Những mũi tiêm quá liều của nam y tá 'sứ giả thần chết'

23/11/2017 11:48:23

Nam y tá Saldivar (Mỹ) nhận đã giết hơn 50 bệnh nhân và chịu trách nhiệm một phần với cái chết của trên 120 người khác.

Saldivar sinh năm 1969 tại Brownsville, Texas, Mỹ, ngoan ngoãn, học giỏi. Tuy nhiên vào năm học cấp 3, anh ta gặp phải vấn đề về cân nặng kéo theo những rắc rối khi ở trường. Kết quả học tập giảm sút khiến Saldivar không thể tốt nghiệp.

Công việc đầu tiên của Saldivar là vị trí nhân viên siêu thị, tuy nhiên không lâu sau đó đã bị đuổi do trộm đồ. Trong lần gặp gỡ với người bạn học ngành y, Saldivar cảm thấy niềm yêu thích với chiếc áo blouse trắng và quyết định theo đuổi nghề này.

Những mũi tiêm quá liều của nam y tá 'sứ giả thần chết'
Saldivar thú nhận đã giết trên 50 người.

Sau khi ôn và thi qua bằng cấp 3, Saldivar đăng ký học tại trường Cao đẳng y tế vào năm 1988. Sau một năm học tập, anh ta đạt được chứng chỉ và bắt đầu làm kỹ thuật viên chuyên khoa hô hấp tại Trung tâm Y tế Glendale Adventist.

Saldivar tỏ vẻ rất thích công việc và được đánh giá là nhân viên thành thạo và đáng tin cậy. Trong thời gian làm việc, Saldivar từng sử dụng thuốc điều trị trầm cảm nhưng cuối cùng cũng kết thúc quá trình điều trị.

Cho đến nay, các nhà điều tra vẫn không thể kết luận chính xác số nạn nhân tử vong dưới tay Saldivar. Cảnh sát mới chỉ xác minh được 6 nạn nhân song Saldivar thú nhận hắn đã giết trên 50 người và chịu trách nhiệm một phần cho cái chết của trên 120 bệnh nhân.

Vụ án lần đầu được lật tẩy vào năm 1997, khi một đồng nghiệp tố cáo nhìn thấy Saldivar tiêm gì đó vào tĩnh mạch một bệnh nhân của hắn.

Xét thấy không có trường hợp chết bất thường nào xảy ra trong ca trực của Saldivar, cùng với việc vào thời điểm đó người đồng nghiệp kia được cho rằng có mối thâm thù riêng với Saldivar, cảnh sát đã không điều tra chính thức.

Không lâu sau đó, trong một lần đùa bỡn, các y tá mở tủ của Saldivar để giấu quần áo một người đồng nghiệp đã phát hiện loại thuốc mà y tá không được phép tiếp cận, bao gồm: morphine, các thuốc giãn cơ xương làm ngừng thở sử dụng cho bệnh nhân điều trị bằng máy hô hấp.

Vào năm 1998, một y tá vô tình đề cập vấn đề này với người đàn ông tên Grant Brossus trong lần nói chuyện tại quán bar. Grant đã dùng thông tin này để tống tiền bệnh viện, đe dọa báo cảnh sát. Bệnh viện đã gọi cảnh sát và tự chủ động điều tra sự việc.

Bị triệu tập, Saldivar bắt đầu thú nhận hành vi giết người. Anh ta nhận đã tiêm những loại thuốc giãn cơ với liều cao và giết trên 50 người, chủ yếu là nạn nhân quãng 40 tuổi. Saldivar khai bắt đầu làm việc này vào năm 19 tuổi với nạn nhân đầu tiên là bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, khi lục soát tại nhà và tại cơ quan làm việc, cảnh sát không tìm thấy các loại thuốc “giết người” được lưu trữ. Saldivar được thả.

Trong một năm sau đó, cảnh sát đã lật lại hồ sơ của hơn 1.000 bệnh nhân trong ca trực của Saldivar nhằm xác định những ca tử vong bất thường. Công việc điều tra rất phức tạp vì phần lớn các nạn nhân đều chết bởi những nguyên nhân liên quan mật thiết đến bệnh tình của họ. Các điều tra viên xác định chỉ tập trung vào những người tử vong khi còn đang tương đối khỏe mạnh, và không được thiêu sau khi chết.

Sau khi giám định trên 20 nạn nhân, họ phát hiện trong cơ thể của 6 người trong số đó, độ tuổi 75-87, xuất hiện dấu vết của một loại thuốc nếu sử dụng liều cao đủ gây chết người. Thời điểm gây án trong năm 1996 và 1997.

Tháng 1/2001, cảnh sát mở lại vụ án giết người của Saldivar. Theo lời khai tại toà, anh ta chỉ nhắm đến những đối tượng bất tỉnh và mắc các bệnh nghiêm trọng, đã đăng ký vào danh sách không yêu cầu hồi sức nếu tim hay phổi ngừng hoạt động.

Về động cơ gây án, Saldivar khai rằng cảm thấy tức giận khi những chăm sóc của mình là “vô ích” và không thể cứu sống bệnh nhân. Anh ta tin rằng mình là sứ giả của thần chết được gửi đến loài người.

Năm 2002, Saldivar bị kết tội giết người và cố ý giết người, tổng cộng chịu 6 án tù chung thân.

Theo Đặng Hương (VnExpress.net)