Sự thiếu hiểu biết về người Nhật và nước Nhật còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật, mà rào cản lớn nhất là ngôn ngữ.
Khi bàn luận về những vụ án này, bên cạnh nỗi lo lắng về hình ảnh đất nước bị xấu đi và cộng đồng người Việt ở Nhật bị ảnh hưởng, nhiều người cũng đặt câu hỏi: “Tại sao lại như vậy?”.
Từ những trải nghiệm của một du học sinh đã từng sống bảy năm rưỡi ở Nhật, tiếp xúc với người Việt làm nhiều nghề khác nhau ở Nhật, tham gia phiên dịch hỗ trợ pháp lý một số vụ việc liên quan đến người Việt ở Nhật, tôi nhận ra một trong những nguyên nhân là do nhiều người Việt thiếu hiểu biết về Nhật Bản.
Báo Mainichi của Nhật đưa tin vụ 7 nghi phạm người Việt tham gia vụ ăn cắp mĩ phẩm. |
Mù mờ trước khi đến...
Rất nhiều người lao động và du học sinh Việt Nam đến Nhật Bản mà trước đó hiểu rất ít về Nhật Bản, ngay cả những thông tin dưới dạng sơ đẳng, cơ bản nhất.
Những thông tin về nước Nhật từ phong tục, tập quán, sinh hoạt tới luật pháp, giao thông… đều có thể tìm kiếm trên Internet hoặc từ sách. Sự tư vấn trực tiếp của những người đã và đang sống ở Nhật cũng là nguồn thông tin quý giá. Tuy nhiên, rất ít người Việt Nam trước khi đến Nhật chịu bỏ công sức ra tra cứu hoặc đọc sách, hoặc tham gia các nhóm cộng đồng người Việt sống ở Nhật trên các mạng xã hội để tham khảo thông tin.
Từ trải nghiệm của chính bản thân khi tư vấn, cung cấp thông tin cho nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên muốn du học hoặc làm việc tại Nhật, tôi thấy không ít người khi hỏi chỉ muốn nghe những thông tin có “tính lạc quan” để giúp họ yên tâm lên đường tới Nhật để mong “đổi đời”.
Họ không muốn nghe và có vẻ không tin vào những con số, những ví dụ về sự thất bại, rắc rối mà người Việt có thể gặp phải ở Nhật. Họ tìm tới những người nắm giữ thông tin chỉ là để tìm kiếm cảm xúc “đồng cảm với sự ra đi” để thêm yên tâm với lựa chọn của mình.
Thái độ và tư duy tiếp cận thông tin như thế là miếng đất màu mỡ cho các hành vi lừa đảo.
Đến rồi vẫn tiếp tục... mù mờ
Sự thiếu hiểu biết về người Nhật và nước Nhật còn tiếp diễn ngay cả khi người Việt đã đến Nhật sinh sống, học tập và làm việc, mà rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. Các du học sinh vào học các trường tiếng Nhật, đặc biệt là các trường đưa ra lời hứa hẹn “vừa học vừa làm” hầu hết chưa nói được tiếng Nhật ở mức giao tiếp đời sống hàng ngày khi đến Nhật. Các thực tập sinh trước khi nhập cảnh vào Nhật thường đã được học từ 3-6 tháng học tiếng Nhật ở các công ty phái cử.
Biển cảnh báo bằng tiếng Việt trong một shop thời trang ở Nhật |
Tuy nhiên, sự học đó hoàn toàn chưa đủ. Hầu hết họ không nghe được những gì người Nhật nói. Những du học sinh trường tiếng Nhật dạng “vừa học vừa làm” sau đó sẽ bị cuốn vào chuyện đi làm tối ngày. Môi trường học tiếng Nhật có tính “sách vở” và giao tiếp thuần túy theo “bài” với giáo viên tiếng Nhật trên lớp, những người đã quá quen thuộc với cách nói tiếng Nhật của người nước ngoài không giúp họ cải thiện kĩ năng tiếng Nhật.
Với vốn tiếng Nhật mỏng manh khi đi làm họ cũng thường chỉ được làm các công việc có tính “chân tay” không cần giao tiếp nhiều, không được tiếp xúc với khách hàng. Hơn nữa trong khi làm việc người Nhật thường hạn chế nói chuyện hoặc tuyệt đối không nói chuyện riêng vì thế kĩ năng nghe, nói tiếng Nhật không tiến bộ.
Đối với thực tập sinh, sau một tháng học tập trung ở nghiệp đoàn họ sẽ về công ty “thực tập” (thực chất là lao động). Công việc vất vả, bận rộn khiến động lực học tiếng Nhật của họ không còn. Trong quá trình dạy tiếng Nhật cho các thực tập sinh, tôi nhận ra vấn đề lớn nhất của họ đối với tiếng Nhật không phải nằm ở năng lực nhận thức mà ở chỗ không có động lực học.
Rất ít người có quyết tâm học tiếng Nhật để cải thiện đời sống, môi trường làm việc và xây dựng nền tảng cho tương lai. Có những công ty trả cả tiền lương cho thực tập sinh trong thời gian họ học tiếng Nhật vào thứ bảy, Chủ nhật nhưng cũng không nhiều người học hành chăm chỉ.
Chuyện này cũng xảy ra tương tự đối với các du học sinh ở các trường đại học và sau đại học học tập bằng tiếng Anh. Cuộc sống hiện đại, tiện lợi và hỗ trợ tối đa khách hàng ở Nhật đã khiến cho người nước ngoài có thể sống thoải mái ở mức độ nhất định mà không cần phải biết… một từ tiếng Nhật.
Theo Nguyễn Quốc Vương (VietNamNet)