Lịch sử hình thành của Hamas
Theo Al Jazeera, Hamas là tên viết tắt của "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo", đang kiểm soát Dải Gaza, vùng lãnh thổ rộng khoảng 365km2 có hơn 2 triệu người Palestine sinh sống.
Hamas được thành lập vào năm 1987 bởi lãnh tụ Hồi giáo Sheikh Ahmed Yasin, ngay sau khi phong trào Intifada nổ ra. Intifada là phong trào đấu tranh của người Palestine, nhằm ngăn chặn việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của họ.
Kể từ đó, Hamas đã nhận được sự ủng hộ của một bộ phận người dân Palestine, bởi nhóm này thường xuyên sử dụng các biện pháp bạo lực để chống lại sự chiếm đóng của Israel. Tuy vậy, lực lượng này bị Mỹ và nhiều quốc gia coi là tổ chức khủng bố.
Vào năm 2006, Hamas đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine sau khi Israel rút quân khỏi Gaza. Nhưng phe đối lập Fatah từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, khiến xung đột vũ trang giữa hai nhóm người Palestine nổ ra. Tới năm 2007, Hamas lật đổ Chính quyền Palestine do Fatah lãnh đạo và giành quyền kiểm soát toàn bộ Dải Gaza.
Đồng minh và những lực lượng ủng hộ Hamas
Thánh chiến Hồi giáo (Jihad) - nhóm vũ trang lớn thứ hai tại Dải Gaza, từ lâu đã hợp tác với Hamas trong các hoạt động chống lại Israel. Trong lịch sử, Hamas từng bị gây sức ép buộc lực lượng này ngừng tấn công Israel, hoặc bị kéo vào xung đột, nhưng có khi đứng bên lề. Mối quan hệ giữa hai bên khá căng thẳng trong thời gian gần đây.
Hamas cũng là một phần của liên minh khu vực bao gồm Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, vốn phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel.
Một trong những bên ủng hộ Hamas mạnh mẽ nhất là Iran, quốc gia được coi là "kình địch" với Israel. Trong nhiều thập kỷ, Iran đã cung cấp vũ khí, công nghệ và giúp Hamas xây dựng năng lực vũ trang có thể tiến sâu vào lãnh thổ Israel.
Nguyên nhân Hamas tấn công Israel ngày 7/10
Khaled Qadomi - phát ngôn viên của Hamas, nói rằng lực lượng này thực hiện hoạt động quân sự để đáp trả những hành động tàn bạo mà người Palestine phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.
"Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế chấm dứt những hành động tàn bạo chống lại người dân Palestine ở Gaza. Đây là lý do trận chiến bắt đầu", Qadomi cho biết.
Trong khi đó, chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas gọi cuộc tấn công mới đây là "Chiến dịch bão Al-Aqsa", mục đích là để trả đũa việc Israel xúc phạm đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Người này cũng cáo buộc Israel đã sát hại và làm bị thương hàng trăm người Palestine trong năm nay, đồng thời kêu gọi các nhóm khác tham gia cuộc chiến.
Sức mạnh quân sự của Hamas
Báo cáo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết, Hamas có lực lượng chiến đấu khoảng 50.000 người, sở hữu kho tên lửa khổng lồ với nhiều chủng loại khác nhau. Kể từ năm 2014, Hamas tập trung phát triển lực lượng không quân, chủ yếu là máy bay không người lái (UAV) phục vụ cho nhiệm vụ trinh sát, tấn công từ xa và tấn công cảm tử.
Thành quả quân sự lớn nhất của Hamas là phát triển thành công mẫu tên lửa Qassam-1. Tên lửa này có thể mang 60kg chất nổ, bay trong bán kính từ 2-3km. Sau đó, Hamas tiếp tục cải tiến Qassam-1 lên các mẫu Qassam-2, Qassam-3 và Qassam-4. Độ chính xác và sức công phá của những loại tên lửa tầm gần này tăng lên đáng kể sau mỗi lần nâng cấp.
Nhờ kinh nghiệm sản xuất Qassam-1, Hamas hiện đã có thể tự sản xuất tên lửa J-89 (tầm bắn 80km) và R-160 (tầm bắn 160km). Bên cạnh đó, lực lượng này cũng thử nghiệm thành công một số loại tên lửa không đối đất, tạo lợi thế cho bộ binh khi tác chiến đô thị.
Theo Việt Dũng (VietNamNet)