Do sở hữu nhiều đặc tính ưu việt, ngoài nhiệm vụ chính là vận chuyển binh lính, trang thiết bị quân sự phục vụ cho các chiến dịch và căn cứ của Mỹ khắp thế giới, những chiếc Boeing C-17 Globemaster III có biệt danh “ngựa thồ” cũng thường được điều động làm bệnh viện trên không cũng như chuyên chở phương tiện, đồ dùng của Tổng thống Mỹ và đoàn tùy tùng trong các chuyến công du nước ngoài.
Theo trang Airforce Technology, C-17 do hãng McDonnell Douglas phát triển cho Không quân Mỹ (USAF) từ những thập niên 1980 đến đầu những thập niên 1990. Siêu máy bay vận tải này được thiết kế để thay thế cho mẫu Lockheed C-141 Starlifter đã lỗi thời và thực hiện các nhiệm vụ tương tự như mẫu Lockheed C-5 Galaxy.
Hãng McDonnell Douglas sáp nhập vào tập đoàn Boeing vào năm 1997. Sau khi hoàn tất các đơn đặt hàng cho USAF vào năm 2015, Boeing vẫn tiếp tục sản xuất C-17 để xuất khẩu sang các nước khác.
C-17 là một trong những loại máy bay lớn nhất thế giới, với chiều dài 53m và sải cánh 51,75m. Máy bay được trang bị 4 động cơ tua bin phản lực cánh quạt Pratt & Whitney F117-PW-100, có khả năng tạo ra sức đẩy 180 kN/động cơ, cho phép vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn xuyên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu.
C-17 có thể đạt vận tốc tối đa lên tới hơn 810 km/h và bay đến độ cao 13,7km. Trong quá trình thử nghiệm, siêu phi cơ này đã lập 33 kỷ lục thế giới, gồm cả về thời gian đạt trần bay và quãng đường cất/ hạ cánh ngắn khi vận chuyển hàng hóa.
Với 20 tấn hàng hóa, C-17 chỉ cần quãng đường cất/ hạ cánh dài khoảng 427m. Với 76 tấn hàng hóa, máy bay cần quãng đường cất cánh 2.316m nhưng chỉ cần quãng đường hạ cánh 914m trên đường băng gồ ghề.
Theo trang Military.com, nhờ tải trọng tối đa gần 80 tấn, C-17 có thể chở theo 102 binh sĩ, 54 bệnh nhân và nhân viên y tế cùng 36 cáng cũng như hơn 77 tấn hàng hóa đặc biệt khác như 1 xe tăng M1 Abrams hoặc 3 xe chiến đấu Strykers hoặc 6 xe bọc thép M1117.
Mặc dù máy bay có kích thước lớn, nhưng phi hành đoàn chỉ gồm 3 người là cơ trưởng, cơ phụ và một chuyên viên phụ trách hàng hóa, tải trọng. Trong trường hợp làm nhiệm vụ sơ tán y tế, phi hành đoàn sẽ được bổ sung thêm 5 thành viên gồm 3 bác sỹ và 2 y tá.
Cho đến nay đã có 279 chiếc C-17 được xuất xưởng, với giá trung bình khoảng 218 triệu USD/chiếc. Ngoài Mỹ, mẫu máy bay này còn được biên chế phục vụ các lực lượng không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Anh, Australia, Canada, Kuwait, Qatar, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)