Hội nghị ở Geneva ngày 16/6 là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin kể từ khi ông Biden làm chủ Nhà Trắng.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ hy vọng cuộc gặp có thể dẫn đến các mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước, dù họ vẫn mâu thuẫn về nhiều vấn đề, từ Ukraina đến Syria và vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị bỏ tù.
Reuters nêu ra một số vấn đề mà hai vị tổng thống có thể sẽ đạt tiến bộ khiêm tốn.
Tấn công mạng bằng mã độc
Các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền (Ransomware) - được cho là liên quan đến Nga và đã hai lần nhắm vào cơ sở hạ tầng của Mỹ - đang là mối quan tâm của Washington.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) chưa tiết lộ bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chính phủ Nga tham gia vào các cuộc tấn công như vậy nhằm vào hãng vận chuyển nhiên liệu Colonial Pipeline và công ty đóng gói thịt JBS SA của Brazil. Tổng thống Putin gọi cáo buộc cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm là điều ngớ ngẩn.
Tuy nhiên, ông Biden dự định sẽ nêu ra vấn đề này và muốn giới chức Nga phải truy quét những tên tội phạm mạng như vậy. Nhà lãnh đạo Mỹ có thể cũng sẽ bày tỏ quan ngại về sự can thiệp qua mạng của Nga vào chính trị Mỹ, điều mà Moscow luôn phủ nhận.
Nhân quyền, Navalny
Tổng thống Biden cho biết chính quyền của ông sẽ ưu tiên thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trên toàn cầu, đồng thời không ngại cảnh báo các quốc gia về hồ sơ của họ. Washington chỉ trích Moscow về cách thức đối xử với nhà bất đồng chính kiến Alexei Navalny và cáo buộc ông này bị đầu độc. Ông nói rằng Navalny nên được trả tự do.
Phía Kremlin phủ nhận vụ đầu độc, viện dẫn chính trị Nga là vấn đề trong nước, và yêu cầu Washington tránh xa. Moscow cũng tuyên bố không nghe rao giảng từ một nước cũng có nhiều vấn đề nhân quyền của chính mình.
Vũ khí hạt nhân
Hiện nay hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới đang muốn đàm phán về việc kiểm soát vũ khí để đảm bảo mối quan hệ ổn định giữa quân đội hai nước. Hồi tháng 2, Nga và Mỹ đã gia hạn Hiệp ước START Mới thêm 5 năm. Hiệp ước này giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa và máy bay ném bom mà mỗi bên có thể triển khai. Moscow muốn mở rộng lâu hơn nữa, sẽ bao gồm cả các hệ thống mới hơn.
Sau khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung chấm dứt năm 2019, Nga cũng muốn đạt một thỏa thuận mà không bên nào được triển khai một số tên lửa nhất định trên đất châu Âu.
Ukraina
Mỹ là đồng minh mạnh mẽ nhất của Ukraina kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm năm 2014, sự kiện kéo căng quan hệ giữa Moscow và phương Tây.
Việc Nga tăng cường lực lượng ở Crưm và gần biên giới Ukraina hồi đầu năm nay khiến Washington khó chịu. Các lãnh đạo NATO hôm 14/6 đã nhắc lại một quyết định hồi năm 2008 rằng một ngày nào đó Ukraina có thể tham gia liên minh quân sự này, nhưng ông Biden yêu cầu Kiev trước hết phải diệt trừ tận gốc tham nhũng và đáp ứng nhiều tiêu chí khác.
Tổng thống Putin tuyên bố Ukraina là 'lằn ranh đỏ' và ông muốn Washington tránh xa. Nhà lãnh đạo Nga phản bác ý kiến Ukraina là thành viên NATO, khẳng định Crưm là của Nga và yêu cầu Kiev phải đối thoại với lực lượng ly khai ở miền đông Ukraina nếu muốn vùng lãnh thổ này trở lại dưới bất kỳ hình thức nào.
Các đại sứ, dịch vụ lãnh sự
Tình hình của các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài là một lĩnh vực mà cả hai bên đều tin rằng có thể tiến triển.
Hồi tháng 3, Moscow đã triệu hồi đại sứ của mình tại Washington, ông Anatoly Antonov, sau khi Tổng thống Biden có những lời lẽ gay gắt nhằm vào người đồng cấp Nga. Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Moscow, John Sullivan, cũng trở về Washington để tham vấn trong tháng 4.
Một thỏa thuận để cả hai nhà ngoại giao này trở lại vị trí của họ sẽ phát đi tín hiệu rằng hai bên đạt được một số tiến bộ. Cũng có thể có chỗ cho một thỏa thuận nhỏ về thị thực và các nhân viên đại sứ quán.
Để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga đã áp đặt giới hạn về số lượng nhân viên địa phương mà đại sứ quán Mỹ có thể tuyển dụng, buộc Washington phải cắt giảm các dịch vụ lãnh sự.
Tù nhân
Nga đang giam giữ cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan về tội gián điệp và Trevor Reed, một cựu lính thủy đánh bộ khác của Mỹ, vì cáo buộc tấn công một sĩ quan cảnh sát. Cả hai đều khẳng định không làm gì sai.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Geneva, gia đình của hai người này đã lên tiếng đòi trả tự do cho họ.
Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc trao đổi tù nhân hay không, Tổng thống Putin nói với NBC News: "Có, tất nhiên là có".
Luật sư người Nga của Whelan trước đây từng gợi ý rằng Moscow sẽ quan tâm đến một thỏa thuận đưa trùm buôn vũ khí Viktor Bout và phi công Konstantin Yaroshenko, người bị kết tội âm mưu buôn lậu cocaine vào Mỹ, về nước.
Theo Thanh Hảo (VietNamNet)