Thị trấn cổ Nessebar là một hòn đảo gần như hoàn chỉnh: Một nửa dặm những ngôi nhà đánh cá bằng gỗ in dấu thời tiết với mái ngói bằng đất nung nằm trên đỉnh đá, được nối với bờ biển Bulgaria bằng một cây cầu đất hẹp.
Nhiều di tích quý giá
Khi đi vào phố cổ, những con đường ngoằn ngoèo với hai bên là nhiều ngôi nhà đánh cá từ thế kỷ 19 bị chia cắt bởi nhà thờ St Stephen thời Trung cổ vốn đã được trang trí phong phú với những bức tranh tường vẽ cảnh Chúa Jesus chế ngự cơn bão và 1.000 nhân vật trong Tân ước. Những tàn tích đã được khai quật của Vương cung Thánh đường Stara Mitropolia có từ thế kỷ thứ 5, khi nơi này là một trong những thị trấn giao thương quan trọng nhất của đế chế Byzantine trên bờ Hắc hải.
Các nhà khảo cổ và ngư dân địa phương đã tìm thấy những di tích cổ hơn. Một tường thành Hy Lạp và xưởng gốm có từ trước khi người La Mã đến, cùng những bức tường do người Thrace trước đây sáng lập thành phố, những chiến binh cưỡi ngựa thống trị bán đảo Balkan này hơn 2.000 năm trước.
Những nỗ lực nghiên cứu hải dương học gần đây bằng cách sử dụng một cặp phương tiện điều khiển từ xa dưới nước (Remote control vehicles underwater - ROV) đã thám hiểm đáy Hắc hải, tiết lộ những mảnh ghép lịch sử cổ đại mà trước đây chưa từng được nhìn thấy ở mức độ sống động như vậy.
Các sứ mệnh ROV đã phát hiện ra những con tàu từ nhiều thiên niên kỷ giao thương và chiến tranh trên biển, trong đó có xác tàu đắm còn nguyên vẹn lâu đời nhất thế giới: Một con tàu buôn Hy Lạp từ khoảng năm 400 trước Công nguyên nằm dưới đáy biển vẫn còn nguyên vẹn một cách lạ kỳ. Và trong số các xác tàu, bằng chứng mới đưa ra manh mối từ hơn 7.000 năm trước, vào lúc mà một số chuyên gia tin rằng Hắc hải chỉ là một hồ nước ngọt nhỏ.
Các mẫu địa chất khoan từ đáy biển cuối cùng có thể giải tỏa được bí ẩn về việc liệu có phải chính ở đây nước từng tràn vào, san bằng các nền văn minh và để lại câu chuyện được chúng ta biết đến là Noah và trận Đại hồng thủy trong Cựu ước.
Thời kỳ hoàng kim của thám hiểm
Zdravka Georgieva - nhà khảo cổ hải dương tại Trung tâm Khảo cổ dưới nước của Bulgaria ở Sozopol gần đó, được sinh ra trên Nessebar và học lặn ở vùng nước cạn của Hắc hải, nói: “Tôi thực sự muốn biết có gì ở dưới nước. Khi còn là một thiếu nữ, tôi đã học từ bảo tàng và từ những người ở đây rằng có những di tích lịch sử ở dưới đó và tôi muốn chạm vào chúng và quan sát chúng thật gần”.
Sau khi học tại trung tâm sau đại học Khảo cổ Hải dương học thuộc Đại học Southampton, Vương quốc Anh, Georgieva đã được làm công việc khảo sát đáy biển mơ ước của cô nằm trong khuôn khổ Dự án Khảo cổ Hải dương Hắc hải (Black Sea MAP) vốn có mục đích khám phá xem biển và môi trường xung quanh đã thay đổi như thế nào kể từ kỷ băng hà cuối cùng.
Nhóm khảo cứu Anh - Bulgaria do giáo sư Jon Adams thuộc Đại học Southampton dẫn đầu, phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học dưới nước, đã phát hiện ra con tàu buôn Hy Lạp 2.400 năm tuổi hồi năm 2018, bên cạnh hơn 60 xác tàu được tìm thấy ở vùng nước sâu.
Xuất hiện trong tầm nhìn khi ROV quét 3D cảnh nơi hiện trường, con tàu cổ nằm nghiêng, cột buồm và bánh lái có thể được nhìn thấy rõ cũng như băng ghế chèo và các thùng gốm lớn trong khoang. Georgieva đồng ý với các nhà khảo cổ học hải dương khác rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ hoàng kim của những khám phá quanh Hắc hải. Họ biết rằng các nền văn minh cổ đại đã được xây dựng ở đây và những con tàu đã buôn bán dọc theo bờ Hắc hải.
Trong những năm từ 1999-2014, nhà thám hiểm Mỹ Ballard đã dẫn đầu một cuộc thám hiểm đến Hắc hải và Địa Trung Hải, vốn là lần đầu tiên khám phá toàn diện nơi chìm trong bóng tối này. Cùng với nhóm thủy thủ của mình, ông đã tìm thấy hàng chục xác tàu được bảo quản hoàn hảo, trong đó có một tàu buôn Ottoman có hài cốt người.
Trận Đại hồng thủy
Nhưng cả Georgieva lẫn Ballard đều cho rằng thám hiểm dưới biển sâu cung cấp manh mối mới cho một bí ẩn khác thậm chí còn lớn hơn. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2000 “Trận Đại hồng thủy của Noah” (Noah’s Flood) của William Ryan và Walter Pitman, các nhà địa chất học hải dương tin rằng họ đã tìm thấy nguồn gốc lịch sử của huyền thoại về trận Đại hồng thủy vốn xé toạc các nền văn minh cổ đại nằm bên bờ Địa Trung Hải và Hắc hải vào 7.600 năm trước.
Từng được thuật lại trong huyền thoại sáng thế của xứ Babylon và trong Sử thi Gilgamesh của xứ Lưỡng Hà, câu chuyện này đã trở nên nổi tiếng nhất trên toàn thế giới khi nó được kể trong câu chuyện về chiếc rương Noah trong Cựu ước.
Theo Ryan và Pitman, khoảng 20.000 năm trước, Hắc hải đã bị chia cắt khỏi Địa Trung Hải bởi núi non. Giả thuyết Đại hồng thủy của Noah cho rằng khi kỷ băng hà cuối cùng của trái đất kết thúc, các tảng băng vùng cực tan chảy khiến mực nước Địa Trung Hải dâng cao, cắt một eo biển giữa các ngọn núi tạo thành eo biển Bosphore ngày nay, gây ra trận Đại hồng thủy do nước biển dâng khủng khiếp với sức nước mạnh gấp 200 lần thác Niagara.
Trong nhiều tháng, ước tính Hắc hải đã nhấn chìm một vùng đất có diện tích bằng Ireland, cứ mỗi ngày ngập một dặm.
Vào năm 2000, nhà địa chất học Ballard đã hy vọng sẽ làm sáng tỏ giả thuyết của Ryan và Pitman, khi ông phát hiện ra đường bờ biển 12 hải lý thuộc Hắc hải ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tin rằng những phát hiện này sẽ chứng minh cho giả thuyết về trận Đại hồng thủy.
Tuy nhiên, Ballard vẫn gọi Hắc hải là “một nơi huyền diệu”, khu vực có “bề dày lịch sử đáng kinh ngạc”, nơi có nhiều thứ cho các nhà khảo cổ và những người hâm mộ huyền thoại lịch sử hơn là về trận Đại hồng thủy. Ông nói:
“Hắc hải có mối liên hệ với trận Đại hồng thủy trong Cựu ước, đó cũng là nơi Jason và những người Argonaut đi tìm bộ lông cừu vàng. Có rất nhiều thứ nữa cần được phát hiện ở Hắc hải. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy nó cung cấp rất nhiều chương bổ sung của lịch sử loài người nếu chúng ta biết nơi và biết cách để tìm”.
Theo Kim Thoa (Nguoitieudung.com.vn)