Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu

19/06/2023 10:31:19

Việc sử dụng động vật làm phương tiện hoặc trở thành vũ khí trong chiến tranh đã xuất hiện từ thời cổ đại khi voi, lạc đà hay ngựa đều góp mặt. Tuy nhiên, khi các con vật có hành động dũng cảm trong chiến đấu, thông minh và thậm chí gần như có thể đảm nhiệm hoàn toàn những nhiệm vụ mà con người không thể thay thế thì việc phong tước hiệu cho những loài này là điều không phải bàn cãi.

Huân chương cho quân khuyển dũng cảm Stubby

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu

Ai có thể ngờ một chú cún con đi lạc, được lén lút đưa lên tàu ra mặt trận vào năm 1918, lại trở thành anh hùng thời chiến, là con vật đầu tiên được phong trung sĩ và được tăng đến 14 huân chương, nhiều huân chương nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Đó là trường hợp của chú chó Stubby. Trong thế chiến I, John Robert Conroy đã đưa chú chó pit bull này vào trong quân đội. Con vật tròn trĩnh, đuôi ngắn ngủn thuộc giống bull terrier và chỉ một thời gian ngắn sau, Stubby được cả trung đoàn yêu mến và xem nó như con vật đem lại phước lành. 

Stubby đã được huấn luyện cùng với những người lính từ sớm, được luyện tập thổi còi và cả cách chào quân đội dành cho một chú chó. Stubby có ảnh hưởng tích cực đến tinh thần binh sĩ nên chú đã được phép ở lại mặc dù quân trại có luật cấm nuôi chó. Tháng 10/1917, sư đoàn này đến Pháp, Stubby cũng đi theo và trốn trong thùng than cho tới khi tàu ra biển. Khi sư đoàn cập bến Pháp, Stubby đã được lén đưa ra khỏi tàu.

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 1
Tướng John J.Pershing trao huy chương cho Trung sĩ Stubby năm 1921.

Chú chó sớm bị sĩ quan chỉ huy Conroy phát hiện, nhưng khi thấy Stubby với kiểu chào quân đội thu hút, chỉ huy đã phá lệ để chú ở lại. Khi những người lính chiến đấu ở tiền tuyến, Stubby đã sát cánh cùng họ, và nhanh chóng quen với âm thanh cùng sự hỗn loạn của đại bác và pháo binh.

Stubby đã bị chấn thương chiến tranh đầu tiên từ vụ rò rỉ khí ga. Chú được đưa đến một trạm xá và dần hồi phục. Nhưng vụ rò rỉ ga đó đã làm chú trở nên vô cùng nhạy cảm với khí độc dù chỉ là một lượng vô cùng nhỏ trong không khí. Khi sư đoàn là đối tượng của một vụ tấn công bằng hơi độc vào một buổi sáng sớm, Stubby đã chạy qua các hào rãnh, đánh thức những người lính đang ngủ để báo động có khí độc và giúp nhiều người tránh khỏi bị ngộ độc.

Stubby cũng đã giúp tìm ra những lính bị thương nằm ở các mương đào. Chú còn nhận ra giọng nói tiếng Anh và theo đó lần ra các người lính bị thương, sủa lên để kêu gọi hỗ trợ y tế. Nếu người bị thương còn có thể di chuyển thì chú sẽ dẫn họ trở về doanh trại.

Theo Cục Quân sự Connecticut, Stubby đã bị thương lần nữa vào tháng 4/1918, lúc sư đoàn 102 đang tập kích vào một thị trấn do Đức nắm quyền. Trong lúc quân Đức rút lui, họ đã tháo chốt và ném lựu đạn về phía lính Mỹ đang truy đuổi phía sau và Stubby đã bị thương ở chân trước khi lựu đạn nổ. Sau đó một người phụ nữ trong thị trấn đã may cho chú một chiếc chăn có thêu cờ của các nước đồng minh thể hiện lòng biết ơn của họ dành cho chú chó. Sau này, những giải thưởng và quân hàm của Stubby cũng được gắn lên chiếc khăn này.

Khi chiến tranh kết thúc, Stubby đã được lén đưa về Mỹ nhưng từ đó, sự nghiệp của chú cũng đã chấm dứt. Khi trở lại Mỹ, Stubby trở thành thành viên mãi mãi của tổ chức cựu chiến binh chiến tranh Hoa Kỳ American Legion, được tham dự các hội nghị và các cuộc diễu hành cho đến cuối đời. Chú cũng dành phần đời còn lại trong vai trò thành viên của Hội Chữ thập đỏ và Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc (YMCA). Chú thường xuyên tham gia các buổi tuyển dụng thành viên cho Hội Chữ thập đỏ.

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 2
Bia mộ chú chó Stubby tại bảo tàng Liberty Memorial. 

Ngoài các giải thưởng, năm 1921, Stubby cũng nhận được huy chương vàng từ tổ chức Xã hội Nhân văn do Tướng John Pershing, Tổng chỉ huy quân đội Hoa Kỳ trao tặng. J.Robert Conroy, người chủ của Stubby, cuối cùng đã đi học ngành luật ở Đại học Georgetown. Và một lần nữa, Stubby cũng đi theo. Chú chó đã trở thành linh vật may mắn của đội tuyển thể thao Georgetown Hoyas và được ghi nhớ mãi về sau cho đến khi qua đời.

Chiến mã duy nhất được phong hàm thượng sĩ của quân đội Mỹ

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 3
Chú ngựa chiến Reckless từng "vào sinh ra tử" trong cuộc chiến tranh Triều Tiên mà không cần người điều khiển.

Khi cảm nhận được nguy hiểm, bản năng loài ngựa thường thúc đẩy chúng nhanh chóng chạy trốn. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, ngựa Reckless lại tiến về phía trước. Từ một con ngựa đua được mua với giá 250 USD tại Seoul, Reckless đã trở thành chiến mã vĩ đại nhất nước Mỹ và cũng con ngựa duy nhất trong lịch sử nước này được phong quân hàm thượng sĩ.

Reckless thuộc dòng ngựa địa phương Jeju vốn nổi tiếng gan dạ. Chính tính cách đó đã khiến Reckless được xung vào đội ngựa chuyên chở vũ khí cho đại đội chống tăng thuộc sư đoàn thủy quân lục chiến số 5 vào năm 1952.

Những người lính đặt tên con ngựa là Reckless theo tên loại súng trường không giật mà nó chuyên chở. Loại súng này còn được gọi là súng trường ‘reckless” vì nó rất nguy hiểm khi sử dụng. Reckless đã cần mẫn, dũng cảm chở vũ khí ra mặt trận cho nhiều trận chiến, nhưng ấn tượng nhất là trận Outpost Vegas đẫm máu, khiến 1.000 lính Mỹ và 2.000 lính Trung Quốc tử trận. Trong trận chiến kéo dài 5 ngày này, Reckless đã chuyên chở 386 băng đạn, nặng gần 4.000 kg, vượt qua trên 35 dặm đường xuyên qua các cánh đồng lúa và đường mòn đồi dốc. Sau khi đạn dược được dỡ khỏi lưng, chú ta lại chở binh sĩ bị thương xuống núi tới nơi an toàn.

Điều kinh ngạc là Reckless đã thực hiện những sứ mạng đó một mình, dưới làn bom đạn quân địch mà không có bất cứ binh sĩ nào điều khiển hay bắt buộc. Nó được huấn luyện biết nằm rạp xuống trong làn đạn và tránh các chướng ngại vật như dây thép gai. Chỉ trong một ngày của trận Outpost Vegas, Reckless đã tự mình thực hiện 51 chuyến thồ hàng dưới làn đạn. Bị thương hai lần vào phía trên mắt và sườn, Reckless vẫn tiếp tục quay trở về để thồ đạn lên chiến tuyến.

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 4

Trung sĩ Reckless (phải) cùng người huấn luyện chính, pháo thủ Joseph Latham

 

"Reckless hoàn toàn đơn độc khi gia nhập quân đội. Do ngựa là loài có tập tính sống bầy đàn, đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ trở thành đàn của nó. Reckless gắn bó với lực lượng này sâu sắc đến mức sẵn sàng đến bất kỳ đâu, làm mọi thứ để thích nghi với gia đình mới của nó", sử gia Robin Hutton viết trong cuốn "Thượng sĩ Reckless, chiến mã của Mỹ" xuất bản năm 2014.

Reckless đóng vai trò quan trọng trong trận đánh tiền đồn Vegas giữa lực lượng Mỹ và Chí nguyện quân Trung Quốc vào tháng 3/1953. Reckless đã được trao hai huy chương Trái tim Đỏ, và được đón chào như một người anh hùng khi được đưa từ Hàn Quốc về Mỹ vào năm 1954. Hàng trăm người đã đón chờ chú ngựa tại San Francisco.

Hai lần được thăng hàm lên trung sĩ, Reckless hưởng thụ những năm còn lại của cuộc đời tại doanh trại Pendleton ở California. Nó sinh ra một con ngựa cái và 3 chú ngựa đực. Reckless chết vào năm 1968 khi 20 tuổi và tin tức về cái chết được đăng trên trang nhất nhiều tờ báo Mỹ. Con ngựa chiến dũng cảm được chôn cất với đầy đủ nghi lễ nhà binh.

Chim cánh cụt được phong tướng tại Scotland

Khác với 2 trường hợp trên, Nils Olav tại sở thú Edinburgh (Scotland) là chú chim cánh cụt đại diện cho Đội cận vệ của Đức vua Na Uy. Chú chim vừa được phong tước hiệp sĩ vào năm 2008 và được phong chuẩn tướng ngày 22/8/2016 tại sở thú chú đang sống ở Scotland, theo Reuters.

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 5
Chuẩn tướng chim cánh cụt duyệt đội danh dự Scotland

Trong buổi lễ phong tướng, Nils Olav - không mặc quân phục - chậm rãi duyệt đội cận vệ, rồi nhận lấy huân chương từ nhân viên chăm sóc thú. Truyền thống này xuất phát từ năm 1914, khi một gia đình ở Na Uy tặng cho sở thú Edinburgh một chú chim cánh cụt vua. Năm 1972, một chú chim trong sở thú được đặt tên Nils Olav, với Nils là tên vị tướng người Na Uy Nils Egelien trong khi Olav là tên Quốc vương Na Uy lúc bấy giờ.

“Chúng tôi có một lịch sử dài với Đội cận vệ Hoàng gia Na Uy và đó là thứ gì gì đó khiến chúng tôi vô cùng tự hào”, David Windmill, trưởng Cộng đồng Động vật học Hoàng gia Scotland và cũng là người sở hữu Sở thú Edinburgh, nơi Nils đang trú ngụ, cho biết.

Khoảng 50 binh sĩ Na Uy đang có mặt tại Scotland để tham gia ngày hội Royal Edinburgh Military Tattoo - lễ hội âm nhạc thường niên quy tụ các ban nhạc trong quân đội Anh và các nước thuộc khối Thịnh vượng chung.

Chim cánh cụt Nils Olav được phong hàm cai quyền (lance-corporal) trong trung đoàn. Mỗi lần Đội Cảnh vệ Hoàng gia quay trở lại vườn thú, cậu lại được lên chức. Năm 1982, Nils Olav đã lên hàm hạ sĩ; năm 1987, Nils lên hàm Thượng sĩ nhưng không lâu sau đó, cậu qua đời. Chức danh và cả cái tên ấy được chuyển cho Nils Olav Đệ Nhị, lúc ấy mới 2 tuổi.

Những con vật được phong tước hiệu vì lòng dũng cảm trong chiến đấu - 6
Buổi lễ phong quân hàm tướng cho Nils Olav có sự tham gia của hơn 50 binh sĩ từ đội cận vệ khi họ đến thăm thủ đô Scotland.

Trải qua nhiều lần lên chức thì vào ngày 15 tháng 8 năm 2008, cậu đã được phong tước hiệp sĩ. Trong buổi lệ trọng đại ấy, vị vua đương nhiệm của Na Uy đã xướng tên cậu, khen rằng chú cánh cụt này “thỏa mãn mọi điều kiện để nhận được những vinh dự và phẩm giá của một hiệp sĩ”. Đội Cận vệ gồm 130 thành viên cũng hàng trăm người khách tới dự khác đã chứng kiến cạnh thanh gươm được đặt xuống hai bên cổ Nils Olav – thủ tục xưng tước hiệp sĩ trong hoàng gia Châu Âu.

Chú cánh cụt thứ ba, Nils Olav Đệ Tam nhận lại chức danh và cái tên huyền thoại này vào năm 2008. Đến ngày 22 tháng 8 năm 2016, Nils Olav Đệ Tam được phong lên làm Thiếu tướng. Lễ phong tước có sự góp mặt của 50 thành viên đội Cận vệ Hoàng gia.

Vậy đó, Ngài Nils Olav đã đem lại vinh dự cho toàn bộ loài chim có cánh nhưng không biết bay như vậy đó.

QT (SHTT)

Nổi bật