Khu trục hạm USS Ross của Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/4 ra lệnh cho quân đội Mỹ phóng hàng loạt tên lửa hành trình vào một sân bay quân sự của Syria, sau khi cáo buộc quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học tấn công phe nổi dậy khiến nhiều dân thường thiệt mạng, theo AP. Giới phân tích quân sự cho rằng đây chỉ là một trong những biện pháp quân sự mà ông Trump có thể áp dụng để tung đòn trừng phạt đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tấn công bằng tên lửa hành trình
Theo các chuyên gia quân sự, tên lửa hành trình là lựa chọn hàng đầu của Mỹ trong hàng loạt vụ can thiệp quân sự ở nước ngoài trong những năm gần đây. Năm 2011, Mỹ và đồng minh đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình để vô hiệu hóa các hệ thống phòng không và mục tiêu quân sự của Lybia trong một chiến dịch can thiệp hỗ trợ phe nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi.
Cựu tổng thống Barack Obama đã xem xét phương án triển khai các tên lửa hành trình để tấn công các mục tiêu chỉ huy, kiểm soát ở Syria hồi tháng 8/2013, sau khi Damascus bị tố sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, theo CNN. Tuy nhiên, phương án này bị hủy bỏ khi Syria nhất trí với đề xuất của Nga, từ bỏ kho vũ khí hóa học của mình để đổi lấy việc không bị liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công.
Khoảng 60 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng đi từ hai tàu khu trục Mỹ trên Địa Trung Hải, nhắm vào một căn cứ không quân của quân đội chính phủ Syria ở gần tỉnh Homs vào rạng sáng 7/4, theo giờ Syria. Cuộc tấn công được thực hiện sau khi Trump hội ý với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Florida.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Lybia năm 2011 |
Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu khoa học quân sự tại tổ chức tư vấn RUSI ở Anh, cho rằng với việc phát động đợt tấn công bằng tên lửa hành trình trên, chính quyền Trump đã có cái nhìn hoàn toàn khác đối với ông Assad, người mà ông Trump từng tuyên bố sẽ không tìm cách lật đổ. Đây được coi là hành động quân sự trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và quân đội chính phủ Syria kể từ khi chiến sự bùng lên ở quốc gia Trung Đông này.
Theo Bronk, tấn công bằng tên lửa hành trình là biện pháp quân sự an toàn đối với Mỹ, vì nó không đòi hỏi phi công phải mạo hiểm tiến sâu vào mạng lưới phòng không của Syria. Tomahawk bay thấp bám theo địa hình, nên khả năng né tránh các loại radar của Syria và Nga cao hơn. Tuy nhiên, loại tên lửa này khó đánh trúng các mục tiêu di động và tiềm ẩn nguy cơ gây ra thương vong cho dân thường lớn.
Không kích
Ngoài phóng tên lửa hành trình, Mỹ có thể tìm cách trừng phạt quân đội Syria, thậm chí là lãnh đạo nước này, bằng cách thực hiện các cuộc ném bom do tiêm kích hoặc oanh tạc cơ thực hiện. Những cuộc không kích như vậy ít tốn kém hơn, độ chính xác cao hơn so với tên lửa hành trình, theo Bronk.
Trở ngại lớn nhất với máy bay Mỹ trong quá trình không kích ở Syria chính là các hệ thống phòng không hiện đại mà Nga bố trí ở nước này, giúp họ gần như kiểm soát toàn bộ không phận Syria.
Từ khi mở chiến dịch quân sự ở Syria, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không S-300, S-400 ở gần các căn cứ quân sự của họ tại Hmeymim và quân cảng Tartus thuộc tỉnh Latakia. Các hệ thống này có khả năng phát hiện bất cứ tiêm kích thế hệ 4 nào của Mỹ xâm nhập vào bầu trời Syria.
Để ném bom các mục tiêu quân sự ở Syria mà không bị hệ thống phòng không Nga phát hiện, Mỹ sẽ phải sử dụng các máy bay tàng hình như F-22 hay B-2 Spirit. Tuy nhiên Mỹ không có nhiều máy bay tàng hình như vậy và việc triển khai chúng đến Syria để ném bom là giải pháp vô cùng tốn kém.
Nga đã triển khai các hệ thống tên lửa S-400 ở Syria. Ảnh: Sputnik |
Mục tiêu của chúng sẽ là các kho tàng quân sự, căn cứ không quân, doanh trại quân đội Syria, Bronk nói. Điều phức tạp là các cố vấn quân sự Nga có thể được triển khai cùng quân đội Syria, trong khi chính quyền Trump sẽ không muốn gây ra bất cứ thương vong nào cho các sĩ quan Nga để tránh nguy cơ làm gia tăng thái độ thù địch giữa hai cường quốc.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov năm ngoái từng cảnh báo Mỹ về bất cứ cuộc không kích nào nhắm vào quân đội Syria. "Bất cứ ảo tưởng nào về máy bay vô hình sẽ bị nghiền nát bởi thực tế phũ phàng. Binh sĩ vận hành hệ thống phòng không Nga sẽ không có thời gian để xác định nguồn gốc máy bay và hành động đáp trả sẽ diễn ra ngay tức khắc", ông Konashenkov nói.
Lập vùng cấm bay
Daniel Serwer, giám đốc Chương trình Quản lý Xung đột thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng Mỹ có thể tính đến các phương án khác, chẳng hạn như lập vùng cấm bay để ngăn chặn không quân Syria tiếp tục các cuộc không kích nhắm vào lực lượng nổi dậy.
Tuy nhiên, Bronk cho rằng tính khả thi của vùng cấm bay do Mỹ lập ra hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Nga. Không quân Syria sử dụng các loại máy bay gần như giống hệt Nga, khiến việc xác định chiến đấu cơ của ai đang hoạt động trong vùng cấm bay là gần như không thể, ngay cả với những radar tối tân.
Tầm bao phủ của tên lửa S-300, S-400 Nga tại Syria. Đồ họa: BBC |
"Một vùng cấm bay có nghĩa là hoặc Nga đồng ý kiềm chế và quay mặt với đồng minh của mình, hoặc Mỹ phải chấp nhận thực tế rằng nó không thể thi hành được, trừ phi họ muốn bắn hạ cả máy bay Nga, điều rất ít có khả năng xảy ra", Bronk nói.
Tấn công bằng bộ binh
Hàng trăm lính đặc nhiệm, biệt kích và thủy quân lục chiến Mỹ đang hiện diện ở Syria để hỗ trợ chiến dịch quân sự tấn công sào huyệt Raqqa của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Đây có thể là tiền đề để Mỹ phát động một chiến dịch can thiệp quân sự bằng bộ binh quy mô lớn vào Syria.
Tuy nhiên, Bronk cho rằng một cuộc xâm lược Syria như những gì đã diễn ra ở Iraq năm 2003 rất khó lặp lại, bởi "chính quyền Trump sẽ nhận ra rằng hành động đó chỉ dẫn đến vũng lầy bất tận, đó là chưa kể tới việc quân Mỹ sẽ đánh vào những khu vực có lính Nga đóng quân".
Chuyên gia này cho rằng quân đội Nga đã nhiều lần phát đi thông điệp rõ ràng với quân đội Mỹ rằng hành động can thiệp trực tiếp bằng lực lượng bộ binh ở Syria có thể dẫn đến những hậu quả tồi tệ. Cựu tổng thống Mỹ Obama cũng đã kiên quyết bác bỏ phương án đưa bộ binh tới Syria bởi những hệ lụy khó lường mà nó mang lại.
"Rõ ràng Mỹ không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh trên bộ kéo dài, nhưng chúng ta cũng có nhiều cách khác để phát tín hiệu tới Assad và tôi tin chắc rằng những kế hoạch đó đang được phát triển", thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh.
Theo Trí Dũng (VnExpress.net)