"Hồng Kông, rốt cuộc, thuộc về Trung Quốc"
Tian Feilong, sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình tại Hồng Kông vào năm 2014, ngày càng tin vào các cảnh báo của Chính phủ Trung Quốc rằng sự tự do khi đi quá xa sẽ có thể đe dọa đến lợi ích quốc gia.
6 năm sau, Tian Feilong đã trở thành một trong những người chỉ trích mạnh mẽ hoạt động biểu tình ở Hồng Kông và tiếp tục đứng lên bảo vệ quan điểm của đạo luật an ninh mà Bắc Kinh đã áp dụng đối với đặc khu.
Ông Feilong cùng với một loạt các học giả Trung Quốc khác đã phản bác các ý tưởng về tự do của phương Tây từng len lỏi trong các trường đại học Trung Quốc, và thay vào đó là ủng hộ quan điểm cứng rắn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Khi tôi còn yếu, có thể tôi sẽ phải tuân thủ theo luật chơi của anh. Nhưng khi tôi đã mạnh và tự tin hơn, tại sao tôi không thể tự tạo ra luật chơi với những giá trị và ý tưởng của mình?", Feilong nói trong một bài phỏng vấn và giải thích về những chiến lược mới của Trung Quốc. Khi đã chứng kiến tận mắt những gì đã diễn ra ở Hồng Kông vào năm 2014, Feilong cho rằng ông đã "suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa tự do cá nhân và thẩm quyền của nhà nước".
"Hồng Kông, rốt cuộc, thuộc về Trung Quốc", Feilong nói.
Kể từ khi Trung Quốc thông qua đạo luật an ninh vào cuối tháng 6, Feilong cùng nhiều nhà học giả đã bảo vệ quan điểm của Trung Quốc trong nhiều bài nghiên cứu, phỏng vấn hay hội thảo. Và tới đây, theo Feilong, họ sẽ tiếp tục thảo luận về mối quan hệ đi xuống với Mỹ. "Chúng ta phải chọn lựa sẽ đứng về phe nào. Mục đích không phải là phương tây hóa, mà là sự hồi sinh vĩ đại của Trung Quốc", ông nhấn mạnh.
Feilong chỉ là một trong những học giả trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong nhiều vấn đề, bao gồm việc áp dụng luật an ninh đối với Hồng Kông.
Những người bảo vệ Trung Quốc
Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã bồi dưỡng một lực lượng học giả sẵn sàng lên tiếng để bảo vệ quan điểm của chính phủ.
Những học giả này tự nhận họ là người bảo vệ Trung Quốc trong thời kỳ thế giới ngày càng chia rẽ sâu sắc về tư tưởng và quan điểm. Họ coi Mỹ như một đối đe doạ nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Họ cho rằng Trung Quốc cần phải trở lại vị thế cường quốc thế giới, kể cả thay thế Mỹ ở vị trí lãnh đạo toàn cầu.
Đối với vấn đề Hồng Kông, các học giả này tiếp tục ủng hộ quan điểm thúc đẩy việc Bắc Kinh duy trì sự kiểm soát lớn hơn đối với Hồng Kông và đưa vấn đề này vào trong các cuộc thảo luận về chính sách.
Một số các học giả này đã tham gia vào quá trình hoạch định chính sách cho Hồng Kông. Họ cho rằng, quy chế hiện nay của đặc khu được hình thành từ những năm 1980, khi Trung Quốc vẫn còn yếu so với các quốc gia phương tây.
Điều này đã khiến Trung Quốc phải đưa ra những biện pháp cứng rắn, bao gồm luật an ninh nhằm duy trì sự kiểm soát với đặc khu này.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007, cũng như việc nước Mỹ hiện đang chật vật đối mặt với đại dịch Covid-19, đã khiến nhiều học giả Trung Quốc càng ủng hộ quan điểm rằng các nước phương Tây ngày càng đi xuống, trong khi Trung Quốc ngày càng thịnh vượng.
"Trung Quốc thực chất đang đi con đường của nước Mỹ, đó là tận dụng cơ hội nhằm phát triển và tạo dựng một thế giới mới", Feilong nói. "Thậm chí đang có nhiều kì vọng Trung Quốc sẽ sớm thay thế phương Tây lãnh đạo thế giới trong 30 năm tới".
Theo Minh Khôi (Tổ Quốc)