1. Các y bác sĩ, đội ngũ y tế từ mọi miền đất nước tập hợp về hỗ trợ Vũ Hán
Ngay trong đêm giao thừa ngày 25/1, Đại học quân y Trùng Khánh đã cử ra 135 y bác sĩ chia thành 2 nhóm; bệnh viện Tây Nam và bệnh viện lục quân 958 lập thành 1 nhóm; bệnh viện Đại Bình và Tân Kiều 1 nhóm và nhanh chóng đến Hồ Bắc. Bên cạnh đó, nhóm bác sĩ cấp cứu và hô hấp từ các nơi khác như Thượng Hải, Tứ Xuyên cũng đã lần lượt được đưa đến Vũ Hán và những thành phố khác thuộc tỉnh Hồ Bắc.
Đến ngày 26/1, thêm một tốp bao gồm hơn 130 nhân viên y tế từ thành phố Trùng Khánh và 135 nhân viên y tế từ Phúc Kiến đã nhanh chóng di chuyển đến Vũ Hán và thành phố Hiếu Cảm của tỉnh Hồ Bắc để nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus corona.
Sang ngày 27/1, đội ngũ gồm 137 nhân viên y tế xuất phát từ tỉnh Hắc Long Giang xa xôi phía Bắc Trung Quốc cũng đã có mặt tại Vũ Hán. Và còn rất nhiều các y bác sĩ ở khắp đất nước vẫn đang sẵn sàng để lên đường góp sức cứu chữa cho người dân nơi tâm dịch.
2. Người Vũ Hán bất chấp nguy hiểm lái xe đưa người bệnh đến bệnh viện
Trong thời điểm Vũ Hán đang được xem là nơi nguy hiểm bậc nhất, người dân nơi đây thậm chí còn cố thủ trong nhà, không dám ra đường vì sợ lây nhiễm virus corona, cả thành phố vắng tanh không một bóng người suốt những ngày Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, Zhang Lin, 48 tuổi, một người con đất Vũ Hán đã không chịu ngồi im giương mắt nhìn những gì quê hương mình đang phải chịu đựng.
Dù không phải là nhân viên y tế hay thuộc các cấm chính quyền địa phương, Zhang Lin và nhiều người dân Vũ Hán khác nữa đã cùng nhau chung sức đưa các bệnh nhân nhiễm virus đến bệnh viện.
"Chúng tôi đến từ Vũ Hán và mặc dù có nhiều người vẫn đang ở đây để giúp đỡ chúng tôi, nhưng với tư cách là công dân của thành phố, chúng tôi cũng nên góp một phần sức của mình", anh Zhang Lin nói với các nhà báo của tờ AFP khi đang chờ đợi một bệnh nhân ra khỏi phòng khám để đưa người này về nhà.
Nhiều người lái xe cũng đồng ý giúp đỡ chở người bệnh đến bệnh viện và các cơ sở y tế miễn phí, trong tình trạng khan hiếm xe cộ tại tâm dịch trong thời điểm này.
3. Các nơi khác gửi lương thực, khẩu trang đến tiếp viện cho Vũ Hán
Từ những ngày đầu dịch bệnh bắt đầu bùng phát, trên MXH Weibo, cư dân mạng nước này đã sử dụng hashtag "Vũ Hán cố lên" để cổ vũ những người dân đang bị cô lập trong tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngoài ra, nhiều hành động thiết thực hơn cũng được thực hiện như: ủng hộ tiền bạc, kí tên tình nguyện đi vào vùng dịch và tiếp tế lương thực, khẩu trang cho những người lái taxi, cảnh sát...
Ngày 27/1, thành phố Oita, Nhật Bản còn gửi 30.000 chiếc khẩu trang được lưu trữ trong kho phòng chống thiên tai để quyên góp cho người dân ở Vũ Hán.
Các nhà máy sản xuất khẩu trang và thiết bị y tế làm việc không nghỉ để kịp cung cấp cho những khu vực đang có bệnh nhân nhiễm virus corona
4. Những người nổi tiếng, diễn viên, ca sĩ và cả người hâm mộ của họ cũng quyên góp ủng hộ vùng dịch
Trong cơn đại khủng hoảng này, dàn nghệ sĩ làng giải trí Hoa ngữ đã chung tay quyên góp số tiền lớn để phục vụ cộng đồng, tiếp sức cho ngành y tế đẩy lùi đại dịch. Những nghệ sĩ đầu tiên đứng ra tuyên bố quyên góp có thể kể đến vợ chồng Huỳnh Hiểu Minh - Angela Baby, Dương Mịch, Lưu Thi Thi, MC Tạ Na, Dương Tử, Cổ Thiên Lạc,... Đặc biệt tài tử Cổ Thiên Lạc quyên góp số tiền lên đến 10 triệu Tệ (35 tỷ đồng). Đây là một con số vô cùng ấn tượng và khiến cộng đồng mạng xuýt xoa, gửi lời cảm ơn tới anh.
Ngoài ra, sau khi nam ca sĩ/diễn viên Lộc Hàm đã quyên góp cho Vũ Hán thông qua quỹ từ thiện Hàn Hồng, các fan của anh còn quyên góp tiền và cả 50 xe thiết bị khử trùng bằng tia cực tím. Nhiều người hâm mộ của các nghệ sĩ khác cũng thể hiện tinh thần nhân ái bằng cách ủng hộ cho người dân Vũ Hán và nhân được nhiều lời khen ngợi.
5. Và những người vẫn đang trực tiếp chiến đấu ngay trong phòng điều trị từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát
Trong những ngày này, xứng đáng được tri ân nhất phải kể đến những y bác sĩ làm việc liên tục nhiều giờ liền trong các bệnh viện tại tâm dịch Vũ Hán. Theo tờ Xinhua (Tân hoa xã) đưa tin, các bác sĩ ở đây thậm chí còn phải đeo bỉm để đi vệ sinh ngay tại chỗ, vì họ không muốn mất thời giờ cho những việc cá nhân mà ưu tiên việc cứu chữa, phòng ngừa dịch bệnh lên hàng đầu.
Thậm chí, trước khi kịp có thêm các nhân viên y tế từ nhiều địa phương khác trên cả nước Trung Quốc đến hỗ trợ, họ đã phải làm việc đến mức trắng bệch cả bàn tay do tiếp xúc với chất khử trùng quá nhiều trong quá trình chiến đấu với virus corona.
Tại một bệnh viện ở Vũ Hán, các nữ y tá còn tình nguyện cắt phăng hết mái tóc dài của mình để giảm khả năng nhiễm trùng chéo khi chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây nên.
Theo Chan (Helino)