Các số liệu chính thức cho thấy đã có 55.000 ca tử vong vì Covid-19 ở Nam Phi kể từ ngày 27/3 năm ngoái. Điều đó khiến tỷ lệ tử vong của quốc gia này là 92,7/100.000 người, cao nhất khu vực châu Phi cận Sahara. Song, số liệu được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trong vòng một năm tính đến ngày 8/5, Nam Phi đã ghi nhận 158.499 ca tử vong vượt mức (những ca tử vong cao hơn con số ước tính theo các xu hướng trước đây do thay đổi về nhân khẩu học). Các quan chức y tế tin chắc, 85 - 95% số trường hợp này thiệt mạng vì virus corona chủng mới, gần gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức.
Sự chênh lệch bắt nguồn từ thực tế rằng, để một ca tử vong được công nhận là do SARS-CoV-2 gây ra, người chết cần phải trải qua xét nghiệm và được xác nhận. Mặc dù Nam Phi thực hiện nhiều xét nghiệm hơn so với các nước láng giềng, nhưng tỷ lệ vẫn còn thấp. Và nguyên nhân tử vong không được ghi nhận đầy đủ với những người qua đời tại nhà riêng.
Hiện tượng phổ biến
Tỷ lệ tử vong vượt mức thống kê chính thức, ít nhất ở một số thời điểm trong đại dịch, xảy ra ở hầu hết nếu không muốn nói là tất cả mọi nơi trên thế giới. Theo những dữ liệu gần đây nhất, số ca tử vong vượt mức của Mỹ cao hơn 7,1% so với thống kê chính thức trong khoảng từ đầu tháng 3/2020 đến giữa tháng 4/2021.
Các nghiên cứu đã khám phá ra sự không trùng khớp như vậy ở một số nước. Ví dụ, Anh chứng kiến tỷ lệ tử vong vượt mức cao hơn số liệu công bố trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên, nhưng thấp hơn trong đợt lây nhiễm thứ hai, phản ánh các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của virus đã giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Pháp.
Sự bất cập đơn giản vì hầu hết các quốc gia, đặc biệt là những nước nghèo, không cung cấp số liệu như vậy kịp thời. Các dữ liệu chính thức tốt nhất chỉ phản ánh hơn nửa con số thực tế, trong khi các dữ liệu kém nhất chỉ thống kê được khoảng 1/4 thực tế.
Báo The Economist đã cố gắng mô hình hóa mức độ tử vong vượt mức trong đại dịch ở những quốc gia không báo cáo. Với xác suất 95%, mô hình ước tính số ca bệnh không qua khỏi trên toàn cầu cho đến nay trong khoảng từ 7,1 - 12,7 triệu người, với mức trung bình 10,2 triệu người.
Không ngạc nhiên khi hầu hết các ca tử vong bị bỏ lọt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Số tử vong thực tế ở đa phần các nước giàu có thuộc OECD gấp 1,17 lần dữ liệu chính thức, nhưng cao gấp 14 lần ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Những điểm đáng chú ý
Cấu trúc làn sóng dịch thứ nhất và thứ hai ở châu Âu và Mỹ ít thấy hơn trong các số liệu của mô hình thống kê cho toàn thế giới. Nhìn chung, đại dịch ngày càng tập trung ở các nền kinh tế đang phát triển và đang tiếp tục gia tăng.
Ở một số nơi đã có các cuộc khảo sát trị số huyết thanh cho thấy nhiều người có kháng thể Covid-19, dấu hiệu ám chỉ việc từng mắc bệnh. Các yếu tố khác cũng có thể giữ vai trò quan trọng là những biện pháp các chính phủ đã thực hiện để hạn chế sự lây lan của virus. Nhân khẩu học cũng có ảnh hưởng, cụ thể nhiều người trẻ hơn thường đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Thông qua thu thập 121 chỉ số cho hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng mô hình học máy, các chuyên gia The Economist ước tính, đến 10/5, có 95% xác suất là đại dịch đã dẫn tới 2,4 - 7,1 triệu ca tử vong vượt mức ở châu Á (số ca tử vong chính thức là 0,6 triệu), 1,5 - 1,8 triệu ở Mỹ Latin và Caribê (chính thức là 0,6 triệu), khoảng 0 -2,1 triệu ở châu Phi (chính thức là 0,1 triệu), 1,5 - 1,6 triệu ở châu Âu (chính thức 1 triệu) và 0,6 - 0,7 triệu ở Mỹ và Canada (chính thức 0,6 triệu).
Ở châu Đại Dương, nơi báo cáo chính thức chỉ có 1.218 ca tử vong, mô hình dự đoán thực tế phải lên đến 12.000 - 13.000 trường hợp. Phạm vi ước tính cho châu Phi và châu Á rất rộng do thiếu dữ liệu. Nếu xác suất là 50%, phạm vi ước tính sẽ thu hẹp đáng kể, chỉ còn 3,3 - 5,2 triệu ca tử vong vượt mức ở châu Á, 0,8 -1,6 triệu ca ở châu Phi và 8,2 - 10,5 triệu ca trên toàn thế giới.
Trong năm 2020, số ca tử vong theo ngày tăng suốt 33/52 tuần. Sau một thời gian tạm lắng ngắn ngủi vào đầu năm 2021, chúng đã bật tăng lên các mức cao mới, phần lớn là do thảm kịch ở Ấn Độ. Theo ước tính, quốc gia Nam Á đang chứng kiến khoảng 6.000 - 31.000 ca tử vong mỗi ngày, vượt xa con số chính thức khoảng 4.000 ca, phù hợp với các ước tính dịch tễ học độc lập.
Điều đáng chú ý là, tỷ lệ thiệt mạng vì dịch thực sự còn tồi tệ hơn ở những nước giàu hơn. Đối với châu Á và châu Phi, số người chết ước tính trung bình trên một triệu dân chỉ bằng khoảng một nửa so với châu Âu. Ấn Độ chỉ tương đương với Anh, ít nhất vào thời điểm hiện tại.
Nếu hai cộng đồng dân cư có cùng mức độ chăm sóc y tế thì cộng đồng nào nhiều người cao tuổi hơn sẽ có số ca tử vong cao hơn. Nếu nhân khẩu học là yếu tố tạo khác biệt duy nhất, ước tính cho thấy dịch gây tử vong ở Nhật (tuổi trung bình 48) cao gấp 13 lần so với Uganda (tuổi trung bình là 17).
Tuy nhiên, xét về số liệu tuyệt đối, tỷ lệ tử vong ở nhóm dân số trẻ, nghèo cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của nhóm dân số giàu ở cùng độ tuổi. Và đối với người cao tuổi ở các nước nghèo, tình trạng rõ ràng rất tồi tệ.
Ý nghĩa của mô hình
Việc tỷ lệ tử vong tương đối thấp ở các nước đang phát triển dường như do tuổi tác có nhiều ý nghĩa khác nhau, như virus đang lây lan dễ dàng ở những người trẻ tuổi hơn, một phát hiện được củng cố thông qua điều tra trị số huyết thanh. Điều này ám chỉ rất nhiều trường hợp mắc bệnh không gây tử vong. Nó cũng có nghĩa, virus đang có rất nhiều cơ hội để đột biến.
Có một ngoại lệ được ghi nhận là ở một số nước Đông Nam Á, tỷ lệ tử vong dường như rất thấp. Có thể người dân ở đây đang được hưởng lợi từ “miễn dịch chéo”, mức độ bảo vệ trước SARS-CoV-2 do lây nhiễm trong các vụ bùng phát virus khác trong khu vực trước đây. Song, đáng tiếc, hiện có những dấu hiệu cho thấy các số liệu đang tăng lên.
Mô hình ước tính của The Economist là đầu tiên dạng này, dù không phải là cách duy nhất để suy ra tổng số người tử vong vì Covid-19. Tuy nhiên, Ariel Karlinsky, một chuyên gia thống kê thuộc tổ chức tư vấn Diễn đàn Kinh tế Kohelet của Israel lưu ý, dù được thực hiện theo cách nào, các ước tính cũng không thể thay thế cho dữ liệu chính thức.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)