Ban đầu, Duan không mấy quan tâm tới những thông tin này.
Fang năm ngoái mới trở về sau một thời gian học tập tại Mỹ, và cặp vợ chồng, cùng 36 tuổi, đang lên kế hoạch cho một gia đình nhỏ, bắt đầu bằng việc điều trị hiếm muộn tốn kém.
"Tuy vậy, khi tin tức ngày càng được tiết lộ nhiều hơn, chúng tôi bắt đầu nhận ra căn bệnh này có gì đó khác với những bệnh truyền nhiễm trước đây," Duan nói.
Chỉ trong một tháng sau đó, Fang trở thành một trong những bệnh nhân đầu tiên trên thế giới nhiễm căn bệnh sau này được đặt tên là Covid-19. Tới nay thế giới đã ghi nhận hơn 74 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,5 triệu trường hợp tử vong.
Giai đoạn đầu của đợt bùng phát ở Vũ Hán các bệnh viện bị quá tải, xét nghệm không đủ, nhiều bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mà không có trang phục bảo hộ.
"Thời điểm đó có nhiều bệnh nhân chưa được chẩn đoán ở Vũ Hán. Đó là lý do chúng tôi vẫn không biết anh ấy nhiễm bệnh như thế nào," Duan nói.
Fang có thể đã nhiễm virus tại bệnh viện nơi anh làm việc, tuy vậy hai vợ chồng cũng sống gần Chợ Hải sản Hoa Nam, nơi một số ca nhiễm ban đầu được cho là có liên quan.
Trong ngày anh được xác định nhiễm Covid-19, 03/02, khoảng 420 người đã tử vong vì căn bệnh, và thành phố bắt đầu báo cáo hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày.
Vũ Hán khi đó cũng đang ở tuần thứ hai của đợt phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 76 ngày.
"Tôi cuối cùng cũng thấy những con số không phải chỉ là sự thật lạnh lẽo, bởi một trong số 2.388 người mắc bệnh là người bảo vệ gia đình nhỏ của tôi," Duan nói.
Fang đã may mắn. Anh chỉ gặp triệu chứng trung bình, vẫn phải đi làm sau khi đã xuất hiện triệu chứng, Duan nhớ lại.
Duan cũng tin rằng cô nhiễm virus, do có biểu hiện triệu chứng cùng lúc, tuy vậy xét nghiệm ở Vũ Hán trong những tháng đầu năm 2020 rất khan hiếm, thường chỉ dành cho nhân viên y tế tiền tuyến và các bệnh nhân nặng.
Khi Fang nhập viện, anh sốt cao, nhịp tim 100 lần/phút, ảnh chụp X-quang ngực cho thấy những khoảng trắng ở phổi.
"Khi ở một mình, tôi xem video anh ấy chơi đàn trong ký túc khi du học," cô kể, giọng nghẹn đi khi nhớ lại hai tháng khó khăn họ xa cách nhau.
"Nhưng đại dịch không khiến tôi phải khóc, tôi luôn tin tưởng chúng tôi sẽ cùng vượt qua," Duan nói.
Fang là một trong hơn 70 triệu người từng mắc Covid-19 trên toàn thế giới. Có nhiều người vẫn gặp vấn đề sức khỏe sau khi đã khỏi bệnh, theo Reuters. Khoảng 9/10 bệnh nhân khỏi Covid-19 gặp vấn đề kéo dài, trong khi những ảnh hưởng lâu dài của căn bệnh vẫn chưa được xác định.
Duan nói họ hàng và bạn bè vẫn sợ Fang sẽ dương tính trở lại.
"Họ nói về nỗi lo này mỗi khi chúng tôi tụ tập cùng họ, do đó chúng tôi không làm vậy nữa. Vì vậy vẫn có chút khó chịu trong tâm trí tôi," cô nói thêm.
Vũ Hán giờ đã trở lại bình thường. Thành phố không báo cáo ca nhiễm Covid-19 mới nào từ tháng 05. Các tuyến phố, quán bar, chợ thực phẩm, nhà hàng rất đông đúc.
Tuy vậy với những gia đình không may mắn như Duan và Fang, ký ức đau đớn về những ngày đầu đại dịch vẫn là khó quên.
"Tôi chẳng còn gì để nói," Chen, một phụ nữ sống ở Vũ Hán nói. Cô và cha mẹ cùng một người chị em nhiễm Covid-19 hồi tháng 01. Cha cô mất vào đầu tháng 02.
"Dù Vũ Hán đã trở lại bình thường, bạn không thể mặc kệ tin tức... Bạn không thể thoát khỏi những ký ức đó khi cả thế giới vẫn đang trải qua đại dịch," Chen cho biết.
Trong khi đó, Duan và Fang cho biết họ muốn hướng về tương lai.
Hai vợ chồng mới dọn về căn hộ mới, được một doanh nghiệp bất động sản địa phương chào bán với giá giảm 15% cho nhân viên y tế tiền tuyến.
Giữa đống hộp bìa các-tông ngổn ngang, hai vợ chồng bàn chuyện tiếp tục điều trị hiếm muộn.
"Cuộc sống ngắn ngủi, và cuộc sống cũng có nhiều bất ngờ. Mỗi ngày bình yên, im ắng thực ra rất đáng quý. Chúng tôi sẽ trân trọng những khoảnh khắc bên nhau nhiều hơn trong tương lai," Duan nói.
Linh Giang (Nguoiduatin.vn)