Phóng viên của báo The Sun (Anh) mới đây đã thực hiện một phóng sự về những "bóng đen" ấy - tức những người nhập cư trái phép tại một địa điểm khét tiếng về vấn nạn này ở ở Bỉ.
Theo đoạn video được phóng viên ghi lại, những người nhập cư trái phép tại địa điểm này thường chỉ hành động vào ban đêm: Sau khi chui qua hàng rào thép gai, họ sẽ trèo qua đường ray và lẻn vào trong các xe tải - tất cả những hành động này được thực hiện với sự cảnh giác và tập trung cao độ, tránh bị cảnh sát phát hiện.
The Sun gọi đây là trò "mèo vờn chuột" giữa cảnh sát địa phương và những người nhập cư trái phép.
Phóng sự về người nhập cư trái phép của báo The Sun (Anh) |
"Con đường dễ dàng nhất"
Giờ đây, Zeebrugge - ngôi làng nhỏ bên bờ biển của Bỉ - đã mãi mãi gắn với "vết chàm" từ vụ án 39 thi thể rúng động nước Anh.
Đây chính là địa điểm chiếc xe container đông lạnh chở 39 người này xuất phát sang Anh, trước khi nó dừng lại ở Essex hôm 23/10 vừa qua, và 39 người được phát hiện đã "đông cứng tới chết".
Thảm kịch kinh hoàng ngày 23/10 đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn buôn người, vượt biên trái phép tại Anh - nơi những người nhập cư phải trả hơn 30.000 bảng Anh (gần 900 triệu VNĐ) cho một chiếc vé vào đất nước này.
Trong khi đó, Zeebrugge đã trở thành một "bàn đạp" đối với người nhập cư và những đường dây buôn người trong những năm gần đây, do những lỗ hổng trong quản lý khiến nơi này trở thành "con đường dễ dàng nhất" giúp người nhập cư vượt biên trái phép vào Anh.
Một người di cư nói với The Sun: "Ở đây có nhiều cơ hội vào Anh hơn là ngồi trong các thùng xe tải".
Và bất chấp những mối hiểm họa tiềm tàng, người này cho biết "đêm nào" anh ta cũng nỗ lực lẻn vào trong cảng Zeebrugge để tìm con đường "tới cuộc đời mới" ở Anh.
Trò "mèo vờn chuột" của người di cư và cảnh sát
Trở lại vụ án xe container chở 39 thi thể gây chấn động không chỉ ở Anh mà cả trên toàn thế giới, Maurice Robinson, 25 tuổi, tài xế của chiếc xe này đã bị cảnh sát chính thức bắt giữ với tội danh giết người, và y sẽ ra tòa trong đầu tuần này, theo The Sun.
Sau Robinson, 3 người khác được cho là có liên quan đến vụ thảm kịch hôm 23/10 cũng đã bị bắt giữ, nhưng sau đó đã được tại ngoại nhờ nộp tiền bảo lãnh.
Cảnh sát địa phương đang gấp rút điều tra vụ việc và tiến hành xác định danh tính của các nạn nhân, trong đó có nhiều người được cho là công dân Việt Nam.
Và trong khi cảnh sát Anh, cảnh sát quốc tế ráo riết săn lùng băng đảng buôn người khét tiếng đứng sau vụ thảm kịch ngày 23/10, những người dân địa phương ở Zeebrugge đã chia sẻ với The Sun những trải nghiệm đáng sợ của riêng mình về cuộc khủng hoảng người di cư diễn ra ngay sát vách nhà họ.
Ông Kevin Pearson, một nhân viên ở cảng Zeebrugge, là người đã tận mắt chứng kiến vấn nạn vượt biên trái phép diễn ra hàng ngày ở khu vực này. Ông cũng đã đứng ra thành lập một nhóm quan sát để theo dõi các động thái của người di cư.
Pearson cho biết hầu như đêm nào ông cũng thấy người di cư cố gắng trèo qua hàng rào thép gai và sau đó chạy về phía các phà hoặc container đậu ở cảng.
"Có người nào đó đã nói với họ rằng vượt biên sang Anh bằng tàu thủy sẽ dễ dàng hơn", Pearson nói. "Vì thế nên họ mới đến đây".
Tuy nhiên, theo lời ông Pearson, việc vượt biên không hề dễ dàng như suy nghĩ của những người di cư, bởi họ thường bị lực lượng cảnh sát tại cảng này rượt đuổi vào ngăn chặn - điều được ông so sánh với trò "mèo vờn chuột".
Chỉ trong một đêm, phóng viên của The Sun đã tận mắt chứng kiến những "chiêu trò" ẩn mình, trốn tránh cảnh sát của người di cư.
Một số người chọn cách nấp trong những lùm cỏ, và cố gắng trườn hoặc bò thật lặng lẽ để tránh bị lực lượng an ninh và chó nghiệp vụ phát hiện.
Một số người khác đi lại dọc bờ tường của cảng Zeebrugge, chờ đợi đến khi nơi này hoàn toàn vắng bóng người để dễ dàng đột nhập.
Đi dọc hàng rào thép, phóng viên của The Sun còn phát hiện khoảng một tá lỗ thủng - được cắt vừa với thân người - để những người di cư lẻn vào trong cảng.
Được biết, lực lượng an ninh đã cố gắng hàn lại những lỗ thủng này, nhưng tới đêm hôm sau thì hàng rào còn thủng nhiều hơn nữa.
Những đôi găng tay còn mắc lại trên hàng rào thép gai cũng là một bằng chứng khác về những "nỗ lực" của người di cư.
Không rõ đã có bao nhiêu người đã vượt biên trót lọt theo những cách này, nhưng lực lượng an ninh tại Zeebrugge cho biết mỗi đêm có đến 20 người di cư bị bắt lại khi đang cố đột nhập vào cảng.
Thế nhưng giới chức không thể đưa họ tới đại sứ quán hay trục xuất về nước (vì những người này thường bỏ giấy tờ tùy thân và thậm chí là mang hộ chiếu giả khi vượt biên trái phép). Cảnh sát chỉ có thể đưa họ ra ngoài, và những người này sẽ còn tiếp tục hành động vào ngày hôm sau, hôm sau nữa...
Thấy chết vẫn không sợ
Một người di cư 32 tuổi đến từ Libya, cho biết người này đã lựa chọn Zeebrugge sau khi nghe nói từ địa điểm này có "nhiều cơ hội" vượt biên vào Anh hơn.
Một người khác di cư khác không dám nêu tên, cho biết anh ta đã nghe thông tin về vụ 39 thi thể trong container ở Essex, nhưng điều đó không hề khiến anh ta nản chí về chuyện vượt biên sang Anh.
"Đời là vậy mà. Cuộc đời nhiều hiểm nguy lắm", người này nói.
Nhiều người di cư được tá túc trong nhà thờ địa phương, nơi Mục sư Fernand Marechal cho họ đồ ăn và quần áo từ thiện.
Trong nhóm này có một cậu thiếu niên 16 tuổi tới từ Tây Sahara. Cậu ta nói rằng mình đã trốn dưới gầm xe tải trong suốt chặng đường 7 tiếng đồng hồ từ Italia đến Zeebrugge - và cậu sẵn sàng tiếp tục làm như vậy để vượt biên vào Anh.
Dù mới đến thị trấn ven biển này được nửa tháng, nhưng đêm nào thiếu niên này cũng cố lẻn vào cảng Zeebrugge và thử trốn trong xe tải (nhưng không thành).
Nói về những người đã thiệt mạng trong chiếc container đông lạnh, nhiều người di cư ở Zeebrugge cho biết họ không còn xu dính túi, và không thể trả tiền cho những đường dây dịch vụ dù họ muốn vậy. Nhiều người khác thì nói rằng họ đã tiêu sạch tiền để trả cho các đường dây này để đi từ quê nhà tới châu Âu.
Nhiều người di cư ở Zeebrugge ấp ủ giấc mơ về cuộc sống mới ở Anh với những lí do đơn giản.
Một người đàn ông 25 tuổi mặc áo của câu lạc bộ bóng đá Liverpool (Anh), cho biết người này đang cân nhắc những cách vượt biên miễn phí, kể cả chuyện bơi đến Anh.
Người đàn ông này nói rằng anh ta mơ ước được chuyển tới nơi thần tượng của mình - chủ công Mohammed Salah của Liverpool - sinh sống.
"Chúng tôi chẳng có giấy tờ gì, kể cả hộ chiếu. Và chính quyền địa phương cũng không giúp chúng tôi. Họ chỉ bắt giữ, lấy dấu vân tay, và sau đó ném bạn ra đường", người đàn ông yêu cầu giấu tên cho biết. "[Ở Anh], tôi sẽ làm việc. Tôi sẽ kiếm việc làm, hoặc lấy vợ".
Trả lời The Sun, người đàn ông này cho biết anh ta hoàn toàn hiểu những hiểm nguy khi vượt biên trái phép, nhưng anh ta tin rằng Thánh Allah sẽ bảo vệ mình.
Nỗi sợ hãi trên đường phố Zeebrugge
Tuy nhiên, sự hiện diện của những vị khách không mời đã khiến nhiều người dân địa phương cảm thấy khó chịu.
Một chủ cửa hàng địa phương không dám nêu tên vì sợ bị trả thù, cho biết một người di cư đã đâm bà ngay trong cửa hàng, khi cô báo cảnh sát về việc người này ăn trộm đồ trong cửa hàng của bà.
"Khi tôi gọi cảnh sát ngay trước mặt hắn ta, hắn ta đã rút dao đâm trúng xương quai xanh của tôi", người chủ cửa hàng nói. "Thật may là lưỡi dao không đâm trúng cổ họng tôi".
Người phụ nữ này cũng nói với The Sun rằng chỉ mới tuần trước, một người di cư đã thách thức, xô ngã cô và đá vào xe hơi của cô.
Đây chỉ là một trong số những lần người dân địa phương và người di cư đụng độ giữa ban ngày, và điều đó đã khiến tâm lý sợ hãi người di cư ngày càng gia tăng ở Zeebrugge.
Những người địa phương cho biết những căn nhà bên bờ biển - thường chỉ được sử dụng trong kì nghĩ lễ - đã trở thành mục tiêu của những người di cư cần chỗ ở.
Nơi ở của các nhân viên và công nhân ở cảng Zeebrugge cũng trở thành mục tiêu dễ bị người di cư đột nhập - nhóm người này thường lẻn vào lấy trộm đồng phục của nhân viên cảng để dễ trà trộn. Nhiều người di cư khác thì chấp nhận ăn bờ, ngủ bụi ở ngay cạnh cảng Zeebrugge.
Bà Nancy Dewitte, 53 tuổi, một người dân địa phương, cho biết bà chỉ dám ra đường khi đi cùng chú chó berger của mình.
"Dù là sáng hay tối, mọi người vẫn rất sợ hãy khi đi tàu điện ngầm, và họ càng không dám ra đường sau khi trời tối", bà Dewitte nói.
Chính quyền địa phương đã cố gắng khắc phục tình trạng khủng hoảng người di cư bằng cách cảnh báo các tài xế xe tải về hành vi và "chiêu trò" của nhóm người này.
Tuy nhiên, tài xế Hans Phillipe cho biết việc trông coi xe tải 24/7 là điều không thể đối với anh và các đồng nghiệp.
"Nếu bạn không muốn họ trốn vào xe mình, thì bạn chỉ có cách ngồi trông coi chiếc xe cả đêm. Trong khi đó họ có rất nhiều cách như rạch bạt xe để lẻn vào... Nếu họ đã muốn thì ai có thể ngăn được họ chứ?", Phillipe nói.
Người này cho biết mặc dù các cảng cũng có khâu kiểm tra đối với các container và xe hàng, tuy nhiên những người di cư vẫn có cách lẻn vào thùng xe - đặc biệt là khi họ có sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Một người tài xế khác đã có thâm niên hơn 3 thập kỷ cho biết: "Chúng tôi biết là có vấn nạn đó [nạn buôn người], nhưng chưa từng tận mắt chứng kiến".
15 năm trước, người tài xế này đã từng phát hiện khoảng 14 người trốn trên thùng xe mình, trong đó gồm một phụ nữ mang thai. Ông khẳng định rằng việc trốn trong thùng xe được thực hiện rất tinh vi, và nhất định đã có sự giúp đỡ của một số người ngoài.
Việc những người lợi dụng niềm tin của những người đang tuyệt vọng và muốn tìm cách đổi đời khiến người tài xế già cảm thấy kinh sợ. "Những kẻ đó nên bị xử tử hết đi", ông kết luận.
Theo Hồng Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)