Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3/2014, đặc biệt là sau khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Moscow.
Các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Nga và cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng vào Nga, nhiều nước EU xem xét phương án từ bỏ dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ và nhiều quốc gia Liên minh châu Âu tuyên bố đóng băng tài sản của Moscow ở nước ngoài trị giá hàng trăm tỷ euro.
Tờ Financial Times của Anh mới đây đưa tin rằng, Nga đang lách nhập khẩu những loại hàng hóa mà nước này không thể mua được, do chúng nằm trong danh mục bị Liên minh châu Âu trừng phạt, dưới hình thức quá cảnh, ghi rõ người nhận hàng từ các quốc gia khác trong tờ khai hải quan.
Trang tin Strana.ua của Ukraine trích dẫn dữ liệu từ bài viết của tờ báo Anh cho biết, các tài liệu trong năm 2022 cho thấy, số hàng hóa đã đăng ký trị giá hơn một tỷ USD, được chuyển từ các nước EU đến Armenia, Kazakhstan và Kyrgyzstan, đã “biến mất” khi quá cảnh qua Nga.
Theo các nhà báo, hàng hóa từ các nước Liên minh châu Âu bị cấm nhập cảnh vào Nga, gồm các chủng loại như linh kiện hàng không, thiết bị quang học và tua-bin khí, được cho là đã được nhập vào nước này dưới chiêu bài quá cảnh do khai báo hải quan sai ghi điểm đến.
Tờ báo dẫn lời Bộ trưởng phụ trách lệnh trừng phạt của Estonia là Erki Kodar cho biết, số hàng hóa không thể đi đâu khác. “Tại sao các quốc gia này (các nước Liên Xô cũ) đột nhiên cần những hàng hóa này vào thời điểm đặc biệt này? Ai trong khu vực cần những hàng hóa này nhất?” – ông Erki Kodar đặt câu hỏi.
Ở chiều hướng ngược lại, Nga cũng chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc… và các nước châu Mỹ latin, để đối phó với các lệnh cấm vận và áp trần giá dầu của phương Tây.
Trong nhiều thập kỷ, Nga là nhà cung cấp dầu diesel chính cho châu Âu. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga, có hiệu lực từ ngày 05/2/2023, đã khiến dầu diesel của Nga không chỉ được chuyển hướng sang châu Á, châu Phi và Trung Đông mà còn ngày càng tăng sang châu Mỹ Latinh.
Tờ Reuters trích dẫn các nguồn thị trường và dữ liệu từ nền tảng phân tích tài chính Refinitiv Eikon cho biết, chỉ trong hơn 1 quý, từ tháng 1 đến tháng 4, Nga đã xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn dầu diesel sang các nước Mỹ Latinh, tăng hơn 7 lần so với cả năm 2022 (211.000 tấn).
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là lượng dầu xuất khẩu chủ yếu cung cấp cho Brazil, giúp dầu diesel Nga đánh chiếm thị phần dầu mỏ châu Mỹ của Hoa Kỳ, quốc gia trong truyền thống chiếm phần lớn lượng nhập khẩu dầu của quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoài ra, dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy, hai chuyến hàng được bốc vào tháng 4 tại cảng Primorsk ở Baltic của Nga với khoảng 73.000 tấn dầu diesel, có điểm đến là cảng Guayacan ở Chile, một nước nhập khẩu dầu truyền thống từ Mỹ.
Theo Hoàng Đức (Giáo dục & Thời đại)