Những 'đứa trẻ' mãi không trưởng thành ở Nhật Bản: Cái giá phải trả của những cha mẹ bao bọc con cả đời, đến chết cũng không thể nhắm mắt xuôi tay

14/09/2019 07:27:13

Việc những ông bố bà mẹ ở cái tuổi gần đất xa trời vẫn phải còng lưng nuôi con đã trưởng thành từ miếng ăn giấc ngủ gây ra những hệ lụy đau lòng, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Một người đàn ông 53 tuổi ở tỉnh Aichi hiếm khi ra khỏi nhà và những bữa ăn hàng ngày đều do chính tay người mẹ già của ông nấu cho con mình. Người đàn ông ấy không bao giờ bước chân ra khỏi cửa vào ban ngày để tránh hàng xóm nhìn thấy mà sẽ chỉ đi ra ngoài bằng xe hơi vào ban đêm, đến một cửa hàng tiện lợi ở xa để mua sắm.

Ông chính là trường hợp điển hình của hiện tượng hikikomori, một người ẩn dật trong xã hội, ở trong nhà nhiều năm trời. Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa hikikomori là một lối sống mà trong đó một người "không đi làm hay đi học, hiếm khi tương tác với người ngoài, trừ các thành viên trong gia đình và ở nhà liên tục trong 6 tháng hoặc lâu hơn".

Còn trong Từ điển tiếng Anh Oxford, hikikomori được định nghĩa là "sự né tránh bất thường trong tiếp xúc xã hội, điển hình là nam thanh niên". Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Văn phòng Nội các Nhật Bản bốn năm trước cho thấy ước tính có khoảng 541.000 người trong khoảng từ 15 tuổi đến 39 tuổi là hikikomori .

Nhưng một cuộc khảo sát tương tự của Văn phòng Nội các cho thấy một sự thật gây sốc khác: Ước tính có khoảng 613.000 người trong độ tuổi từ 40 - 64 tuổi cũng có lối sống hikikomori, trong đó 75% là nam giới. Con số này còn lớn hơn nhiều so với số lượng hikikomori trong độ tuổi từ 15 đến 39 tuổi.

Những 'đứa trẻ' mãi không trưởng thành ở Nhật Bản: Cái giá phải trả của những cha mẹ bao bọc con cả đời, đến chết cũng không thể nhắm mắt xuôi tay
Nhiều người trung niên cũng đang trở thành những hikikomori.

Kết quả khảo sát trên được công bố vào ngày 29/3 vừa qua và cũng là lần đầu tiên, cuộc khảo sát toàn quốc về hikikomori được thực hiện ở những người trên 40 tuổi. Koichi Kitakaze, giám đốc Chính sách Thanh niên của Văn phòng Nội các, người đã phân tích dữ liệu khảo sát, nói rằng con số đã vượt xa dự đoán của Chính phủ.

"Bây giờ chúng ta biết rằng hikikomori không phải là một hiện tượng dành riêng cho giới trẻ", ông Koichi Kitakaze nói.

Kết quả điều tra đã phản ánh phần nào thực trạng đáng lo ngại của một quốc gia đang ngày càng già hóa, dẫn đến việc tình trạng hikikomori cũng "lão hóa" theo những người mắc phải nó. Ngoài ra, trong cuộc khảo sát này, khi được hỏi về vấn đề người nào sẽ cung cấp thu nhập chính cho những hikikomori lớn tuổi, 34,1% trả lời rằng "cả cha lẫn mẹ" của họ sẽ nuôi họ mỗi ngày.

Vấn đề này được gói gọn bằng con số "8050", có nghĩa là những cha mẹ già ở độ tuổi 80 buộc phải chăm sóc "những đứa trẻ chưa chịu lớn" ở độ tuổi 50. Nó đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Khi những người hikikomori ngày một sống lâu hơn, cha mẹ họ sẽ ngày một già đi, cuộc sống buộc phải duy trì bằng tiền lương hưu hay tiết kiệm của họ. Điều này đã khiến các hộ gia đình hikikomori ngày càng bị cô lập khỏi xã hội, sống trong cảnh nghèo đói.

Morito Ishizaki, tổng biên tập của một tờ tạp chí chuyên xuất bản những câu chuyện đáng suy ngẫm về hikikomori cho hay: "Các hikikomori trẻ vẫn tin rằng họ có thể tái hòa nhập với xã hội. Tuy nhiên, một khi đạt đến ngưỡng tuổi 50, họ sẽ hoàn toàn mất hy vọng".

Những 'đứa trẻ' mãi không trưởng thành ở Nhật Bản: Cái giá phải trả của những cha mẹ bao bọc con cả đời, đến chết cũng không thể nhắm mắt xuôi tay - 1
Một căn phòng bừa bộn điển hình của hikikomori.

Từ đó nảy sinh ra một vấn đề là khi cha mẹ già yếu lần lượt chết đi, những người con không chịu trưởng thành của họ sẽ ra sao? Ông Kenji Yamase, 53 tuổi, sống ở Tokyo, không có việc làm và ở trong nhà cả ngày. Ông Kenji Yamase được gọi là một hikikomori có "tuổi đời" khoảng 30 năm, kể từ khi ông rời ghế trường đại học cho đến nay.

"Mẹ tôi đã gần 90 tuổi. Bà ấy luôn là người chăm sóc tôi. Nếu mẹ tôi qua đời, chắc chắn cuộc sống của tôi sẽ rất khó khăn. Tôi luôn nghĩ mình sẽ chết ngay sau khi mẹ qua đời", ông Kenji Yamase bày tỏ sự lo lắng cho tương lai sắp tới.

Được biết, cha của ông Yamase đã chết cách đây 9 năm và hiện ông đang sống với người mẹ 87 tuổi mà không kết hôn hay có con cái gì. Yamase bị rối loạn phát triển, sau khi bỏ học, Yamase đã thử nhiều công việc khác nhau nhưng đều cảm thấy không phù hợp. Giờ đây, hai mẹ con ông sống nhờ vào số tiền tiết kiệm và tiền mà mẹ ông cho thuê nhà trọ.

Yamase hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ già yếu của mình từ các nhu cầu cơ bản như ăn uống, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Người đàn ông 53 tuổi này thừa nhận rằng mình thật may mắn khi mẹ ông vẫn có sức khỏe tốt. Yamase cho hay có lẽ ông sẽ không thể chăm sóc được mẹ giống như cách mà bà làm với ông. Nếu như mẹ ông qua đời, Yamase sẽ không biết phải xử lý các thủ tục cần thiết như thế nào.

Ở vùng Tokai, một bà mẹ 77 tuổi của một hikikomori đã than thở rằng: "Tôi không biết mình sẽ phải bao bọc con trai đến bao giờ? Tôi chắc chắn sẽ già đi".

Những 'đứa trẻ' mãi không trưởng thành ở Nhật Bản: Cái giá phải trả của những cha mẹ bao bọc con cả đời, đến chết cũng không thể nhắm mắt xuôi tay - 2

Kể từ khi chồng mất cách đây 18 năm, cụ bà giờ đây đang sống với người con trai 53 tuổi. Người đàn ông trước đây làm việc cho một công ty sản xuất, nhưng ở tuổi 30, ông phải nhập viện vì bệnh tâm thần. Từ đó, người đàn ông bỏ việc và trở thành một hikikomori. Người mẹ già làm hết mọi thứ từ dọn dẹp đến mua sắm cho con trai. Con của bà không bao giờ dọn phòng riêng hay vứt rác của mình. Ông này cũng hiếm khi đến tiệm cắt tóc, không hề quan tâm đến vẻ ngoại hình của mình.

Người mẹ già phải lái xe đưa con trai đi kiểm tra định kỳ tại một phòng khám y tế. Tuy nhiên, tuổi càng cao khiến bà càng lo lắng khi nghĩ đến việc không thể tiếp tục lái xe đưa con mình đi khám được nữa. Thu nhập chính của hai mẹ con lấy từ tiền trợ cấp của chính phủ và tiền cho thuê nhà từ tài sản thừa kế.

"Con tôi thích chơi cờ vây và xem điện thoại di động. Nó không có kế hoạch gì cho tương lai nếu như tôi chết. Tôi luôn muốn hỏi con về điều đó nhưng ngay khi tôi bắt đầu nói về chuyện đó, nó đã tức giận và không bao giờ lắng nghe", người mẹ cho hay.

Hệ lụy có thể nhìn thấy rõ nhất và nó đang diễn ra trong xã hội Nhật Bản đó là những người con hikikomori sống chung với thi thể của cha mẹ già sau khi họ qua đời vì không biết phải xử lý như thế nào. Vào tháng 11/2018, cảnh sát đã bắt giữ một hikikomori nam 49 tuổi sống ở phường Kanazawa của thành phố Yokohama vì để thi thể của người mẹ quá cố ở trong nhà không đem đi mai táng. Các nhà điều tra cho hay, người mẹ 76 tuổi của ông này đã qua đời vào khoảng giữa tháng 10.

Những 'đứa trẻ' mãi không trưởng thành ở Nhật Bản: Cái giá phải trả của những cha mẹ bao bọc con cả đời, đến chết cũng không thể nhắm mắt xuôi tay - 3
Nhiều hikikomori không biết xử lý ra sao khi cha mẹ qua đời.

Cụ bà sống với người con trai đang thất nghiệp, gần như không có khả năng nói chuyện với người khác, thay vào đó là ghi ra giấy dòng chữ "tôi không thể làm bất cứ điều gì sau khi mẹ tôi qua đời. Vì vậy tôi quyết định đợi đến khi nào có người khác giúp đỡ". Thi thể của người mẹ không có vết thương nào và bà qua đời hoàn toàn tự nhiên. Chỉ đáng buồn thay, ngay cả đến khi chết đi, bà cũng không thể nào nhắm mắt xuôi tay vì người con trai của mình không biết làm gì để sinh tồn.

Vào tháng 8 vừa qua, Nhật Bản tiếp tục chấn động trước vụ việc một người đàn ông 46 tuổi sống cùng xác chết của người mẹ 83 tuổi hơn một năm trời. Theo đó, cụ bà Satoe Tanaka đã qua đời vào tháng 7 năm ngoái. Trước khi qua đời, cụ sống với người con trai duy nhất của mình là ông Hisataka. Ông này là một hikikomori, thất nghiệp, phải sống nhờ tiền trợ cấp và sự bao bọc của người mẹ già. Do đó, sau khi cụ Satoe qua đời, ông đã không biết phải xử lý tình huống ấy như thế nào. Chính vì vậy, ông đã để xác mẹ mình ở trong nhà.

Các nhóm hỗ trợ cho những người mắc hội chứng hikikomori và các thành viên gia đình của họ từ lâu đã kêu gọi chính quyền cần nhận thức đúng vấn đề khủng hoảng này và xem xét một cách sâu sát hơn về tình trạng lão hóa của các hikikomori. Họ cũng khuyến nghị rằng mạng lưới an sinh xã hội dành cho các đối tượng xã hội trung niên cần được mở rộng.

Masatoshi Ito, người đại diện cho KHJ, một tổ chức hỗ trợ toàn quốc cho các gia đình của hikikomori được thành lập năm 1999, cho biết, khi những hikikomori ngày một lớn tuổi hơn, họ sẽ trở nên cô lập và gia đình của họ thì khó khăn hơn trong việc tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ.

Tamaki Saito, một bác sĩ chuyên về tâm thần đã kêu gọi Chính phủ hãy nhanh chóng hành động dựa trên kết quả khảo sát và cung cấp hỗ trợ công việc để đáp ứng nhu cầu của hikikomori trung niên, đồng thời tạo ra một "sân chơi" cho họ và những người khác có hoàn cảnh tương tự để giao lưu, hỗ trợ giúp đỡ nhau. Bên cạnh đó, cũng cần giúp những hikikomori trung niên có kỹ năng sinh tồn cơ bản để tái hòa nhập cộng đồng và ít nhất cũng phải giúp họ biết cách tự chăm sóc bản thân khi cha mẹ qua đời.

Theo Diệp Lục (Helino)

Nổi bật