Những ngày cuối đời bi thảm của Osama bin Laden: Thân tín 'chán tận cổ', bị 'nghiệp quật' vì nói Mỹ là hổ giấy

07/08/2021 21:10:27

Osama bin Laden là một trong số ít những cá nhân có thể nói là đã thay đổi lịch sử, nhưng kết quả hoàn toàn không như những gì hắn mong đợi.

Những tiết lộ từ hồ sơ Abbottabad cho thấy trong những tuần đầu tiên của năm 2011, Osama bin Laden đã rất lo lắng.

Trong 5 năm, hắn đã phải lẩn trốn và đem đại gia đình của mình - gồm vợ, con và cháu - tới trú ngụ trong một khu nhà ở Abbottabad, Pakistan. Dù vậy, có vẻ như nơi ẩn náu được xây dựng cẩn thận đang dần chia rẽ. Vệ sĩ lâu năm của bin Laden là hai anh em, thành viên của al Qaeda có gia đình gần đó. Họ đã làm mọi thứ cho bin Laden, từ việc mua sắm ở các chợ địa phương đến việc chuyển những thông điệp dài dòng của hắn cho các thủ lĩnh khác của al Qaeda.

Những ngày cuối cùng của bin Laden

Nhưng các vệ sĩ của bin Laden đã chán ngấy những rủi ro đi kèm với việc bảo vệ và phục vụ kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới. Bin Laden tâm sự với một trong những người vợ của mình rằng hai anh em vệ sĩ đã "kiệt sức" và lên kế hoạch bỏ đi.

Mọi thứ trở nên tồi tệ đến mức vào ngày 15/1, bin Laden đã phải viết một bức thư cho hai người anh em này - dù cho nhóm này sống cùng nhau - để thừa nhận rằng hắn biết họ đã tức giận như thế nào và cầu xin họ cho bin Laden thời gian để tìm vệ sĩ mới cũng như một nơi ẩn náu mới. Khu trú ẩn khi đó được đăng ký dưới tên của một trong những người anh em của hắn.

Những ngày cuối đời bi thảm của Osama bin Laden: Thân tín chán tận cổ, bị nghiệp quật vì nói Mỹ là hổ giấy - Ảnh 1.
Một người đàn ông Pakistan đọc báo với tin về cái chết của Osama bin Laden trên trang nhất vào ngày 3/5/2011. Ảnh: AFP

Bin Laden viết thư rằng họ đã đồng ý chia tay vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, bin Laden đã không bao giờ tìm được một nơi ẩn náu mới. Hắn đã bị tiêu diệt cùng với con trai Khalid, hai vệ sĩ và một người vợ khi lính SEAL của Hải quân Mỹ đột kích khu nhà vào ngày 2/5/2011. Chiến dịch không chỉ tiêu diệt một kẻ chủ mưu khủng bố khét tiếng thế giới mà còn giúp tịch thu khoảng 470.000 tệp máy tính từ hàng chục ổ cứng, 5 máy tính và khoảng một trăm ổ đĩa và ổ cứng khác.

Để hiểu được kẻ đã chỉ đạo các cuộc tấn công vào New York và Washington vào ngày 11/9/2001 và thiết lập đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ trong hai thập kỷ tiếp theo, không có nguồn tài liệu nào tốt hơn những tài liệu này — hàng nghìn trang thư riêng cùng ghi nhớ bí mật của hắn. Được công bố đầy đủ vào cuối năm 2017, các tập tin nằm trên trang web của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia có kèm theo một cuốn nhật ký viết tay do hai con gái của bin Laden lưu giữ, ghi lại những tuần cuối cùng trong cuộc đời của tên khủng bố này.

Các nội dung trong đây rất khó giải mã, vì vậy trước đây nó ít nhận được sự quan tâm của các nhà báo và nhà nghiên cứu. Nhưng cùng với các tài liệu Abbottabad khác, nó giúp làm sáng tỏ một số bí ẩn quan trọng về bin Laden và al Qaeda. Vào đầu năm 2011, trong những tuần trước khi bị tiêu diệt, bin Laden - khi đó ở độ tuổi ngoài 50 - đã bị kích động.

Sau cuộc tấn công đầu tiên của Mỹ vào Afghanistan, nhiều phương tiện truyền thông tin tức và cơ quan tình báo đã suy đoán rằng bin Laden đang sống biệt lập trong một hang động hẻo lánh, tách biệt khỏi các tướng lĩnh điều hành các chi nhánh của al Qaeda dưới danh nghĩa của hắn.

Điều hành từ bóng tối

Thay vào đó, các tài liệu của Abbottabad cho thấy rằng ngay cả trong những tuần cuối cùng, thủ lĩnh al Qaeda vẫn đang quản lý tổ chức của mình. Bin Laden tham gia sâu vào các quyết định nhân sự quan trọng và đưa ra lời khuyên chiến lược cho những người theo lệnh hắn ở Trung Đông và châu Phi. Năm 2010, al Qaeda ở Bán đảo Ả Rập đã đề cử một giáo sĩ người Mỹ gốc Yemen, Anwar al-Awlaki, làm thủ lĩnh mới, nhưng bin Laden đã từ chối cuộc hẹn.

Các nhà lãnh đạo của al Qaeda ở Yemen đề nghị thành lập một "Nhà nước Hồi giáo" ở Yemen. Trong một bản ghi chú không rõ ngày tháng, bin Laden nói với họ rằng thời điểm chưa chín muồi, và họ đáp ứng mong muốn của ông ta.

Trong một lá thư bin Laden viết vào ngày 7/8/2010, bin Laden kêu gọi nhóm khủng bố Somali al Shabaab không công khai nhận là một phần của al Qaeda, và nhóm này đã tuân theo.

Trong khi đó, bin Laden không hề hay biết rằng cuộc tấn công khét tiếng của hắn - vụ tấn công 11/9 - đã phản tác dụng một cách bất ngờ. Bin Laden đã mắc sai lầm phổ biến khi tin vào lời tuyên truyền của chính mình rằng Mỹ là “con hổ giấy”, rằng nước này sẽ rút khỏi Trung Đông sau vụ tấn công 11/9 và sau đó các thể chế thân Mỹ khác - chẳng hạn như ở Ả Rập Xê Út - sẽ sụp đổ như domino.

Trên thực tế, sau vụ 11/9, Mỹ đã tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các nhóm khủng bố thánh chiến ở 7 quốc gia Hồi giáo - Afghanistan, Iraq, Libya, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen. Mặc dù các chiến dịch này tốn kém - cho đến nay, tiêu tốn khoảng 6 nghìn tỷ đô la, hơn 7.000 sinh mạng người Mỹ và hàng trăm nghìn người thiệt mạng - nhưng rõ ràng khác biệt hẳn so với tiên đoán của bin Laden.

Sau ngày 11/9, các căn cứ của Mỹ đã phát triển khắp khu vực, trong khi al Qaeda mất căn cứ tốt nhất mà nhóm này từng có ở Afghanistan. Tới nay, hai thập kỷ sau ngày 11/9, Mỹ cuối cùng cũng rút khỏi Afghanistan và ở một mức độ nào đó là Iraq - những quốc gia mà bin Laden chưa bao giờ nghĩ đến sự hiện diện của Mỹ.

Đồng thời, Mỹ tiếp tục duy trì các căn cứ quan trọng ở các nước như Bahrain, Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các cuộc tấn công 11/9 không chấm dứt sự hiện diện của Mỹ ở Trung Đông mà đã khuếch đại nó lên rất nhiều. Osama bin Laden là một trong số ít những cá nhân có thể nói là đã thay đổi lịch sử, nhưng kết quả hoàn toàn không như những gì hắn mong đợi.

Theo Tất Đạt (Doanh Nghiệp & Cuộc Sống)

Nổi bật