Vào khoảng năm 2005, một người đàn ông khoảng 40 tuổi sống ở tỉnh Osaka, phía Nam Nhật Bản nhận được một cuộc điện thoại với giọng vô cùng hoảng hốt từ cha mình.
“Có điều gì đó không ổn với mẹ của con,” người cha nói. Khi người đàn ông đến thăm nhà bố mẹ đẻ cùng chị gái và anh trai, cha họ đã mở cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng. Bên trong ghi chi tiết các khoản tiền của gia đình gồm chi tiêu, tiết kiệm... tổng là hơn 60 triệu yên (hơn 10.3 tỷ đồng) đã biến mất.
“Mẹ tôi là người sống nghiêm túc và không phải là người thích xa hoa. Tôi nghĩ ai đó có thể đang lừa dối mẹ”, người đàn ông nghĩ. Khi kiểm tra tủ quần áo và kệ đồ, anh tìm thấy một loạt các món đồ, từ sách kinhvà hình ảnh của cặp vợ chồng sáng lập một nhóm tôn giáo cho đến những chiếc lọ và những viên đá giống như ngọc. Các vật phẩm này là của Giáo hội Thống nhất, hiện nay chính thức được gọi là Liên đoàn Gia đình vì Hòa bình và Thống nhất Thế giới.
Khi người đàn ông hỏi mẹ về những món đồ trên, bà chỉ khẳng định: “Những việc mẹ làm là vì gia đình”. Sau đó, từng chút một, bà cũng kể ra đầu đuôi câu chuyện.
Người phụ nữ này trở thành tín đồ của Giáo hội Thống nhất vào khoảng cuối những năm 1990 đến năm 2000. Một tín đồ khác nói với bà rằng: “Gia đình của bà sẽ không hiểu được mọi việc. Nếu bà muốn bảo vệ họ, bà sẽ phải đưa ra quyết định của mình.” Đó là lúc người phụ nữ bắt đầu quyên góp tiền cho giáo hội mà không hề tiết lộ cho bất cứ ai trong nhà. Chồng bà, một bác sĩ, luôn bận rộn với công việc và không hề biết chuyện gì đang xảy ra.
Mẹ của người đàn ông đã gặp rắc rối vì sức khỏe của bà kể từ khi các con còn nhà tham gia một nhóm sinh hoạt vào sáng sớm. Tuy nhiên, khi sức khỏe yếu đi và không thể tham gia, bà bị nhiều người chỉ trích rằng "chưa đủ cố gắng" và loại bà ra khỏi nhóm.
Không muốn gia đình phải lo lắng, người phụ nữ quyết định giữ im lặng. Thời gian sau đó, khi bản thân cảm thấy cô đơn, bà được một tín đồ của Giáo hội Thống nhất tiếp xúc và gợi ý gia nhập. Người phụ nữ đặt hoàn toàn niềm tin vào tín đồ đó, người có thể lắng nghe bà tâm sự hàng giờ trong nước mắt, dần dần, càng lúc bà càng trở nên phụ thuộc vào họ.
Khoảng năm 2006, một năm sau khi chồng bà nhận thấy số tiền tiết kiệm của gia đình đã dần biến mất, gia đình đã hỏi ý kiến mục sư của một nhà thờ, người thường tổ chức cuộc họp hàng tháng với khẩu hiệu "Cuộc họp Kobe để đối phó với Giáo hội Thống nhất". Người vợ lúc này bắt đầu được tư vấn để rời khỏi Giáo hội Thống nhất.
Khoảng một năm rưỡi sau, người phụ nữ đã xin lỗi gia đình vì những rắc rối mà bà đã gây ra, đồng thời cắt đứt mọi liên lạc với Giáo hội Thống nhất. Người đàn ông và các thành viên khác trong gia đình cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Mạng lưới luật sư quốc gia chống lại việc kinh doanh tâm linh, và họ đã thu lại được một số tiền mà bà đã từng quyên góp.
Tetsuya Yamagami, người đàn ông bị bắt vì tình nghi ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào ngày 8/7, cũng từng chứng kiến mẹ mình trở thành tín đồ của Giáo hội Thống nhất khoảng 30 năm trước, và gia đình rơi vào cảnh túng quẫn sau khi bà quyên góp ít nhất là 100 triệu yên. (hơn 17 tỷ đồng) cho giáo hội. Cảnh sát tỉnh Nara tin rằng Yamagami đã vô cùng phẫn nộ với Giáo hội nên đã lên kế hoạch ám sát Cựu Thủ tướng Abe sau khi biết rằng cựu thủ tướng đã gửi một tin nhắn video tới một tổ chức có liên hệ chặt chẽ với nhóm tôn giáo này.
Trong khi chỉ trích hành động của nghi phạm ám sát, người đàn ông đến từ Osaka cũng bày tỏ cảm xúc lẫn lộn của mình: “Tôi cảm thấy thất vọng khi một nhân vật có quyền lực lại cống hiến cho một nhóm có quan hệ với Giáo hội Thống nhất, một tổ chức tôn giáo đã lợi dụng lòng tin của mẹ tôi cũng như nhiều thành viên khác.” Ông nói thêm, "Tội ác gần đây là lời cảnh tỉnh để suy nghĩ nhiều hơn về việc trấn áp các dịch vụ kinh doanh tâm linh và sự dính líu của các chính trị gia với tôn giáo".
Atsuyoshi Ojima, 68 tuổi, người tổ chức các cuộc gặp ở Kobe nhằm chống lại Giáo hội Thống nhất và giúp mẹ của người đàn ông rời nhóm, nhận xét, "Có một bước nhảy cóc về logic của nghi phạm từ mối căm hận giáo phái này sang vụ ám sát Abe. Nhưng có thể anh ta đã bị đẩy vào đường cùng. Giá như lúc đó có một nhà thờ Thiên chúa hoặc một hiệp hội luật sư nào đó hỗ trợ anh ta một chút ”.
Giáo hội Thống nhất được mục sư Sun Myung Moon thành lập năm 1954, với giáo lý dựa trên Kinh thánh nhưng với cách diễn giải mới. Giáo hội Thống nhất thường được gọi là "Moonies" hoạt động tại 194 quốc gia trên thế giới, nổi tiếng với việc tổ chức đám cưới tập thể cho các hội viên với nhau.
Tại Nhật Bản, Mạng lưới Luật sư Quốc gia chống Kinh doanh tâm linh cho biết, Giáo hội Thống nhất đã thu tiền từ các tín đồ thông qua các "chiến thuật kinh doanh tâm linh". Trong khoảng 35 năm tính đến cuối năm 2021, Mạng lưới Luật sư đã nhận được 34.537 đề nghị được giúp đỡ liên quan đến các tín đồ của Giáo hội bị thiệt hại tiền bạc, lên đến khoảng 123,7 tỷ yên (902 triệu USD).
Giáo hội Thống Nhất từng tuyên bố có từ 5 triệu – 7 triệu tín đồ trên toàn thế giới, mặc dù một số cựu tín đồ và một số nhà phê bình giáo hội cho rằng con số này chỉ là 100.000 tín đồ, và thường thu hút được sự chú ý của các phương tiện truyền thông khi tổ chức đám cưới tập thể cho các hội viên đôi khi lên tới hàng ngàn người với nhau do Sun Myung Moon và vợ chủ trì.
QT (Nguoiduatin.vn)