Trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917, những người Bolshevik cũng như nhiều lực lượng cánh tả cực đoan khác có thái độ rất tiêu cực về bộ máy quân sự nhà nước.
Họ chỉ trích mạnh mẽ và tấn công, mỉa mai tất cả những gì liên quan đến thuộc tính cố hữu quân đội, từ hệ thống cấp bậc cho đến các cuộc duyệt binh.
Họ cho rằng chỉ các quốc gia tư sản mới cần đến duyệt binh, còn những người vô sản cách mạng – chỉ cần tổ chức các cuộc tuần hành và mitting là đủ.
Tuy nhiên, chỉ một vài tháng sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, quan điểm của những người Bolshevik về quân đội đã được thay đổi đáng kể.
Sau khi lên nắm quyền, những người Bolshevik đã nhanh chóng nhận ra rằng nếu chỉ dựa trên các hình thức kiểu như lực lượng cận vệ đỏ của giai cấp công nhân thì không thể xây dựng được hệ thống bảo vệ nhà nước cách mạng.
Nước Nga Xô Viết cần có lực lượng vũ trang để có thể chống lại một cách hiệu quả tất cả những thách thức của thời kỳ đó.
Đương nhiên, lực lượng Hồng quân mới cần phải có các đặc tính riêng của mình, từ quân phục, phù hiệu cho đến các nghi thức khen thưởng và các cuộc duyệt binh.
Các cuộc duyệt binh của chính phủ mới là cần thiết, để nhấn mạnh sức mạnh của giai cấp vô sản có vũ trang, thể hiện cho quần chúng nhân dân thấy rõ sự nghiêm túc của chuyên chính vô sản, và để cho kẻ thù từ bỏ ý định vi phạm chủ quyền của nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử thế giới.
Và chưa đầy một năm sau Cách mạng tháng Mười, cuộc duyệt binh đầu tiên trong lịch sử nhà nước Nga (sau CM tháng Mười) đã diễn ra tại Moscow.
Quảng trường Đỏ và cánh đồng Khodynka nổi tiếng là 2 nơi được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc duyệt binh.
Cánh đồng Khodynka là nơi ngày 18/5/1896 đã xảy ra một vụ giẫm đạp bi thảm làm cho 1379 người dân thiệt mạng. Sự cố xảy ra khi dân chúng tập trung để dự lễ đăng quang của Nicholas II.
Việc chọn địa điểm này nhằm biểu tượng rằng sau 22 năm, quân đội của nước Nga mới cũng tổ chức duyệt binh trên chính cánh đồng Khodynka năm xưa (Nicholas II và gia đình ông lúc đó vẫn còn sống).
Còn tại Moscow, lễ kỷ niệm diễn ra để vinh danh ngày 1 tháng 5 - Ngày Quốc tế lao động. Tham gia vào cuộc duyệt binh này là các đơn vị quân đội đồn trú tại khu vực Moscow.
Chỉ huy cuộc duyệt binh là cựu đại tá từ thời Sa hoàng Joachim Vatsetis – chỉ huy Sư đoàn bộ binh Latvia nổi tiếng - người đã chạy sang hàng ngũ những người Bolshevik và chỉ huy một trong những binh đoàn Hồng quân Liên Xô thiện chiến nhất và hết sức trung thành với chính quyền mới.
Ủy viên dân ủy phụ trách các vấn đề quân sự Lev Trotsky giám sát cuộc duyệt binh. Đích thân Vladimir Ilyich Lenin và phu nhân Nadezhda Krupskaya, chị gái Maria Ulyanova, và chỉ huy của các đơn vị đồn trú Moscow Nicholas Muralov cùng theo dõi cuộc duyệt binh.
Sau khi diễu qua Quảng trường Đỏ, các chiến sỹ Hồng quân tiến về phía cánh đồng Khodynka. Thời tiết ngày hôm đó chưa phải là đã vào xuân, ở Moscow còn đầy tuyết.
Trong số tất cả các đơn vị quân đội có nhiệm vụ tham gia cuộc duyệt binh chỉ có mỗi trung đoàn Latvia là có mặt đúng giờ trên cánh đồng Khodynka. Do sự chậm trễ, cuộc duyệt binh bắt đầu khá muộn.
Khoảng bốn giờ rưỡi, trước sự bất ngờ của tất cả mọi người, chiếc xe chở Vladimir Lenin xuất hiện trên cánh đồng.
Theo hồi ký của N. Muralov, mới biết rằng sau khi kiểm tra các đơn vị quân đội, Lenin nhận xét công tác chuẩn bị "chưa được chu đáo". Sau khi Lenin và những người đi cùng an tọa trên khán đài, cuộc duyệt binh bắt đầu.
Đi đầu là đội hình của khối học viên, tiếp theo là các đơn vị bộ binh và kỵ binh. Ngoài ra, còn có hai khẩu pháo cũng tham gia vào cuộc duyệt binh, mỗi khẩu do 4 con ngựa kéo.
Kết thúc cuộc duyệt binh trang trọng là đội xe đạp nổi tiếng, đơn vị đóng vai trò rất quan trọng trong những năm đầu tiên sau cách mạng.
Các đơn vị diễu hành qua lễ đài theo giai điệu các hành khúc và các bài ca cách mạng do đội quân nhạc của Trung đoàn Phanagory số 11 cử lên dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Ludomir Petkevich.
Theo hồi ức của các nhân chứng, cuộc duyệt binh diễn ra khá ngắn ngủi và chỉ ở quy mô nhỏ. Lần đầu tiên trong lịch sử, sau cuộc duyệt binh trên cánh đồng Khodynka, trên Quảng trường Đỏ còn có một cuộc tuần hành của các tổ chức, đơn vị dân sự.
Và vào buổi tối hôm đó còn diễn ra một lễ hội hàng không với sự tham gia của Felix Dzerzhinsky.
Mặc dù cuộc duyệt binh còn có vấn đề liên quan đến nghi thức ngoại giao đối với các chiến sỹ thuộc trung đoàn bộ binh Latvia, tuy nhiên, các đơn vị tham gia duyệt binh đã thể hiện được sức mạnh của Hồng quân trên Quảng trường Đỏ và cánh đồng Khodynsk.
Đặc biệt, có Robert Bruce Lockhart - một người Anh đến thăm Moscow và đã được chứng kiến cuộc duyệt binh đầu tiên của Liên Xô này. Lockhart nhớ lại rằng đại sứ Đức Mirbach cũng có mặt tại cuộc duyệt binh.
Lúc đầu Mirbach mỉm cười có vẻ kiêu ngạo, nhưng khi nhìn thấy đội hình của các chiến sỹ Hồng quân bước đều qua thì nét mặt của ông ta ngày càng trở nên nghiêm nghị hơn. Hai tháng sau, vào ngày 6/7/1918, Mirbach bị những người SS cánh tả ám sát.
Cuộc duyệt binh ngày 1/5/1918 trở thành sự kiện chính thức đầu tiên của loại hình hoạt động này đối với lực lượng Hồng quân vừa mới được thành lập. Không phải ngẫu nhiên mà người ta chọn ngày 1/5.
Trong những năm đầu tiên sau cách mạng, nước Nga Xô Viết vẫn chưa có truyền thống kỷ niệm các ngày lễ của nhà nước và quân đội, do đó, người ta quyết định chọn ngày duyệt binh trùng với ngày lễ quan trọng nhất đối với tất cả những người cách mạng thời bấy giờ là ngày Quốc tế lao động 1/5.
Lịch sử kỷ niệm ngày 1/5 của Đế quốc Nga bắt đầu từ ngày 1/5/1889, sau khi Đại hội Quốc tế thứ hai ở Paris quyết định tổ chức tuần hành hàng năm vào ngày này.
Và sau Cách mạng Tháng Mười, ngày 1/5 mới có tên gọi chính thức là "Ngày Quốc tế Lao động" và kể từ năm 1918 trở đi, nó đã trở thành một ngày nghỉ lễ.
Cần phải lưu ý một thực tế là việc tổ chức kỷ niệm ngày 1/5 đầu tiên diễn ra trong khi tình hình chính trị hết sức khó khăn. Nga gặp nhiều bất lợi trong hiệp ước hòa bình Brest-Litva ký kết ngày 3/3/1918, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc nội chiến.
Quân Đức và Áo tiếp tục tấn công vào lãnh thổ của Ukraine, vào vùng Crimea và miền nam nước Nga. Trong khi tại Moscow đang tiến hành duyệt binh thì đội quân xâm lược đã chiếm Taganrog, và 7 ngày sau đó chiếm luôn thành phố Rostov trên sông Đông.
Mặc dù vậy, trong việc cử hành kỷ niệm ngày 1/5/1918 có thể nhận thấy những nét đặc trưng mà sau này vẫn thường xuyên gắn liền với lễ kỷ niệm ngày Quốc tế trong suốt lịch sử của Liên Xô:
Đó là việc huy động các cơ quan đảng và nhà nước vào việc tổ chức lễ kỷ niệm. Huy động lực lượng quần chúng, đặc biệt có sự tham gia của giới trí thức, nghệ sĩ, các nhà văn, nhạc sĩ, những nhà hoạt động sân khấu.
Ngay từ năm 1918, lễ kỷ niệm chính thức ngày 1/5 đã do những người Bolshevik hoàn toàn nắm quyền. Mặc dù, trong khi tiến hành lễ duyệt binh ngày 01 tháng năm 1918, những người Bolshevik đã gặp phải một vài sự cố khó chịu, nhưng họ đã quyết định sẽ tiến hành những sự kiện như vậy một cách thường xuyên.
Những người Bolshevik thường có xu hướng hành động tập thể, trong khi đó những hoạt động như thế này rất quan trọng vì nó có khả năng tập hợp quần chúng, hình thành một cảm giác mang bản sắc chung, hướng tất cả mọi người vào một công việc chung.
Cuộc duyệt binh tiếp theo được tổ chức tại Moscow vào ngày 07/11/1918, nhân kỷ niệm 1 năm Cách mạng Tháng Mười.
Và kể từ đó, các cuộc duyệt binh ở nước Nga Xô Viết và sau này là Liên Xô đã được tổ chức thường xuyên.
Theo truyền thống, các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ được tổ chức ít nhất là hai lần trong năm, vào dịp ngày 7/11 và 1/5.
Ngoài ra, người ta còn tiến hành các cuộc duyệt binh kỷ niệm các sự kiện cụ thể. Ví dụ, 27/6/1920 tại Moscow đã tổ chức một cuộc duyệt binh chào mừng Đại hội Quốc tế cộng sản thứ hai.
Từ 1/5/1922, nghi thức duyệt binh trên Quảng trường Đỏ còn bao gồm thêm phần đọc lời thề danh dự của các chiến sỹ Hồng quân trẻ. Truyền thống này tồn tại trong 17 năm - cho đến năm 1939.
Trước năm 1925, những người chỉ huy và giám sát cuộc duyệt binh phải đi bộ duyệt các hàng quân. Ngày 23/2/1925, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 7 năm ngày thành lập Hồng quân Liên Xô, Mikhail Vasilevich Frunze lần đầu tiên cưỡi ngựa đi duyệt các khối của Hồng quân Liên Xô.
Kể từ đó, việc thực hành tổ chức duyệt binh đã theo truyền thống người chỉ huy và người giám sát cuộc duyệt binh đều đi ngựa để duyệt các hàng quân. Kliment Voroshilov, người kế nhiệm Mikhail Frunze (qua đời năm 1925), cũng giám sát cuộc duyệt binh trên lưng ngựa.
Cuộc duyệt binh ngày 1/5/1925 đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống duyệt binh tại Liên bang Xô viết. Đó là cuộc duyệt binh cuối cùng do Mikhail Frunze giám sát.
Tại cuộc duyệt binh này, các đơn vị đã diễu qua trong một trật tự sắp xếp mới, đọi hình vuông vắn. Đầu tiên là các đơn vị bộ binh, tiếp theo là đội quân đi xe đạp, rồi tới kỵ binh, và sau đó là xe bọc thép, xe tăng.
Kể từ đó, sự tham gia của các thiết bị quân sự trong các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ đã trở thành bắt buộc. Truyền thống này được gìn giữ cho tới ngày nay.
Có một số cuộc duyệt binh được tổ chức trong hai thập kỷ đầu tiên của chính quyền Xô viết, đã nổi bật hẳn lên về quy mô.
Ví dụ, cuộc duyệt binh ngày 09/2/1934, chào mừng Đại hội XVII của Cộng sản (Bolshevik) Nga, diễn ra trong thời gian kỷ lục là ba tiếng đồng hồ, với sự tham dự của 42.000 binh sĩ, trong đó có 21.000 lính bộ binh, 1700 kỵ binh cùng với các quân nhân thuộc các quân binh chủng khác. Trên Quảng trường Đỏ hôm đó có 525 xe tăng đã diễu qua.
Cuộc duyệt binh "hòa bình" cuối cùng là cuộc duyệt binh ngày 1/5/1941. Chưa đầy 2 tháng sau thì chiến tranh Xô Đức bắt đầu nổ ra. Điều thú vị là đại diện của Chính phủ Đức cũng có mặt trong cuộc duyệt binh năm 1941 này. Hai tháng sau, chính những người này sẽ chiến đấu chống lại Liên Xô, và nước Đức phát xít sẽ trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của đất nước Xô viết.
Cuộc duyệt binh tổ chức vào ngày 7/11/1941 tại Moscow đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cổ vũ tinh thần của các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô trong cuộc chiến đấu, bảo vệ thành phố Moscow, chống lại cuộc tấn công của quân đội Hitler.
Những đơn vị tham gia duyệt binh đã tiến thẳng ra mặt trận. Khoảng 28 nghìn người đã tham gia cuộc duyệt binh này, nhiều nhất là các đơn vị thuộc Ủy ban Nhân dân Nội vụ Liên Xô.
Trong ba năm chiến tranh ác liệt, các cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ bị gián đoạn và cuộc duyệt binh tiếp theo diễn ra vào ngày 1/5/1945, khi kẻ thù đã hoàn toàn bị đánh bại.
Ngày 24/6/1945 trên Quảng trường Đỏ đã diễn ra Cuộc duyệt binh mừng Chiến thắng. Đây thực sự là một sự kiện lịch sử trong kỷ nguyên của đất nước Xô viết.
Các cuộc duyệt binh vào dịp mùng 1/5 được tiến hành cho đến năm 1968, và sau năm 1968, vào ngày 1/5, trên Quảng trường Đỏ chỉ có các cuộc tuần hành của các tổ chức công nhân lao động Liên Xô.
Các cuộc duyệt binh bắt đầu diễn ra vào các ngày 7/11 và ngày 9/5 - để kỷ niệm Cách mạng tháng Mười và Chiến thắng phát xít Đức.
Hiện nay, ở nước Nga, các cuộc duyệt binh được tổ chức vào ngày 9/5, và cũng được tổ chức để vinh danh các sự kiện cụ thể. Ví dụ, vào ngày 5/5, tại thành phố Rostov-on-Don, một cuộc duyệt binh đã được tổ chức để kỷ niệm 100 năm Quân khu phía Nam.
Ngoài ra, còn có các cuộc duyệt binh mang tính chất "nội bộ cơ quan" do Bộ Nội vụ Liên bang Nga cùng các cơ quan thực thi pháp luật khác đứng ra tổ chức.
Tuy nhiên, những cuộc duyệt binh có tầm cỡ lớn của nước Nga, được tổ chức tại Quảng trường Đỏ, có sự hiện diện của Tổng thống Nga và nhiều quan khách quốc tế, chắc chắn phải là các cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày chiến thắng vĩ đại.
Ngày 9 tháng 5 năm 2018 trên Quảng trường Đỏ sẽ là cuộc duyệt binh kế tiếp để kỷ niệm 73 năm chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Theo Nguyễn Quang (Đất Việt)