Những dấu ấn của vua Thái Lan Rama X

20/02/2017 11:38:00

Từ yêu cầu thay đổi hiến pháp cho đến việc thúc đẩy hòa hợp trong nước, vua Rama X để lại nhiều dấu ấn chỉ sau thời gian ngắn lên ngôi.

Từ yêu cầu thay đổi hiến pháp cho đến việc thúc đẩy hòa hợp trong nước, vua Rama X để lại nhiều dấu ấn chỉ sau thời gian ngắn lên ngôi.

Vua Maha Vajiralongkorn lên ngôi vào cuối năm 2016

Tuy chưa chính thức đăng cơ nhưng vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn, còn gọi là vua Rama X, đã thể hiện rõ với các tướng lĩnh rằng ông không chỉ là một biểu tượng tinh thần. Theo Reuters, mối liên hệ giữa hoàng gia với quân đội và các chính trị gia rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định ở Thái Lan, và giới quan sát tỏ ra rất lạc quan về điều này dưới sự trị vì của vua Rama X.

Những quyết định quan trọng của ông còn cho thấy đồn đoán của một số chuyên gia về những trắc trở trong chuyển giao ngôi vị là hoàn toàn vô căn cứ. “Hoàng thượng đã tự chứng minh rằng ngài rất tinh thông trong việc quản lý chính quyền và quân đội”, học giả Paul Chambers tại Viện Các vấn đề Đông Nam Á ở Chiang Mai nhận định. Reuters mới đây đã phỏng vấn hơn 20 cựu quan chức, sĩ quan, nhà ngoại giao và chuyên gia, tất cả đều cho biết họ không thấy nguy cơ mất cân bằng quyền lực ở Thái Lan.

Thay đổi hiến pháp

Hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn được suy tôn làm tân vương sau khi cha ông là vua Bhumibol Adulyadej băng hà tháng 10.2016. Vua Bhumibol lên ngôi cuối thập niên 1940 vào thời điểm khó khăn của hoàng gia và ông đã âm thầm xây dựng lại quyền uy với dấu ấn là người phán xử trong nhiều cuộc đảo chính và bất ổn chính trị. Vua Rama X (64 tuổi) đạt được sự kính ngưỡng từ chính quyền quân sự và người dân theo một cách khác. Ông đã có thời gian học ở học viện quân đội, từng chứng kiến cuộc chiến chống lực lượng nổi dậy vào thập niên 1970, và ông còn có thể lái máy bay chiến đấu.

Theo nghi thức, những người đứng đầu chính phủ phải quỳ khi diện kiến nhà vua mới và những hình ảnh từ hoàng gia đưa ra thể hiện rõ sự cung kính đối với vua Rama X. Chính phủ cũng nhanh chóng tuân lệnh khi ông yêu cầu sửa đổi hiến pháp và đó là lần sửa đổi đầu tiên trong mấy chục năm qua. Những thay đổi hiến pháp về quyền của hoàng gia được thông qua chỉ trong vài ngày, trong khi những thay đổi khác vẫn đang được tiến hành.

Tổ chức của hoàng cung cũng được tái cơ cấu với hơn 20 quyết định bổ nhiệm và thăng cấp ban hành sau khi Vua Rama X được suy tôn. Tướng Prem Tinsulanonda (96 tuổi) vẫn giữ chức Viện trưởng Viện Cơ mật nhưng khoảng phân nửa số thành viên là những gương mặt mới. Mới đây, vua Rama X đã bổ nhiệm hòa thượng Phra Maha Muniwong làm Tăng thống của Phật giáo Thái Lan sau thời gian dài vị trí này bị để trống. Quốc hội trước đó đã phục hồi quyền bổ nhiệm này của nhà vua sau 25 năm được giao cho hội đồng tăng lữ. Vị giáo trưởng này trước đó là trụ trì chùa Ratchabophit ở Bangkok, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với hoàng gia.

Thúc đẩy hòa hợp

Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, Vua Rama X luôn nhấn mạnh sự hòa hợp ở Thái Lan và đề cập đến vấn đề này trong phát biểu chào mừng năm mới cũng như tại một cuộc gặp trong đêm với các lãnh đạo chính phủ hồi tháng 1 để xúc tiến cứu trợ nạn nhân lũ lụt. Khi đó, chính phủ cũng đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban hòa giải trước thềm các cuộc bầu cử trong năm tới. Ủy ban này sẽ đưa ra một thỏa thuận với chữ ký của tất cả các bên để đảm bảo chuyển tiếp ôn hòa. Cả 2 đảng chính trị chính của Thái Lan, thường được gọi là phe áo đỏ và phe áo vàng, đều cho biết họ sẵn sàng hòa giải.

Cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra, thành viên phe áo đỏ, yêu cầu quá trình hòa giải phải trung lập, công bằng và phải dựa trên pháp luật. Anh trai bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện sống tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) nhằm tránh một bản án tham nhũng, vì thế một số chính trị gia Thái tỏ ra lo ngại thỏa thuận hòa giải có thể cho phép ông Thaksin trở lại. Theo Reuters, cả ông Thaksin lẫn bà Yingluck là những chính trị gia Thái Lan đầu tiên đăng hình vua Rama X trên tài khoản Twitter của mình.

Ông Michael Vatikiotis, Giám đốc khu vực của Trung tâm đối thoại nhân đạo có trụ sở ở Thụy Sĩ, cho rằng nỗ lực hòa giải ở Thái Lan rõ ràng đang rất cấp bách sau lời kêu gọi của nhà vua. “Chính quyền quân sự đang chịu áp lực từ nhà vua và thậm chí có thể sẽ xúc tiến quá trình chuyển giao quyền lực lại cho chính quyền dân sự”, ông dự báo.

Theo Nikkei Asian Review, chính phủ Thái Lan ngày 17.2 đã đệ trình bản dự thảo hiến pháp sửa đổi để hoàng gia thông qua, trong động thái có thể thúc đẩy việc chuyển giao quyền điều hành đất nước từ chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự. Vẫn chưa rõ thông tin cụ thể về những điều chỉnh trong bản dự thảo. Dự kiến nhà vua sẽ có thời gian tối đa 90 ngày để thông qua bản hiến pháp sửa đổi trên.

Theo Khánh An (Thanh Niên Online)