Máy bay chiến đấu Trung Quốc |
Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), nhà phân tích Michael Peck đặt vấn đề: Sức mạnh trên không của Trung Quốc đang tăng lên. Nếu xung đột xảy ra trên bầu trời Đài Loan, liệu Washington có thể ngăn chặn Bắc Kinh?
Theo ông Peck, trong tương lai, nếu Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan, Mỹ có thể cần tới số máy bay nhiều gấp 15 lần số máy bay mà họ cần vào năm 1996 nếu muốn bảo vệ hòn đảo này.
Ông Peck cho biết, đó là ước tính do tập đoàn tư vấn RAND đưa ra khi phân tích các xu hướng có liên quan đến năng lực không quân của Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 2 tình huống: Trung Quốc dùng vũ lực với Đài Loan và xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông, với các mốc năm 1996, 2003, 2010 và 2017.
Nhóm nghiên cứu đã tính toán xem Mỹ cần triển khai bao nhiêu không đoàn (72 máy bay/không đoàn) để giành quyển kiểm soát trên không 24/7 ở Đài Loan và Biển Đông khi phải đối mặt với sự đột biến lớn về lực lượng máy bay của Trung Quốc.
Mỹ cần tới hơn 2.000 máy bay mới có thể ngăn được Trung Quốc "dứt điểm" Đài Loan. |
Họ cũng khảo sát thêm một số trường hợp khác để ước tính xem Mỹ cần tới bao nhiêu không đoàn mới có thể tiêu diệt 50% số máy bay Trung Quốc trong vòng 7 ngày và 21 ngày, buộc Trung Quốc phải thoái lui.
Kết quả thật bất ngờ. Năm 1996, Mỹ chỉ cần 2,1 không đoàn để giành quyền kiểm soát trên không ở Đài Loan. Tới năm 2003, con số này tăng lên 10,6 không đoàn và tới năm 2010 là 19,6 không đoàn.
Theo ước tính, vào năm 2017, Mỹ cần tới 29,9 không đoàn, tương đương hơn 2.000 máy bay để đối phó Trung Quốc ở Đài Loan.
Trong khi vào năm 1996, Mỹ chỉ cần 0,8 không đoàn là có thể tiêu diệt 50% lực lượng trên không mà Trung Quốc triển khai để tấn công Đài Loan thì vào năm 2017, Mỹ cần tới 7 không đoàn (gấp 9 lần) mới thực hiện được điều này.
Bản phân tích viết:
“Trong quá khứ, Không quân Trung Quốc không tạo ra nhiều mối đe dọa đối với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, trong vòng 2 thập kỷ, Trung Quốc đã nhanh chóng hiện đại hóa không quân.
Năm 1996, Trung Quốc mới tiếp nhận lô máy bay chiến đấu thế hệ 4 đầu tiên với 24 chiếc thì giờ đây, họ đã vận hành hơn 700 máy bay loại này.
Trong khi đó, Mỹ đã bổ sung vào kho vũ khí các tiêm kích thế hệ 5, nhìn chung, lực lượng máy bay chiến đấu của họ vẫn tiên tiến hơn và lớn hơn Trung Quốc”.
Trung Quốc đang tăng cường nhanh chóng sức mạnh không quân. |
Nhà phân tích Eric Heginbotham của RAND lưu ý rằng, nghiên cứu này không dựa trên cơ sở phân tích toàn diện tác chiến trên không và dữ liệu sử dụng đều được lấy từ các nguồn mở.
Nghiên cứu nhằm mục đích mô tả các xu hướng và khảo sát tác động từ những thay đổi trong sức mạnh không quân của Mỹ và Trung Quốc.
“Cả 2 phía đều tăng cường năng lực. Trong đó, điều gây tác động lớn hơn cả là việc (Trung Quốc) sẽ đưa vào trang bị 200-300 máy bay chiến đấu thế hệ 5 và thay thế 800 máy chiến đấu cơ thế hệ 2 bằng các tiêm kích thế hệ 4” - Heginbotham nói.
Nghiên cứu đã chỉ rõ một điều rằng: Mỹ không thể chiếm ưu thế trên không ở Đài Loan theo cái cách mà nước này đạt được vào những năm 1950 hay 1980.
Theo Heginbotham, điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể rút ra từ nghiên cứu này là Trung Quốc đã có những bước tiến rất nhanh trong năng lực quân sự.
Điều đó có thể thách thức sự thống trị không quân và hải quân của Mỹ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột tại những khu vực ngày càng cách xa lục địa và có thể gây ra thiệt hại đáng kể đối với các lực lượng Mỹ.
Theo Hải Vy (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)