Với thế hệ 7X - 9X, nhiều người đã quen thuộc với khung cảnh Hồng Kông qua những bộ phim truyền hình thời vàng son, gây tiếng vang khắp châu Á. Nhưng theo thời gian, nền công nghiệp giải trí xứ Cảng Thơm trải qua nhiều biến chuyển, bị đánh giá là kém sức hút hơn trước, một phần cũng do ngày nay khán giả có quá nhiều lựa chọn.
Hồng Kông như vậy cũng dần nép mình vào một góc kí ức của người xem. Nhưng chỉ cần bắt gặp những bức ảnh từ thành phố náo nhiệt này là "mọt phim" ATV, TVB lại cảm thấy rạo rực, ví dụ như với bộ ảnh dưới đây.
Ảnh do Gary Jones chụp vào đầu năm 2019, ghi lại khung cảnh từ Vượng Giác đến Du Ma Địa, từ ông chú làm cờ mạt chược đến bà dì "đánh kẻ tiểu nhân"... Họ đều đã ở tuổi xế chiều, cố duy trì cái nghề "muôn năm cũ", khó mà kiếm được truyền nhân đời tiếp theo. Thế nhưng, ánh mắt của họ vẫn đầy quyết tâm, miệng nở nụ cười như những "lá xanh" (nhân vật quần chúng) quen thuộc mà chúng ta đã thấy từ thước phim năm nào.
Au-yeung Ping-chi, quầy bán đồ mã
Ping-chi làm đồ mã suốt 20 năm nay, là nghề cha truyền con nối. Suốt hàng chục năm, anh nhận đủ mọi yêu cầu của khách hàng để chuẩn bị đồ cúng bái cho người thân đã qua đời. Có thứ đơn giản như đôi giày, ngôi nhà, cũng có thứ "hiện đại" như máy chơi game Nintendo Game Boy. Mỗi ngày Ping-chi làm việc 10 giờ đồng hồ, đôi bàn tay tỉ mỉ tạo ra từng món đồ mã, được báo phương Tây đánh giá là "nghệ thuật giấy kì lạ nhất Hồng Kông".
Dì Yan "đánh kẻ tiểu nhân"
Giữa dòng người tấp nập ngược xuôi trên đường Canal Road, có một bà dì lớn tuổi họ Yan ngồi dưới cầu cao tốc, hành nghề "đánh tiểu nhân". Như trong phim, dì Yan đánh và đốt hình nộm bằng giấy - "thế thân" cho những những người mà khách hàng ghét. Dì Yan có nụ cười tươi rói, ấm áp trái ngược với bầu không khí xung quanh. Dì khẳng định việc mình làm giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn, trút được gánh nặng trong lòng chứ không phải muốn "trù dập" ai.
Wu Ding Keung, thợ khắc chữ thư pháp
Cụ Wu năm nay 82 tuổi, là một trong những người khắc gỗ cuối cùng ở xứ Cảng Thơm. Tiệm của cụ nằm ở góc đường Argyle, Vượng Giác, đã mở 30 năm nay. Khi phóng viên xin chụp ảnh, ông cụ hồ hởi cho xem cuốn sổ viết tay chữ thư pháp, đính kèm hàng loạt ghi chú về yêu cầu của khách hàng.
Sau một hồi trò chuyện, cụ chia sẻ rằng có những ngày không kiếm nổi 1 người khách, nhưng ông vẫn "kiếm chuyện để làm cho thấy mình bận rộn". Mà thực ra cũng không bao giờ hết việc, bởi nhiều khi cụ Wu mất tới 3 ngày mới hoàn thành một tác phẩm ưng ý.
Raymond Lam, thợ làm lồng hấp điểm tâm
Ông Raymond Lam mở xí nghiệp Tuck Chong Sum Kee Bamboo Steamer, sản xuất lồng hấp dimsum (điểm tâm) bằng tre. Cơ sở sản xuất kiểu này ở Hồng Kông cũng chỉ còn mỗi nhà ông làm mà thôi.
Hàng ngày, Lam dậy sớm rồi tất bật luôn tay luôn chân với một cậu nhóc học việc, làm thủ công từng chiếc khuôn cho tròn, đan tre sao cho vừa đủ chắc lại mềm dẻo. Có như vậy thì điểm tâm khi đưa vào hấp mới cho ra đầy đủ hương vị đặc trưng.
Bà Hồ, đoán xem bà làm nghề gì?
Người phụ nữ nhỏ nhắn này là chủ của tiệm cân Lee Wo. Căn tiệm này ở Du Ma Địa, đã bán cân quả tạ suốt 90 năm nay, từ thời cha của bà Hồ. Đến giờ, cụ bà tinh thông mọi "ngón nghề" chế tạo cân nhưng do tuổi cao, mắt mờ, khách lại ít, bà chỉ kiếm vừa đủ sống. Đôi khi còn phải nhờ thêm bạn bè lâu năm đến ủng hộ.
Bà Hồ thỉnh thoảng lại nhớ về căn tiệm rộn ràng ngày xưa, lúc mà chiếc cân bình thường bán được 200 đô Hồng Kông (~600 nghìn đồng), còn cân lớn dành cho ngư dân có giá 980 đô (~2,9 triệu đồng).
Ông Cheung, chuyên làm cờ mạt chược
Được truyền nghề từ ông nội và cha, ông Cheung đã làm cờ mạt chược suốt 40 năm. Khá bất ngờ khi ông không biết đánh mạt chược. Hiện giờ, công việc chủ yếu của ông là làm quân bài lẻ cho các khách hàng từ đại lục. Khi đánh mất hay làm vỡ một con bài nào đó, nhiều người lại lặn lội đến Hồng Kông tìm ông chủ mát tay sửa chữa, giá cả vào khoảng 600 đô Hồng Kông (~1,8 triệu đồng).
Thỉnh thoảng ông Cheung mới có khách đặt làm cả bộ mạt chược với thiết kế riêng biệt. Ông mất vài tháng để hoàn thành đơn hàng đó, thu về 4000 đô Hồng Kông (gần 12 triệu đồng). Ông làm việc quần quật, cả năm chỉ nghỉ 1 ngày.
Gibson, chủ tiệm súp rắn
Gibson kế thừa tiệm súp rắn 3 đời ở Thâm Thủy Bộ. Căn tiệm đều đặn mở cửa suốt từ 70 năm trước, bán cả rượu rắn. Ngày nay ở Hương Cảng cũng chỉ còn 20 quán ăn như thế. Hồi trước các tiệm thường nuôi rắn sống, nhưng bây giờ chủ yếu là nhập hàng đông lạnh từ Đông Nam Á. "Như thế này tốt hơn", Gibson nói, anh cho biết mình không thể tự xuống tay với các con vật.
Chen Kau, người biên thư
Ông quê gốc ở Việt Nam, vốn làm kế toán, sau đó mới đến Hồng Kông và nhận đánh máy thư từ suốt 40 năm nay. Hiện giờ có ít khách hàng, ông cụ thường dành thời gian đọc báo và tán gẫu với người quen ở khu chợ gần nhà.
Wong Siu-ping, chủ tiệm bánh
Ông Wong từ Thâm Quyến đến Hồng Kông vào thập niên 70, được người quen giới thiệu vào làm bánh, bắt đầu là bánh mì. Sau này ông được sang lại tiệm Wan Chai; từ đó, mỗi sáng Wong đều đổ bánh từ nửa đêm đến 6 giờ sáng để kịp giao cho khách. Hiện giờ, tiệm bán đủ từ bánh mì kem, bánh tai lợn, bánh trứng đến bánh bà xã nổi tiếng.
William Kam, người xem tướng và coi chỉ tay
Ông Kam tin rằng nghề nghiệp của mình cần 50% thiên bẩm và 50% do nghiên cứu tìm tòi. Quầy của ông nép mình trong khu chợ đêm ồn ã, ánh điện khi tỏ khi mờ. Phía sau lưng ông là tấm bạt đề chữ 25 năm kinh nghiệm. Kam có nhiều "mối quen" đến xem tướng hàng tháng. Điều đặc biệt là ông thường bật nhạc của nhóm Bee Gees rồi cho ngắt giữa chừng để giải mã.
Theo Đ.L (Helino)