào kể lại cảnh em đã bị xâm hại tình dục như thế nào. Thay vì có cảm giác an toàn ở khu trại tị nạn thì những đứa trẻ vô tội phải chịu rủi ro đối mặt với bạo lực và xâm hại tình dục.
Những kẻ buôn người ở Hy Lạp, Ý và khắp nơi trên toàn châu Âu vẫn nhăm nhe tìm kiếm con mồi là người tị nạn, buộc họ và kể cả những đứa trẻ tham gia vào đường dây mại dâm để trả nợ.
Hoặc có nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em phải bán thân, làm nô lệ tình dục để đổi lấy chỗ ở, thức ăn hoặc chút tiền gom góp tìm đường thoát khỏi Hy Lạp.
Tương lại nào đang chờ đón những đứa trẻ này? |
Bi kịch không lối thoát
Nghiên cứu của trường đại học Harvard cho thấy những người mua dâm trẻ em di cư chủ yếu là nam giới trên 35 tuổi, nạn nhân chủ yếu là trẻ vị thành niên, đặc biệt là đến từ Afghanistan.
Một người cung cấp thông tin nói với các nhà nghiên cứu rằng: "Người cao tuổi cung cấp thức ăn và chỗ ở cho những đứa trẻ. Họ sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của các em để đổi lấy tình dục, còn các em nhỏ thì họ cần có tiền".
Các tổ chức từ thiện cũng đã lên tiếng cảnh báo xu hướng người tị nạn chọn cách tự giải thoát mình khỏi cuộc sống kinh hoàng bằng cách tự tử.
Tính trong 10 tháng đầu của năm 2016, hơn 10.400 trẻ đã nộp đơn xin tị nạn hợp pháp ở Hy Lạp. Hầu hết đến từ Syria, Afghanistan, Pakistan, Iran và một số quốc gia khác ở Trung Đông. Đến cuối năm 2016, chỉ có 2.413 trẻ được chấp nhận. Số còn lại phải sống trong tình trạng mắc kẹt, đi hay ở lại đều là cơn ác mộng.
Đi hay ở đối với người tị nạn đều là bi kịch. |
Qua báo cáo của mình, Đại học Harvard chỉ ra 6 yếu tố rủi ro nhất mà chính quyền Hy Lạp cần nhìn nhận: thiếu nơi ở an toàn cho trẻ tị nạn, điều kiện sống nhiều nguy hiểm bên trong trại tị nạn, thiếu sự giám sát khi để người lớn xa lạ và trẻ em cùng chung sống, không có hệ thống bảo vệ trẻ, thiếu sự hợp tác của chính quyền, có tình trạng phân biệt khi xét duyệt đơn xin tị nạn.
Có thể thấy, nếu như chính quyền ở Hy Lạp không giải quyết dứt điểm tình trạng này sẽ vẫn còn có nhiều người tị nạn, nhất là trẻ em trở thành miếng mồi ngon của những kẻ khát máu và cánh cửa tương lai của các em sẽ bị đóng chặt lại, không có lối nào để thoát ra.
Theo Hồng Nam (Trí Thức Trẻ)