Những đứa trẻ sống mòn trong các nhà tù Philippines

24/05/2019 21:43:17

46 bé trai và bé gái ở Ngôi nhà Hy vọng nằm trong số hàng nghìn trẻ em Philippines đang bị giam giữ như tù nhân tại các trại cải tạo tồi tàn.

Những đứa trẻ sống mòn trong các nhà tù Philippines
Có 46 bé trai và bé gái đang bị giam tại Ngôi nhà Hy vọng. Ảnh: Preda

Trung tâm Bahay Pag-Asa ở thành phố Pasay, thuộc Vùng đô thị Manila, được thành lập với mục tiêu là duy trì hệ thống phúc lợi và tư pháp cho trẻ vị thành niên Philippines. Nó được đặt tên là Ngôi nhà Hy vọng và được kỳ vọng là nơi cải tạo những tội phạm vị thành niên, đồng thời chăm sóc những trẻ em không nơi nương tựa. Tuy nhiên, trên thực tế, công trình dột nát này là một nhà tù dành cho trẻ em, phần đa là bị bắt bớ tùy tiện và giam giữ trong điều kiện tồi tệ suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. 

Nằm sau Tòa thị chính thành phố Pasay, liền kề với một nhà tù cũ dành cho người lớn, Ngôi nhà Hy vọng bị xem là biểu tượng cho hệ thống thực thi luật pháp đã đổ vỡ của của Philippines. Nó cũng hé lộ về số phận của hàng nghìn trẻ em nước này khi thượng viện dự kiến thông qua dự luật giảm số tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 15 xuống còn 12.

Bên trong những bức tường của Ngôi nhà Hy vọng là 46 bé trai và bé gái từ 12 đến 17 tuổi. Một trong ba bé gái đang mang thai và mới 15 tuổi. Một trong những cậu bé bị bắt năm 13 tuổi vì dùng ma túy và đã chờ xét xử hơn một năm.

43 cậu bé bị nhốt trong 3 căn phòng, sau những cánh cửa khóa chặt và phên sắt, nóng nảy, ngột ngạt và bẩn thỉu. Phòng giam lớn nhất dài 6 m, rộng 4 m, có một nhà vệ sinh và một thùng nước. Một chiếc quạt điện kêu phành phạch dưới ánh đèn neon lờ mờ. Khoảng 6 tấm đệm vấy bẩn, rách rưới xếp chồng lên nhau sát bức tường bong tróc. Ngoài ra, căn phòng không có vật dụng gì khác. 

Rất ít trẻ em ở đây học quá tiểu học, vài em nói được tiếng Anh nhưng nổi bật giữa bối cảnh này là một dòng chữ graffiti chửi rủa nền luật pháp bằng ngoại ngữ. Theo luật, trẻ em dưới 15 tuổi sẽ không bị giam giữ, trừ khi phạm trọng tội. Tại Ngôi nhà Hy vọng, một số em phạm tội nặng nhưng số khác chỉ phạm tội nhẹ như trộm cắp vặt. Một số bị gia đình bỏ rơi, số khác bị đưa vào nhầm chỗ.

"Chúng tôi có một nền văn hóa trừng phạt và nhìn trẻ em đường phố là như những kẻ trộm, những tên tội phạm", Louise Suamen, điều phối viên của Bahay Tuluyan, một tổ chức phi chính phủ bảo vệ trẻ em đường phố ở Manila, nói. "Chúng tôi không muốn nhìn thấy chúng, vì thế chúng tôi đã đưa chúng đi".

Những đứa trẻ sống mòn trong các nhà tù Philippines - 1
Hai bé gái bị giam ở trung tâm Ngôi nhà Hy vọng. Ảnh: Preda

Dù không có dữ liệu cụ thể, các nhóm bảo vệ trẻ em cho rằng có hàng nghìn đứa trẻ Philippines đang bị giam giữ trong khoảng 60 Ngôi nhà Hy vọng như trên. Một cuộc khảo sát năm 2018 phát hiện có 400 trẻ em bị giam trong các nhà tù dành cho người lớn chật chội và bạo lực.

"Những đứa trẻ này nghèo nhất trong số những người nghèo", Francis Bermido, phó chủ tịch Preda, tổ chức phi chính phủ điều hành các trung tâm giáo dưỡng dành cho những trẻ em được giải cứu khỏi nhà tù, nói. "Hầu hết chúng biết cha mẹ mình là ai nhưng chúng bị bạc đãi hoặc bỏ rơi. Nhiều em trở thành trẻ lang thang vì thực sự việc sống trên đường phố còn tốt hơn đối với chúng".

Zyihone chưa đầy 12 tuổi lúc bị một đội cảnh sát tuần tra tóm cổ khi đang thực thi lệnh giới nghiêm không chính thức vào 21h. Cậu bé trông chỉ như 8 hoặc 9 tuổi, nói lí nhí và tránh nhìn thẳng khi ngập ngừng kể lại câu chuyện của mình.

Mẹ của Zyihone đang làm giúp việc tại Kuwait, còn cha em là một người lái phà làm việc ít nhất 14 giờ một ngày, thi thoảng uống rượu và đánh đập con. Trước khi bỏ học vào năm 11 tuổi, cậu bé đến trường 4 tiếng một ngày, thời gian còn lại dành để chăm sóc cho em trai 7 tuổi.

"Cháu đang chơi với một người bạn thì đội tuần tra nhìn thấy", Zyihone kể. "Họ ném chúng cháu lên một chiếc xe và bắt hai đứa trẻ khác trước khi đưa chúng cháu đến Bahay Pag-Asa (Ngôi nhà Hy vọng). Cháu bị nhốt vào một phòng giam với những anh lớn hơn và thường xuyên bị họ bắt nạt, đánh đập. Cháu rất ghét ở đó".

Hai tháng sau, cha của Zyihone mới đến nhận con nhưng cậu bé đã không quay về nhà mà sống cùng gia đình một người bạn. Zyihone sau đó bị bắt lại vì trộm tiền và tiếp tục bị đưa vào Ngôi nhà Hy vọng trước khi Preda đưa về chăm sóc. Tuy nhiên, tổ chức này chỉ đủ khả năng chăm sóc khoảng 100 trẻ em một lần. Zyihone đã sống ở Preda 7 tháng và tương lai của cậu bé vẫn chưa rõ ra sao.

Unicef và các tổ chức khác đã công bố chi tiết những khó khăn mà phần lớn trong số khoảng 40 triệu trẻ vị thành niên Philippines phải đối mặt. Một báo cáo của Unicef vào năm ngoái cho thấy cứ ba trẻ em Philippines thì có một em sống trong đói nghèo và một phần ba bị còi cọc vì suy dinh dưỡng. Chỉ 70% trẻ em được học trung học và rất ít em học lên đại học. Ít nhất 3 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-15 không được đến trường.

80% trẻ em Philippines bị bạo hành về thể chất, trong khi một phần 5 trẻ từ 13 đến 18 tuổi là nạn nhân của bạo lực tình dục mà thủ phạm là các thành viên trong gia đình. Theo quy định, quan hệ tình dục với trẻ dưới 12 tuổi mới được xem là cưỡng hiếp. Philippines cũng là một trong những nhà sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm trẻ em lớn nhất thế giới và Unicef cho hay đại dịch HIV đang ảnh hưởng không nhỏ đến trẻ em nước này.

Theo ông Bermido, việc áp dụng luật bảo vệ trẻ em ở Philippines hầu như bằng không và ông lo ngại rằng tình hình càng trở nên trầm trọng hơn trước cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte. Hồi tháng 10/2018, Mạng lưới Quyền Trẻ em, một liên minh các tổ chức và cơ quan thúc đẩy luật trẻ em của Philippines, đã ra thông cáo mô tả chi tiết tình trẻ lạm dụng trẻ em do chiến dịch chống ma túy của ông Duterte gây ra, trong đó có tấn công, cưỡng hiếp và sát hại.

Thông cáo cho biết ít nhất 74 trẻ em đã bị sát hại trong các chiến dịch của cảnh sát liên quan đến ma túy, hơn 32.000 trẻ em trở thành mồ côi vì hoạt động này và gần nửa triệu trẻ có cha mẹ bị kết án tù vì các cáo buộc liên quan tới ma túy.

Những đứa trẻ sống mòn trong các nhà tù Philippines - 2
Các nhà hoạt động biểu tình phản đối việc giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ em tại Philippines.

Động thái giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự được đưa ra theo lập luận rằng những tay buôn ma túy đang dùng trẻ em làm người vận chuyển hàng cấm. Tuy nhiên, các thống kê của chính phủ cho thấy sự lo ngại về tội phạm trẻ em đang bị thổi phồng.

Theo số liệu của Cục Thống kê Philippines, số lượng tội phạm được ghi nhận giảm dần trong ba năm trước khi ông Duterte đắc cử vào 2016. Trong khi đó, Hội đồng Phúc lợi và Tư pháp Trẻ vị thành niên cho biết có chưa đến 2% số vụ phạm tội là do trẻ em thực hiện và một nửa trong số này liên quan đến trộm cắp. Chưa đến 5% số vụ phạm tội của trẻ em có liên quan đến ma túy. 

"Đây là một sự thất bại của thực thi pháp luật", ông Bermindo nói. "Nó cho thấy cảnh sát và hệ thống tư pháp yếu kém thế nào. Họ không thể bắt giữ những tội phạm thật sự, vì thế thay vào đó họ bám đuổi những đứa trẻ".

Những người ủng hộ quyền trẻ em lo ngại việc giảm tuổi chịu trách nhiệm hình sự sẽ chỉ càng thúc đẩy các trùm ma túy lợi dụng trẻ em làm tay sai. Điều này sẽ dẫn những đứa trẻ vào mối nguy hiểm đến tính mạng, ít nhất là sẽ đưa các em vào Ngôi nhà Hy vọng nếu bị bắt. 

Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)

Nổi bật