Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles

06/05/2023 10:10:14

Từ những viên kim cương khổng lồ đến những thanh kiếm trang trí công phu, đây đều là những biểu tượng vô giá trong lễ đăng quang của tân vương nước Anh Charles III.

Lễ đăng quang của Vua Charles III ngày 6/5 - do Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby chủ trì - diễn ra tại Tu viện Westminster ở London, nhà thờ đã diễn ra các lễ đăng quang của quân vương nước Anh từ năm 1066.

Buổi lễ là sự kiện mang tính biểu tượng trọng đại, khi hoàng gia và nhà nước Anh cùng suy tôn một bậc quân chủ mới làm lãnh đạo của họ, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực của hoàng gia. Bên cạnh đó, bộ sưu tập các vật phẩm hoàng gia thường được lưu giữ trong Tháp London sẽ được trao cho Vua Charles trong buổi lễ.

Xe ngựa hoàng gia

Sau khi lễ đăng quang kết thúc, Vua Charles và Hoàng hậu Camilla sẽ trở về Cung điện Buckingham trên xe ngựa Gold State. Đây là cỗ xe đã được sử dụng trong mọi lễ đăng quang của quân vương Anh kể từ William IV năm 1831.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles
Xe ngựa Gold State có từ năm 1762. Ảnh: CNN.

"Có rất ít hoàng gia còn giữ được xe ngựa với tuổi đời như thế này. Bởi vậy, đây là bảo vật rất đáng xem", hoàng gia Anh cho biết.

Cỗ xe khổng lồ 260 tuổi - dài 7 mét, cao 3,6 mét và nặng 4 tấn với nhiều chi tiết làm bằng vàng ròng - chỉ có thể được sử dụng ở tốc độ như đi bộ, "bổ sung thêm cho sự uy nghiêm và trang nghiêm của đám rước hoàng gia vĩ đại này".

Ampulla và Thìa đăng quang

Nghi thức đầu tiên của buổi lễ là "công nhận". Vua Charles sẽ đứng trên một lễ đài đặc biệt tại Tu viện Westminster, ra mắt tất cả khách mời tại tu viện cũng như toàn thể người dân Anh.

Nhà vua sau đó sẽ nhận kinh thánh và đọc lời thề đăng quang, nghi thức do Tổng giám mục Welby điều hành. Nhà vua sẽ tuyên thệ cai trị bằng luật pháp, thực thi công lý với lòng nhân từ.

Sau khi kết thúc tuyên thệ, nhà vua sẽ được xức dầu. Trong nghi lễ này, Tổng giám mục Welby đổ dầu thánh từ Ampulla, bình đựng dầu có hình đại bàng, vào Thìa Đăng quang được mạ bạc. Dầu thánh sau đó được đổ lên đầu của Vua Charles.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles - 1
Bình Ampulla và Thìa Đăng quang. Ảnh: CNN.

Ampulla có hình dạng con đại bàng, chứa dầu thánh xức cho quân vương Anh trong lễ đăng quang. Nó được sử dụng cho lễ đăng quang của Vua Charles II vào năm 1661. Trong khi đó, thìa đăng quang có từ thế kỷ XII và tồn tại qua Nội chiến Anh.

Hai vật dụng này được sử dụng khi quân vương Anh ngồi trên ghế đăng quang và được Tổng Giám mục Canterbury xức dầu thánh. Đây được coi là phần thiêng liêng nhất của buổi lễ và được Tổng Giám mục Welby mô tả là khoảnh khắc giữa Nhà vua và Chúa.

Nghi thức này sẽ được thực hiện sau bức bình phong để thể hiện sự tôn nghiêm. Tổng Giám mục Caterbury sẽ đổ dầu thánh từ Ampulla lên chiếc thìa đăng quang và sau đó xức dầu lên đầu, ngực và tay của vua Anh.

Thanh kiếm dâng hiến

Phần tiếp theo là lễ tấn phong, khi nhà vua mặc lễ phục bằng vàng và được trao vật phẩm đăng quang. Trong số những đồ vật quý giá này có thanh kiếm Sword of Offering hay Jewelled Sword (Kiếm Ngọc)

Kiếm Ngọc có lưỡi bằng thép, chuôi kiếm bằng vàng khảm các loại đá quý như ngọc lục bảo, hồng ngọc, ngọc bích và kim cương. Các loại đá quý cùng nhau tạo ra các họa tiết khác nhau như hoa hồng, lá sồi, quả sồi, đầu sư tử. Thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần nghĩa hiệp, được Tổng giám mục Welby ban phước trước khi dâng lên nhà vua.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles - 2
Kiếm Ngọc của hoàng gia Anh. Ảnh: CNN.

Quả cầu Đế vương

Một cổ vật hoàng gia khác sẽ xuất hiện là Quả cầu Đế vương. Quả cầu đã xuất hiện trong mọi lễ đăng quang kể từ 1661, là biểu tượng cho quyền lực của hoàng gia và thế giới Công giáo.

Quả cầu Đế vương được làm từ hai miếng vàng hình cầu rỗng gắn vào nhau bằng dải trang sức cầu kỳ với nhiều loại đá quý. Quả cầu được chia thành 3 phần, đại diện cho 3 lục địa đã được khám phá vào thời trung cổ.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles - 3
Ngọc Đế vương của hoàng gia Anh. Ảnh: CNN.

Quả cầu Đế vương được nạm 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích. Phần giá trị nhất của Quả cầu Đế vương là viên đá thạch anh tím đậm ở đỉnh của dải trang sức.

Quyền trượng quân vương

Trong lễ đăng quang, Vua Charles sẽ được trao Vương trượng Quân chủ Chữ thập. Vương trượng này là biểu tượng của quyền lực và sự cai trị anh minh. So với thiết kế ban đầu, vương trượng đã trải qua nhiều lần sửa đổi, trong đó đáng chú ý nhất là khi nó được gắn thêm viên kim cương Cullinan I năm 1911.

Viên kim cương này còn được gọi là “Ngôi sao vĩ đại của châu Phi”, được cắt ra từ một viên kim cương thô nặng 3.106 carat. Viên kim cương thô được khai thác ở Nam Phi vào năm 1905 và được chính quyền thuộc địa bàn giao cho Hoàng gia Anh.

Vương miện Thánh Edward

Đỉnh cao của toàn bộ lễ đăng quang là nghi thức trao vương miện. Hoàng gia Anh sở hữu 13 vương miện, nhưng chiếc vương miện tôn kính nhất là vương miện Thánh Edward. Vua Charles sẽ chỉ được đeo chiếc vương miện này một lần duy nhất vào lễ đăng quang của mình.

Vương miện Thánh Edward được làm cho lễ đăng quang của Vua Charles II năm 1661. Trên đỉnh của vương miện là một viên ngọc và cây thánh giá đại diện cho thế giới Công giáo, nặng khoảng 2,23 kg, làm từ vàng và nạm đá quý.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles - 4
Vương miện Thánh Edward. Ảnh: BBC.

Bệ đỡ cho phần đỉnh của vương miện là những dải vàng nguyên khối được bắt vít với nhau tạo nên cấu trúc thân của vương miện. Các dải vàng được trang trí bằng 444 viên đá quý, bao gồm hồng ngọc, ngọc lục bảo, thạch anh tím, ngọc bích và các loại đá quý khác. Bên trong của cấu trúc vàng - đá quý là mũ nhung tím và dây đeo lông chồn.

Ngai Thánh Edward

Vua Charles cũng sẽ ngồi lên Ngai Thánh Edward, một tạo tác cổ đã có từ thế kỷ XIV. Chiếc ngai làm từ gỗ sồi Baltic, được trang trí với họa tiết động vật, chim, cây cối trên nền mạ vàng.

Những bảo vật vô giá sẽ xuất hiện trong lễ đăng quang của Vua Charles - 5
Ngai Thánh Edward

Tu viện Westminster miêu tả Ngai Thánh Edward là "một trong những đồ nội thất quý giá và nổi tiếng" nhất thế giới. Ngai Thánh Edward được bảo quản trong tình trạng đáng kinh ngạc dù đã hơn 700 tuổi.

Ghế đăng quang được làm bằng gỗ sồi Baltic, được trang trí bằng hoa văn động vật, tán lá và chim trên nền mạ vàng. Trên lưng ghế có hình một vị vua đang gác chân lên sư tử.

Sau lễ đăng quang ở Tu viện Westminster, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla sẽ trở về Điện Buckingham để tiếp nhận lễ chào mừng của quân đội hoàng gia. Cuối cùng, nhà vua và hoàng hậu sẽ thực hiện nghi lễ truyền thống vẫy chào thần dân từ ban công, trong khi 60 máy bay chiến đấu của quân đội bay qua trên bầu trời.

Minh Ngọc (SHTT)

Nổi bật