Một số đồng minh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngồi vào những chiếc ghế quan trọng sau các thay đổi về nhân sự mới nhất ở nước này hồi cuối tuần qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường. (Ảnh: Getty Images) |
Bí thư Tân Cương: Vị trí khiến Tập Cận Bình "đau đầu"?
Một trong số các “ngôi sao chính trị” đang lên là Trần Toàn Quốc, người được chỉ định làm Bí thư Tân Cương, vị trí thường đi kèm với một ghế trong Bộ Chính trị Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, ông Trần, 60 tuổi, cựu quan chức đứng đầu Khu tự trị Tây Tạng, sẽ thay thế Trương Xuân Hiền – một trong số 25 thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc hiện tại.
Tuy chức vụ mới của ông Trương không được tiết lộ, nhưng ông được cho rằng sẽ trở thành cấp phó tại một tiểu tổ phụ trách xây dựng đảng ở Bắc Kinh.
Trương Xuân Hiền là một trong những nhân vật gây chú ý của Bộ chính trị Trung Quốc.
Hồi đầu năm, Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin ông này đã từ chối tỏ lòng trung thành với Chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi Trung Nam Hải nỗ lực gây dựng sự ủng hộ của các đảng viên với vai trò "lãnh đạo cốt lõi" của ông Tập.
Trong Bộ Chính trị cũng sẽ xuất hiện các Bí thư Thành ủy các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh và Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông.
Trương Xuân Hiền. (Ảnh: Reuters) |
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, với chức vụ mới, Trần Toàn Quốc rất có thể sẽ được đưa lên cơ quan hàng đầu trong cuộc cải tổ lãnh đạo lớn trong Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, diễn ra vào mùa thu năm sau.
Ông Trần đã làm việc ở tỉnh Hà Nam trong hơn 25 năm, lên tới vị trí Phó bí thư tỉnh ủy vào tháng 4/2003.
Trần từng làm việc dưới quyền Bí thư tỉnh ủy khi đó là [Thủ tướng Trung Quốc] Lý Khắc Cường trong khoảng 18 tháng, đến khi ông Lý giữ chức Bí thư tỉnh Liêu Ninh vào tháng 12/2004.
Ông Trần sau đó trở thành Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc vào đầu năm 2010, rồi nắm giữ vị trí đứng đầu Tây Tạng trong khoảng 1,5 năm tiếp theo. Ông là ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương đảng CSTQ khóa 17, và trở thành ủy viên trong khóa 18.
Các nhà quan sát cho rằng ông Trần có thể giữ một vị trí trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới, nhưng vẫn có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ “đổi luật chơi”.
Khác với các nhà lãnh đạo tiền nhiệm thường "hé lộ tín hiệu" cho phép xác định người kế nhiệm 5 năm trước khi trao quyền, ông Tập không cho thấy manh mối nào về nhân vật sẽ thay thế ông vào năm 2022.
“Như vậy, không nên đưa ra kết luận ngay bây giờ,” nhà quan sát Trung Quốc lão luyện người Hong Kong Johnny Lưu Nhuệ Thiệu cho biết.
Nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh Chương Lập Phàm nói với tờ SCMP rằng vẫn còn quá sớm để chắc chắn rằng ông Trần sẽ trở thành ủy viên Bộ Chính trị, do việc tranh giành quyền lực ở cấp cao nhất vẫn chưa ngã ngũ.
“Theo truyền thống của đảng, thay đổi có thể xuất hiện vào phút chót,” ông Chương nói.
Ông cũng nói thêm rằng vẫn còn nhiều yếu tố có khả năng xuất hiện khi đại hội đảng vẫn còn hơn 1 năm nữa mới diễn ra.
Lâu Dương Sinh, quan chức thân cận với ông Tập. (Ảnh: Xinhua) |
Những "đồng minh" của ông Tập
Việc cải tổ trong nội bộ ĐCSTQ hồi cuối tuần qua là biến động nhân sự đáng kể đầu tiên sau khi các lãnh đạo Trung Nam Hải đi "nghỉ hè" ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, nơi họ được cho là đã tổ chức các cuộc họp bí mật với những người tiền nhiệm để quyết định tương lai của quốc gia này.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Hào được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư tỉnh ủy Vân Nam sau khoảng thời gian 18 tháng giữ chức Tỉnh trưởng. Các nhà quan sát đánh giá việc bổ nhiệm diễn ra rất nhanh chóng.
Trần Hào là Phó chủ tịch Ủy ban thường trực của Nhân đại (tương đương Hội đồng nhân dân) thành phố Thượng Hải khi ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm Bí thư thành ủy Thượng Hải năm 2007.
Trong một diễn biến khá bất ngờ, Lý Tiểu Bằng, con trai cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng - một "cựu thế lực" trong ĐCSTQ, đã được Bắc Kinh thông báo "từ chức Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây" vào chiều qua, 30/8.
Thay thế Lý Tiểu Bằng là Phó bí thư tỉnh ủy Sơn Tây, ông Lâu Dương Sinh, người được xem là một trong các đồng minh của ông Tập Cận Bình. Hai ông từng làm việc chung tại tỉnh Chiết Giang.
Theo SCMP, nhiều nguồn tin cũng cho biết Lý Tiểu Bằng, con trai trưởng của cựu Thủ tướng Lý Bằng, sẽ trở thành Bộ trưởng Giao thông.
Nhà phân tích Chương Lập Phàm đánh giá, rõ ràng ông Tập muốn đưa những người do đích thân ông lựa chọn vào hàng ngũ lãnh đạo, mặc dù vài nhân vật được chỉ định không nằm trong cấp phù hợp hoặc thiếu kinh nghiệm.
Nhà quan sát Lưu Nhuệ Thiệu nói ông Tập tự tay chọn ra các chính khách dựa vào việc họ theo "bè phái" chính trị nào.
Tân Hoa xã cũng đưa tin rằng người tiền nhiệm ông Trần Hào, ông Lý Kỷ Hằng được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư tỉnh ủy Nội Mông, thay cho ông Vương Quân sắp về hưu.
Tỉnh trưởng An Huy Lý Cẩm Bân sẽ nhậm chức Bí thư Tỉnh ủy thay cho người sẽ về hưu là ông Vương Học Quân.