Gần đây, việc đưa các khí tài trinh sát tầm xa thế hệ mới vào biên chế đã giúp năng lực cảnh báo sớm của bộ đội phòng không - không quân và trinh sát kỹ thuật tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm những khí tài trinh sát ở cự ly siêu xa nhằm nắm chắc các tình huống trên không, trên biển để phòng tránh và đánh trả.
Vậy những khí tài trinh sát tầm siêu xa nào tỏ ra phù hợp để Việt Nam có thể cân nhắc trang bị?
1. Radar chống mục tiêu bay tàng hình Rezonans-N
Tổ hợp đài cảnh giới nhìn vòng cơ động mảng pha đồng bộ hóa cao Rezonans-N được thiết kế theo nguyên lý xử lý hiệu ứng cộng hưởng sóng dội ở băng sóng mét.
Hệ thống này dùng để giám sát không phận, xác định và tính toán chính xác tọa độ, tham số đường bay của nhiều loại mục tiêu bay đang và sẽ được đối phương triển khai, trong điều kiện chiến đấu bị chế áp điện tử và nhiễu địa vật mạnh.
Rezonans-N có thể phát hiện các loại phương tiện bay trên siêu âm trần cao và tầm xa, các loại tên lửa hành trình và tên lửa đường đạn có hệ số phản xạ điện từ thấp, các loại máy bay có tính năng tàng hình...
|
Tổ hợp Rezonans-N của Lực lượng Phòng không Nga ở trạng thái triển khai chiến đấu
|
Rezonans-N có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự lẫn dân sự như một thành phần của hệ thống chỉ huy phòng không đồng bộ hay không đồng bộ, hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa phi chiến lược khác.
Do vậy, nếu Việt Nam đầu tư thêm hệ thống này sẽ cho phép tăng đáng kể cự ly phát hiện các mục tiêu bay, kể cả máy bay tàng hình và tên lửa đất đối đất.
Thông số kỹ thuật cơ bản của radar Rezonans-N
- Băng sóng: mét
- Phạm vi cảnh giới: Cự ly (km): 10 - 1.100; Độ cao (km): tới 100; Phương vị (độ): 360; Góc tà (độ): 1,5 - 80.
- Sai số định vị tọa độ mục tiêu, tối thiểu: Cự ly (m): 300; Góc tà (độ): 1,5; Phương vị (độ): 1,5; Tốc độ (mét/s): 1 - 1,5.
- Chu kỳ quét (giây): 1 - 10; Số mục tiêu có thể bám sát cùng lúc (mục tiêu): tới 500; Thời gian giữa 2 lần phát sinh sự cố (giờ): 1.500.
2. Tổ hợp trinh sát điện tử tầm siêu xa SDD
Tổ hợp SDD phát triển bởi công ty RAMET A.S. (Cộng hòa Séc) được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát chiến lược tầm siêu xa.
SDD chủ yếu dùng để phát hiện, giám sát các mục tiêu trên biển và trên mặt đất, hoạt động theo nguyên tắc thụ động, đáp ứng được yêu cầu “nhìn thấy mà không bị phát hiện”.
Tổ hợp này có độ nhạy cao, sử dụng phương pháp vi sai thời gian lan truyền của sóng điện từ từ nguồn bức xạ đến các đài thu (TDOA).
|
Tổ hợp SDD trong biên chế tiểu đoàn Trinh sát thụ động số 531 của Cộng hòa Séc ở trạng thái triển khai chiến đấu |
SDD chuyên thu các tín hiệu điện từ ở tầng đối lưu, trong mọi phương vị (360 độ) nhằm tìm kiếm, phát hiện, phân tích và định vị chính xác các mục tiêu từ ngoài đường chân trời ở cự ly lên tới 700 km.
Dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn về nhiều loại mục tiêu là máy bay, tàu mặt nước (tàu sân bay, tàu chiến, tàu vận tải quân sự…) hay mục tiêu trên mặt đất đang di chuyển với tốc độ chậm để so sánh, phân loại và hiển thị các tham số trên bản đồ số.
Từ đó cung cấp tin tình báo về hoạt động của đối phương (tới 200 mục tiêu) trong thời gian thực tới các trung tâm chỉ huy cũng như các đơn vị hỏa lực (tên lửa bờ, tàu mặt nước đang làm nhiệm vụ) để phòng tránh hoặc lựa chọn phương án tiếp cận, chuyển cấp diệt địch.
SDD cũng có thể tích hợp hoặc phối hợp cùng các khí trinh sát điện tử thụ động khác (như Vera-NG hay Kolchuga-M) để cùng sục sạo, kiểm tra chéo, nhằm tăng xác suất phát hiện tọa độ mục tiêu.
SDD có nhiều biến thể, nhưng đáng chú ý là bản cơ động có khả năng triển khai, thu hồi nhanh trên nhiều địa hình phức tạp nhờ toàn bộ tổ hợp gồm trung tâm xử lý, chỉ huy đặt trên khung gầm xe tải việt dã 4x4 (Tatra hoặc Kamaz) và đài thu đặt trên rơ-moóc.
|
Tổ hợp SDD trong biên chế tiểu đoàn Trinh sát thụ động số 531 của Cộng hòa Séc ở trạng thái hành quân |
Trong tương lai, nhu cầu về các tổ hợp trinh sát thụ động tầm siêu xa như SDD là hết sức cần thiết.
Nguyên nhân do nước ta có vùng biển rộng, giàu tài nguyên, trong khi đó các quốc gia khu vực đang nhanh chóng xây dựng, phát triển lực lượng tàu mặt nước hiện đại và tranh chấp trên biển Đông ngày càng căng thẳng, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang cục bộ.
Nếu trang bị cho hải quân thì chỉ cần 2 - 3 tổ hợp SDD bố trí dọc bờ biển, Việt Nam sẽ hoàn toàn đủ sức theo dõi mọi động thái của đối phương từ ngoài khơi xa để có biện pháp đối phó thích hợp.
Tính năng kỹ chiến thuật cơ bản của tổ hợp trinh sát điện tử SDD
- Tự động dò tìm, phát hiện các hướng tín hiệu đến, định vị và phân tích kiểu loại mục tiêu kèm các thông số kỹ thuật của nó.
- Hiển thị tình huống trên không, trên biển hay mặt đất dạng đồ họa, tích hợp bản đồ số kèm đầy đủ tham số của mục tiêu.
- Hoạt động ổn định, tin cậy. Nhờ thiết kế dạng module giúp dễ dàng mở rộng, nâng cấp hoặc sửa chữa khi phát sinh sự cố.
- Có thể dùng nguồn điện lưới hoặc hệ thống phát điện cơ hữu kèm theo.
- Tự động kiểm tra các chức năng cơ bản trong quá trình vận hành.
Theo Tuấn Sơn (Dailo.vn)