Hành lý của cô gái 21 tuổi người Indonesia được đưa vào máy quét an ninh và cô nhớ đã đồng ý cho họ khám xét. Cho tới khi nhân viên hải quan kiểm tra balo của cô và phát hiện các viên màu trắng giấu bên trong, Yuni mới biết mình bị lừa. Yuni không phải tên thật của cô. CNN đã sử dụng tên gọi khác bởi cô gái từng bị cáo buộc buôn bán ma túy, hiện 23 tuổi, muốn có cuộc sống yên ổn.
Quay về năm 2018, nhiều giờ trước chuyến bay, sếp mới của Yuni đưa cho cô chiếc túi có khóa ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Cô nói rằng người đàn ông trung tuổi Nigeria, Peter, khẳng định đó "chỉ là quần áo" và hứa trả cô 1.000 USD nếu giúp mang tới Hong Kong. Nhưng cô chưa từng gặp lại Peter sau đó. Những viên màu trắng đó hóa ra là hai kg ma túy đá, với tổng giá trị 140.000 USD.
Vào lúc đó, Yuni trở thành một trong hàng chục nghìn phụ nữ bị bắt trong cuộc chiến chống ma túy ở châu Á. Cô bị bắt ở Hong Kong vì tình nghi buôn bán ma túy, tội danh phải lĩnh án tù chung thân ở thành phố này và có thể bị tử hình ở một số nơi khác trong khu vực.
Một hậu quả bị bỏ qua trong cuộc chiến chống ma túy ở châu Á là tác động quá lớn mà chúng gây ra đối với phụ nữ. Ngày nay, các nhà tù ở Đông và Đông Nam Á có tỷ lệ nữ tù nhân lớn nhất thế giới. Tại nhiều quốc gia, phần lớn số tù nhân nữ này bị bắt vì phạm tội liên quan tới ma túy, như Thái Lan là 82% và Philippines là 53%.
Hầu hết các nhà tội phạm học nhất trí rằng thực trạng này không phải do sự gia tăng hoạt động tội phạm của phụ nữ và là bản án khắc nghiệt hơn đối với tội nhẹ.
Phụ nữ có xu hướng trở thành mắt xích cuối cùng trong đường dây buôn bán với phần lớn bị phát hiện và bắt giữ. Không có số liệu chính xác về số lượng phụ nữ trở thành người vận chuyển ma túy. Nhưng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền bày tỏ quan ngại về hình phạt quá nặng tay đối với phụ nữ, đồng thời nghiên cứu về mối quan hệ giữa giới tính, tội phạm và công lý.
Yuni đã rất hào hứng khi nghe một người bạn nói về công việc ở nước ngoài hấp dẫn. "Tôi muốn khám phá thế giới", cô nói trong cuộc gọi video của ứng dụng WhatsApp từ thành phố Medan, Indonesia.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Yuni từng mơ ước vào đại học chuyên ngành kinh tế, nhưng phải từ bỏ để làm bồi bàn kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mẹ cô bị ốm và đồng lương công nhân xây dựng ít ỏi của bố không thể trang trải hết các chi phí.
Yuni kể người phụ nữ lớn tuổi người Indonesia phụ trách tuyển dụng đã đưa cô tới hòn đảo gần đó để phỏng vấn. Tại đây, cô được thông báo sẽ bắt đầu công việc ở Campuchia và sếp của cô tên là Peter.
"Tôi không chút nghi ngờ. Có lẽ tôi cũng không có đủ can đảm để hỏi họ điều gì", Yuni nói.
Cô thừa nhận mình quá ngốc khi không kiểm tra chiếc túi mà Peter đưa ở Phnom Penh. Nhưng Yuni nói rằng việc không có dấu vân tay phía trong túi đã hỗ trợ cho tuyên bố cô không biết về số ma túy được cất bên trong.
Số ma túy mà Yuni mang theo đến từ Tam Giác Vàng, vùng biên giới hiểm trở giữa Myanmar, Lào và Thái Lan, một trong số trung tâm buôn bán ma túy sầm uất nhất của thế giới. Nhiều năm gần đây, các cánh đồng cây thuốc phiện đã nhường chỗ cho "phòng thí nghiệm" trong rừng sâu, nơi tổng hợp ma túy để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn. Ngày nay, Đông Nam Á là "điểm nóng" buôn bán ma túy đá toàn cầu, trong đó riêng khu vực Thái Bình Dương đã có giá trị lên tới 61 tỷ USD mỗi năm.
Không bị tê liệt vì đại dịch, Hong Kong được xem là trung tâm trung chuyển hàng không lớn có kiểm soát an ninh tốt. Thành phố này phạt rất mạnh tay đối với hành vi buôn bán ma túy, theo báo cáo hồi tháng 3 của công ty luật Linklaters, Anh. Phụ nữ bị truy tố tội danh này thường đối mặt với bản án từ 14-20 năm tù, một trong số khung hình phạt khắc nghiệt nhất trong 18 khu vực pháp lý của báo cáo trên.
Khi không ai tới khách sạn nhận túi đồ như Yuni khai báo với nhân viên hải quan, cô đã bị cảnh sát đưa tới nhà tù nữ Tai Lam, nơi có an ninh nghiêm ngặt ở Hong Kong.
Sau đó, Yuni gặp John Wotherspoon, linh mục 73 tuổi người Hong Kong chuyên giúp đỡ những người rơi vào hoàn cảnh như cô bằng cách chia sẻ câu chuyện của họ. Ông tìm hiểu câu chuyện của họ, qua đó lần ra manh mối về trùm ma túy đứng sau. Thậm chí ông còn tìm đến nhà của họ để tìm kiếm bằng chứng cho thấy họ vô tội.
Năm 2018, sau khi nghe câu chuyện của Yuni, Wotherspoon phát hiện kẻ buôn ma túy trong câu chuyện của cô có nhiều điểm tương đồng với kẻ đứng sau vụ án của May Lazarus, một người Indonesia khác cùng bị giam ở nhà tù này.
"Khi tôi đưa Yuni xem bức ảnh của Peter, cô ấy suy sụp. Cô bật khóc trong giận dữ", ông kể.
Năm đó, Wotherspoon bay tới Campuchia tìm Peter với hy vọng bí mật ghi lại việc anh ta thừa nhận lừa người Indonesia. Ông không thể tìm thấy Peter nhưng đã chia sẻ phát hiện của mình với cảnh sát Hong Kong và Campuchia, cũng như các đội pháp lý dành cho phụ nữ.
"Tôi hy vọng có thể ngăn người khác bị lừa bằng cách công khai các trường hợp này", ông nói.
Lazarus chia sẻ về câu chuyện của mình có nhiều điểm tương đồng với Yuni. Tháng 12/2016, cô cũng bị bắt ở sân bay quốc tế Hong Kong vì vận chuyển ma túy, ở tuổi 21. Giới chức phát hiện 2,6 kg ma túy đá trong vali cô mang theo từ Abidjan, thành phố ở Bờ Biển Ngà. Nhưng hành trình của cô cũng bắt đầu từ Phnom Penh.
Người mẹ trẻ nói rằng cô được giới thiệu với Peter thông qua người phụ nữ từng tuyển dụng Yuni, sợi dây kết nối mà họ phát hiện ra trong tù khi Wotherspoon lắp ghép hai câu chuyện với nhau.
Nhưng Lazarus cho biết cô không tìm kiếm việc làm như Yuni, mà theo đuổi tình yêu nhằm thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi nói chuyện trên ứng dụng nhắn tin, cô gặp Peter ở Campuchia, nơi anh ta mời cô tới Abidjan.
Tới ngày bay, Peter tìm cách rút lui với lý do bận công việc đột xuất, nhưng đề nghị cô tới đó và mang về một số hành lý.
"Anh ta rất biết cách dỗ ngọt. Vì vậy tôi nói 'được, sao lại không chứ'. Đó là chuyến đi miễn phí mà", cô kể.
Lazarus nói không biết chiếc vali mà bạn bè anh ta đưa có chứa ma túy. Cô đã ở hai đêm ở khách sạn trước khi Peter sắp xếp cho cô chuyến bay về Malaysia, quá cảnh ở Hong Kong.
Lúc đầu Lazarus nhận tội buôn bán ma túy, nhưng sau đó đã kháng cáo với hy vọng có thể sớm trở về với đứa con mới chập chững. Cô cho biết hỗ trợ pháp lý miễn phí ở Hong Kong cùng sự giúp đỡ của Wotherspoon đã tiếp thêm sức mạnh cho cô chống lại cáo buộc này.
Sau 2,5 năm ngồi tù, cô đã được trả tự do hồi tháng 6 khi một phiên tòa xác nhận cô vô tội. 4 tháng sau, Lazarus trở lại Hong Kong làm nhân chứng cho Yuni, người sau đó cũng được thả tự do. Không có thông tin chi tiết được công bố xung quanh hai quyết định của tòa án.
Giới tính đã trở thành "điểm mù" trong hiểu biết về tư pháp hình sự trong thời gian dài, theo Delphine Lourtau, giám đốc điều hành Trung tâm về Án tử hình toàn cầu Cornell. Báo cáo năm 2018 do bà là đồng tác giả cho thấy bất bình đẳng giới xuất hiện ngày càng nhiều trong các vụ xét xử phụ nữ phạm tội ma túy. Họ khó có khả năng tiếp cận đại diện pháp lý hoặc bảo lãnh. Phụ nữ bị buộc tội buôn bán ma túy nhẹ đôi khi cũng phải nhận mức án dài hơn so với nam giới, vì họ ít có thông tin về các thỏa thuận bào chữa.
Theo Samantha Jeffries, giảng viên cấp cao về tội phạm học tại Đại học Griffith, Australia, các vụ xét xử cũng ít xem xét tới các yếu tố giảm nhẹ như hoàn cảnh cá nhân, như bị lợi dụng thông qua lừa đảo hẹn hò qua mạng.
Malaysia là một trong số nước Đông Nam Á có hình phạt tử hình khắc nghiệt nhất. Năm 2019, ít nhất 1.281 người đã bị tử hình, gấp gần ba lần Thái Lan, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế. Án tử chủ yếu dành cho tội phạm ma túy, được thực hiện bắt buộc từ năm 1983 khi quốc gia này xem ma túy là kẻ thù lớn nhất. Mặc dù năm 2017, yếu tố bắt buộc đã được bãi bỏ, nhiều thẩm phán vẫn thường kết án tử đối với tội danh này.
95% trong 141 phụ nữ bị kết án tử tính tới tháng 2/2019 là tội phạm ma túy, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 70%. Và khoảng 90% phụ nữ bị kết án tử liên quan tới ma túy là người nước ngoài.
Trở lại Medan, Yuni đã tìm được việc ở nhà máy chế biến thịt gia cầm. Cô thường xuyên nghĩ về những người phụ nữ bị bắt giam ở Hong Kong và hy vọng không ai rơi vào hoàn cảnh giống cô.
Jeremy Douglas, đại diện khu vực của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) nói nhiều nước "vẫn tiếp tục kết án người vô tình trở thành tội phạm buôn bán ma túy dù họ vô tội. UNODC đang theo đuổi cải cách về lĩnh vực này nhằm giúp "nạn nhân" trong các đường dây buôn ma túy không bị kết án oan.
Yuni đang cố gắng xây dựng cuộc sống mới. "Nhiều người không tin tôi vô tội. Nhưng ông trời và tòa án đã cho tôi cơ hội. Mẹ tôi ủng hộ tôi. Lần sau không ai có thể lừa tôi nữa", Yuni nói.
Theo Thanh Tâm (Vnexpress.net)