Những chaebol Hàn chao đảo vì chuyện "huynh đệ tương tàn"

21/03/2017 10:53:00

Bên trong những công ty gia đình lớn mạnh nhất của Hàn Quốc, cảnh anh em, bố con đấu đá để tranh giành quyền lực không phải hiếm gặp.

Bên trong những công ty gia đình lớn mạnh nhất của Hàn Quốc, cảnh anh em, bố con đấu đá để tranh giành quyền lực không phải hiếm gặp.

Cả Shin Kyuk Ho và 3 con ông, 2 trai 1 gái, đều đang bị truy tố với nhiều tội danh khác nhau trong nghi án này. Shin Dong Bin, người hiện là chủ tịch tập đoàn Lotte, cho rằng cáo buộc chi những khoản tiền bất hợp pháp nhắm vào ông là không công bằng. Đó là những khoản chi do bố ông sắp xếp.

Theo Bloomberg, đây không phải lần đầu tiên cha con và anh em nhà họ Shin đối đầu nhau tại tòa án.

Nhung chaebol Han chao dao vi chuyen 'huynh de tuong tan' hinh anh 1
(Trái qua) Con thứ Shin Dong Bin (đang nắm quyền), người cha và là nhà sáng lập Lotte Shin Kyuk Ho, cùng người con cả Shin Dong Joo. Ảnh: Asia Nikkei Review.

Những cuộc đảo chính trong gia tộc

Bảy thập niên trước, Shin Kyuk Ho, khi đó là một thanh niên Hàn Quốc tốt nghiệp từ Đại học Waseda (Nhật Bản), thành lập công ty Lotte tại Nhật. Từ một doanh nghiệp sản xuất kẹo cao su, Lotte lớn mạnh thành tập đoàn sở hữu chuỗi cửa hàng miễn thuế lớn nhất Hàn Quốc, các rạp phim, công viên giải trí...

Hai anh em Dong Joo và Dong Bin được nuôi dưỡng tại Nhật Bản. Về sau, người anh Dong Joo được giao nắm Lotte Nhật Bản trong khi Dong Bin điều hành Lotte Hàn Quốc. Về mặt lý thuyết, khi đó Lotte Nhật Bản sở hữu Lotte Hàn Quốc.

Tháng 1/2015, Dong Joo mất quyền kiểm soát Lotte Nhật Bản. Ông thuyết phục người cha hơn 90 tuổi của mình rằng Chủ tịch Takayuki Tsukuda của Lotte Holdings, công ty điều hành tập đoàn Lotte, đã dựng chuyện những thua lỗ của Lotte là do Dong Joo.

Người con trai cả mất nhiều tháng để được cha tin tưởng. Tháng 7/2015, khi Shin Kyuk Ho bay đến Tokyo để khôi phục lại vị trí cho Dong Joo, Dong Bin và ban điều hành Lotte Holdings từ chối gặp ông. Rất nhanh sau đó, người sáng lập Lotte thấy vị trí của mình trong ban điều hành cũng bị tước đoạt luôn trong một cuộc họp khẩn cấp do Dong Bin triệu tập.

Shin Kyuk Ho trở thành "chủ tịch danh dự" của Lotte trong khi người con thứ nắm quyền kiểm soát cả Lotte Hàn Quốc lẫn Nhật Bản. Kể từ đó, Shin Dong Joo và Shin Kyuk Ho đã nhiều lần đâm đơn kiện nhằm đẩy Shin Dong Bin ra khỏi vị trí chủ tịch Lotte Holdings.

Forbes cho biết Shin Dong Joo cũng nhiều lần triệu tập cuộc họp hội đồng cổ đông của Lotte Holdings để yêu cầu phế truất Shin Dong Bin nhưng thất bại.

Cho đến nay, kế hoạch "đảo chính" lại của người anh cả trong gia đình Lotte chưa một lần thành công. Dù vậy, ông hy vọng kết quả phiên tòa vụ án tham nhũng của Lotte có thể đẩy người em trai vào tù và mang lại cơ hội mới cho ông.

Gia đình Lotte cùng hầu tòa vì bê bối của cựu tổng thống Park Nhà sáng lập Lotte Shin Kyuk Ho cùng ba con, gồm hai trai và một gái, ra tòa với các cáo buộc liên quan đến bê bối của cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.

'Cắt' tập đoàn chia các con

Korea Herald dẫn thông tin từ Chaebul.com, một trang web chuyên theo dõi các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc, cho biết có ít nhất 18 trong số 40 tập đoàn của Hàn Quốc đã hoặc đang trải qua cảnh anh em đấu đá trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Khi gần về hưu, nhà sáng lập Chung Ju Yung đã để con trai thứ năm Chung Mong Hun giữ vai trò đồng chủ tịch tập đoàn Hyundai. Việc này khiến người con thứ hai Chung Mong Koo, đang đóng vai trò như anh cả sau cái chết của người con đầu, nổi giận.

Nhung chaebol Han chao dao vi chuyen 'huynh de tuong tan' hinh anh 2
Chung Mong Koo, người con thứ 2 của nhà sáng lập Huyndai Chung Ju Yung.

Năm 2000, khi Hyundai đang là tập đoàn gia đình lớn nhất Hàn Quốc, Mong Koo đã tranh thủ lúc Mong Hun đi vắng để sa thải Lee Ik Chi, giám đốc công ty con chuyên về tài chính Hyundai Securities. Ba ngày sau, Mong Hun trở về và đến gặp cha ông nhằm lật lại quyết định, thuyết phục người cha sa thải Mong Koo.

Sau nhiều tháng đấu đá và tranh cãi, người sáng lập Hyundai thông báo tất cả sẽ từ chức, bao gồm chính ông. Dù vậy, sau đó Chung Ju Yung tỏ ý muốn Mong Hun là người thừa kế.

Cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đã dẫn đến sự chia cắt tập đoàn Hyundai. Người anh Mong Koo kiểm soát bộ phận máy móc tự động và 9 phần khác của Hyundai để lập nên tập đoàn Hyundai Motor Group. Trong khi đó, người em kiểm soát bộ phận công nghiệp nặng và tàu biển.

Nhung chaebol Han chao dao vi chuyen 'huynh de tuong tan' hinh anh 3
Chung Mong Hun. Ảnh: Alchetron.

Người sáng lập Hyundai qua đời năm 2001 vì tuổi già. Đến năm 2003, Chung Mong Hun tự sát giữa bê bối dùng tiền để vận động hành lang cho một hội nghị liên Triều và cáo buộc bí mật chuyển tiền cho chính phủ Triều Tiên.

Người anh Chung Mong Hun cũng dính vào vòng lao lý nhưng hưởng án treo rồi được Tổng thống Lee Myung Bak ân xá.

Samsung, hiện là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, cũng từng lâm vào cảnh anh em bất hòa. Năm 2012, Lee Maeng Hee, con trai cả của nhà sáng lập Lee Byung Chul, đâm đơn kiện Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee, người đồng thời là em trai ông. 

Lee Maeng Hee, cùng với em gái Lee Seok Hee, cáo buộc Lee Kun Hee đã giấu đi khoản thừa kế 4 nghìn tỷ won thừa kế từ Lee Byung Chul. Hai người con lớn yêu cầu được chia một phần trong số tiền thừa kế đó.

Trong lúc hai anh em trong gia đình quyền lực bậc nhất Hàn Quốc tranh chấp nhau trước tòa, con trai và là người thừa kế của Lee Kun Hee, Lee Jae Yong đã ký giấy xin bảo lãnh cho con trai của bác mình khi đó đang bị bắt giữ, một động thái cho thấy sự phá băng quan hệ trong gia tộc.

Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật