Tại làng Pi ở ngoại ô Bắc Kinh, một người đàn ông đã ngoại ngũ tuần tên Ren đang trộn vữa để xây nhà. Tay làm, miệng nói, ông thong thả trả lời những câu hỏi về chủ đề... tiền sính lễ. Hồi cưới vợ, tiền sính lễ nhà trai của ông là 800 NDT (khoảng 2.800.000 VND), được coi là rất nhiều vào thời điểm đó.
Mười hai năm trước, một trong những người con của ông Ren kết hôn, đồng thời nhà ông Ren phải bỏ ra khoản sính lễ 8000 NDT (khoảng 28.000.000 VND). Lại vài năm trôi qua, một người con khác của ông Ren lập gia đình, và lần này, món tiền sính lễ lên tới 100.000 NDT (khoảng 350.000.000 VND), đảm bảo một cách vững chắc cho tương lai phụ hồ tới tuổi 60 của ông Ren.
Giống như Ấn Độ, người Trung Quốc có truyền thống thuyền theo lái gái theo chồng; một cô gái sau khi kết hôn sẽ về nhà chồng và chăm sóc cha mẹ chồng luôn. Do đó, hai quốc gia này đều có sự thiên lệch về ý muốn sinh con trai; đồng thời từ đó sinh ra tục lệ sính lễ, khi mà cha mẹ của chú rể sẽ là người sẽ tổ chức và chi trả cho đám cưới, đồng thời lo cho các khoản tiền phát sinh. Tiền sính lễ theo thời gian cũng tăng dần lên, như một cơ chế kinh tế thị trường mà thôi.
Nguyên nhân, như ông Ren giải thích, là do sự mất cân bằng giới tính, dương thịnh âm suy. Nếu như không có sự can thiệp nào, tỉ lệ sinh nở tự nhiên sẽ nằm ở mốc cứ 105 bé trai ra đời tương đương với 100 bé gái - chỉ có 5 anh đàn ông lớn lên là không lấy được vợ. Thế nhưng, như đã nói ở trên, chẳng ai muốn sinh con gái rồi nhìn nó về nhà chồng, thế là người ta cứ tìm cách can thiệp để sinh con trai. Cho tới năm 2010, tỉ lệ chênh lệch đã lên tới 119 bé trai trên 100 bé gái. Theo hai nhà nhân khẩu học John Bongaarts và Christophe Guilmoto, Trung Quốc ước tính đang thiếu mất hơn 60 triệu phụ nữ và bé gái.
Ở tỉnh Sơn Đông, ở miền đông Trung Quốc, tỷ số giới tính trẻ em thậm chí còn lệch cân. Cán cân nam nữ từng rất cân bằng vào năm 1990, nhưng sau 20 năm y khoa tiên tiến, đến năm 2010, tỉ số này lại đạt mốc bé trai/ bé gái là 123/100. Hơn nữa, trai làng ta chưa chắc giữ được gái làng ta, Sơn Đông lại nằm kẹp giữa Bắc Kinh và Thượng Hải như cái xúc xích nằm trong bánh mì. Có điều, ở đây bánh lại ngon hơn nhân, vì thế các cô gái lại ưa thích những chàng trai thành phố hơn các nam nhân cây nhà lá vườn. Vậy là, đàn ông ở Sơn Đông lại càng khó kiếm vợ hơn nữa.
Ở Zhongdenglou, một ngôi làng nhỏ nhắn ở miền Tây Sơn Đông tồn tại nhân vật Deng Zhikuan, 30 tuổi, chức danh: chủ cửa hàng tạp hóa. Khi anh kết hôn cách đây mười năm, tiền sính lễ rơi vào khoảng 2.000 đến 3.000 NDT (từ 7 đến 10 triệu đồng). 10 năm trôi qua, vật giá leo thang chóng mặt không chừa cả cô dâu, tiền sính lễ giờ đây rơi vào khoảng 200.000 tới 300.000 NDT (từ 700 triệu tới hơn 1 tỷ đồng), một số chỗ lên tới 500.000 NDT (khoảng 1,6 tỷ đồng, tương đương với mức lương khá ấm áp của người lao động Trung Quốc trong cả 1 năm).
Sự mất cân bằng giới tính ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang làm cho nhiều nhà trai rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều người phải cơi nới nhà cửa nhìn cho hoành tránh để con trai dễ lấy le với phụ nữ; nhiều người cho con trai tiền để mua trang sức đồng thời chịu chi cho các bức ảnh cưới xa hoa. Ban đầu, họ sử dụng tiền tiết kiệm, sau đó bắt đầu phải đi vay, mặc dù ngay tỉ lệ tiền tiết kiệm trên thu nhập tháng của một cặp vợ chồng Trung Quốc cũng đã chiếm tới 38% (người Đức chỉ tiết kiệm được 10%). Hai học giả, Shang-Jin Wei và Xiaobo Zhang, ước tính rằng việc tiết kiệm cho con đi lấy vợ ở Trung Quốc trong giai đoạn 1990-2007 có thể đã tăng lên cao do chi phí hôn nhân gia tăng trong một xã hội có quá nhiều nam giới.
Tình trạng này sẽ còn xấu đi - nhiều người lo lắng như vậy. Cánh đàn ông chưa lập gia đình giờ đây cần cả lợi thế về mặt địa lý, thu nhập và địa vị xã hội, trong khi phụ nữ- đang được săn đón - sử dụng lợi thế giới tính của mình để tìm tấm chồng thu nhập cao. Việc này làm cho nhiều người nghèo và không biết chữ ở nông thôn có nguy cơ trăm năm cô đơn, đồng thời có khả năng dẫn đến những tệ nạn xã hội như mại dâm, bắt cóc và thậm chí là tội phạm có tổ chức miền sơn cước.
Ngoài ra, hệ lụy rõ ràng hơn có thể thấy, chính là "nhập khẩu cô dâu". Thiếu gì mua nấy, nhiều người Trung Quốc đã chọn cách mua vợ từ nhiều nước khác, đặc biệt là Việt Nam. Nhiều người cũng chọn di cư tới các thành phố lớn để kiếm tiền cưới vợ. Hệ lụy không thể tránh được là, Trung Quốc sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu kéo dài tới hàng thập kỷ trước khi vấn đề được giải quyết.
Tuy nhiên, mọi chuyện cũng đang dần biến chuyển theo hướng tích cực. Nhiều gia đình Trung Quốc hiện đang coi con trai là gánh nặng kinh tế hơn là sự đảm bảo với tuổi giả của họ. Tỉ lệ chênh lệch vào năm 2004 là 121 bé trai trên 100 bé gái đã giảm xuống còn 114/100 vào năm 2015. Những cặp vợ chồng cách đây 20 - 30 năm bị nhạo báng vì không có người nối dõi tông đường giờ đây đang được tận hưởng thành quả - những đứa con gái xinh xắn và cao giá trong xã hội.
Theo Nam Thanh (Helino)