Những hàng ghế vắng bóng phụ nữ
Những trận bóng hay giải đấu mang tầm cỡ quốc gia tại Iraq từ nhiều năm trở lại đây vắng bóng phụ nữ trên khán đài. Hình ảnh trận đấu quyết định tại giải hạng nhất Iraq ở sân vận động Al-Shaab 34.200 chỗ ngồi không có bất cứ một người phụ nữ nào và tờ Open Democracy địa phương cho biết đây không phải chuyện hiếm gặp.
Naba Shakir, nữ tuyển thủ quốc gia, giải thích nguyên nhân: "Những vụ xâm hại phụ nữ trên khán đài hoặc ở cửa ra vào ngày càng táo tợn khiến họ không còn dám tới những nơi công cộng hay sự kiện lớn. Trong khi đó, các cổ động viên nam ngày càng thô lỗ và thiếu văn minh".
Hơn 5 thập kỉ trước, hình ảnh của thể thao Iraq rất khác. Những phụ nữ Iraq, đặc biệt là các nữ sinh trẻ tuổi rất yêu thích bóng đá. Đội trưởng đội tuyển quốc gia Husham Atta Ajaj nhớ lại rằng trận đấu giữa Iraq và Bahrain trong khuôn khổ giải Arab Cup vào buổi sáng năm 1966 đã tràn ngập các cổ động viên nữ và tiếng hát ngọt ngào của họ.
Sau này, sự vắng mặt ngày càng nhiều của nữ giới cũng như một thái độ đồng lõa im lặng của chính quyền đã khiến các cổ động viên nam trở nên quá khích và đặc biệt khó chịu. Một số hình ảnh ghi lại những người này cởi toàn bộ quần áo, nhảy múa, hò hét và xô đẩy nhau sau các trận đấu địa phương được đăng tải trên các báo, khiến phụ nữ sợ hãi và e ngại.
Bắt đầu từ năm 2003, đất nước Tây Á nhỏ bé chìm trong khói lửa trong cuộc chiến tranh với Mỹ và khi mọi thứ còn chưa kịp lắng xuống, sự trỗi dậy của lực lượng khủng bố IS vào năm 2011 một lần nữa phá tan nền hòa bình tại đây. Bất ổn chính trị dẫn đến nguy cơ bạo lực, chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Cùng với đó, khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội đã tước đi của phụ nữ gần như toàn bộ quyền tự do.
Thêm vào đó, phong trào do đảng Xã hội Phục hưng Arab Ba'ath được khởi xướng vào năm 1993 nhằm xây dựng một xã hội Hồi giáo bảo thủ và hà khắc hơn càng khiến cho tâm lý phụ nữ nơi đây rơi vào e ngại.
Nhà báo Iraq Aya Mansour nhận định: "Những năm tháng chiến tranh và bạo lực đã khiến tâm lý của người dân thay đổi. Phong trào Niềm tin bắt đầu từ những năm 1990 đã ảnh hưởng đến vai trò của phụ nữ trong xã hội. Đó cũng là thời điểm ngày càng nhiều phụ nữ Iraq trùm khăn và mặc quần áo che phủ toàn bộ cơ thể".
Do ảnh hưởng của phong trào này, hàng loạt quán bar, câu lạc bộ đêm và những tụ điểm vui chơi công cộng ở Iraq phải đóng cửa. Thay vào đó, nhiều nhà thờ Hồi giáo mới được dựng lên. Và quốc kỳ của Iraq có thêm chữ "Takbir", theo tiếng Arab nghĩa là "Thánh Allah là đấng vĩ đại nhất".
Nguy hiểm từ mọi phía
Cuối năm 2017, cuốn sách "Cô gái cuối cùng" (The Last Girl) của Nadia Murad – một cô gái Iraq 24 tuổi trốn thoát khỏi trại tập trung của lực lượng Hồi giáo IS – được xuất bản khiến nhiều người choáng váng về những tội ác với phụ nữ tại đây.
Những bé gái, thiếu nữ và phụ nữ bị bắt giữ làm nô lệ tình dục, sống một cuộc sống địa ngục và ngay cả khi trốn thoát trở về, họ cũng đã mang tiếng "nhơ nhuốc" trong mắt người thân.
Lực lượng động viên nhân dân PMF do Iran hậu thuẫn nhằm tiêu diệt IS ở Iraq, thật đáng tiếc cũng là một mối đe dọa khác với phụ nữ tại đây.
"Không ai phủ nhận vai trò của PMF trong cuộc chiến chống IS nhưng chúng ta không thể quên những tội ác chống lại dân thường do binh sĩ của PMF gây ra tại những vùng giải phóng", nhà báo Mansour nhắc đến niềm tin tôn giáo cực đoan của lực lượng PMF.
"Năm 2006, tôi phải trùm khăn trên đầu. Bất cứ cô gái nào không tuân theo quy định ăn mặc nghiêm ngặt của các nhóm vũ trang Sunni và Shiite đều bị giết hại hoặc cưỡng bức", Mansour cho biết. "Và thật tàn nhẫn, những nạn nhân bị xâm hại tình dục sẽ bị mọi người xung quanh nhìn như một kẻ hư hỏng".
Nhà xã hội học người Iraq Zahra Ali mô tả thủ đô Baghdad là một "thành phố của đàn ông". "Những người phụ nữ duy nhất trên phố là những người ăn mày, còn lại hiếm khi người ta thấy bóng dáng phụ nữ đi bộ, lái xe, ra vào cửa hàng, mua sắm ở các khu chợ hay ngồi ở nhà hàng, quán cafe, quán kem", nhà xã hội học này viết. "Những nơi công cộng trong thành phố toàn đàn ông, còn các binh sĩ trang bị vũ khí và cảnh sát đứng ở các nút giao thông".
"Phụ nữ trẻ cũng lo sợ họ bị tổn hại danh dự nếu bước chân vào những nơi toàn đàn ông. Đến sân vận động xem bóng đá có thể khiến họ bị dán mác 'hư hỏng' trong một xã hội bảo thủ và hà khắc", nhà báo Mansour nhận xét.
Ngày càng nhiều các gia đình ở Iraq cấm phụ nữ trong nhà xem TV, đi ra ngoài hay tới trường. Phụ nữ thậm chí bị đối xử như tài sản thế chấp, đền bù hoặc nô lệ.
Nữ nhà báo Mansour nói: "Ước gì tôi có thể đi xem một trận bóng đá ở Baghdad nhưng chắc chắn điều đó sẽ chỉ mang lại cảm giác đe dọa nhiều hơn là hào hứng".
Theo Thu Phương (Đời sống & Pháp luật)