Theo Dự án Phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), trên 1/4 trong số hơn 270 vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên kể từ năm 1984, diễn ra trong năm nay.
Hơn 3/4 trong số đó được ghi nhận sau khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền ở Bình Nhưỡng vào năm 2011. Hồi tháng 4, ông Kim từng tuyên bố sẽ phát triển các lực lượng hạt nhân của đất nước với tốc độ “cao nhất có thể”. Mục tiêu trên được phản ánh trong một loạt vụ thử vũ khí trong năm 2022.
CNN thống kê, Triều Tiên đã phóng hơn 90 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chỉ trong vòng 36 ngày. Dù bản thân các vụ thử vũ khí này không phải là mới, nhưng tần suất dày đặc của chúng khiến Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và giới quan sát bất an.
“Điều quan trọng về năm 2022 là từ 'thử nghiệm' không còn phù hợp để nói về hầu hết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Tất cả những gì chúng ta chứng kiến trong năm nay cho thấy ông Kim Jong Un cực kỳ nghiêm túc trong việc sớm sử dụng năng lực hạt nhân trong một cuộc xung đột nếu cần thiết”, Ankit Panda, một chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận xét.
Ông Panda chỉ ra những trường hợp gần đây khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa để đáp trả các cuộc tập trận quân sự hoặc đàm phán ngoại giao của Mỹ và các đồng minh, đồng thời nói thêm: “Bất cứ điều gì Mỹ-Hàn sẽ làm, Triều Tiên có thể hành động tương ứng để chứng minh họ có khả năng ứng phó”.
Sức mạnh các tên lửa thử nghiệm
Đa phần các vụ phóng tên lửa năm 2022 của Triều Tiên sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Theo các chuyên gia, tên lửa hành trình ở bên trong bầu khí quyển của Trái đất và cơ động với các bề mặt điều khiển, trong khi tên lửa đạn đạo lướt qua không gian trước khi quay lại bầu khí quyển.
Trong số các vụ thử gây chú ý có vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-12 di chuyển hơn 4.500km hồi tháng 10. Một tên lửa thu hút sự quan tâm khác là Hwasong-14, với tầm bắn ước tính hơn 10.000km. Hai tên lửa này được tin có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ, khi đảo Guam chỉ cách Triều Tiên 3.380km.
Tuy nhiên, một loại vũ khí đặc biệt khiến quốc tế chú ý là Hwasong-17, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mạnh nhất của Triều Tiên cho đến nay. Về lý thuyết, mẫu ICBM này có thể vươn tới lục địa Mỹ, nhưng hiện còn nhiều điều chưa biết về khả năng mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa.
Bình Nhưỡng từng tuyên bố thử thành công Hwasong-17 lần đầu tiên hồi tháng 3. Song, các chuyên gia Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, tên lửa được dùng thử nghiệm là một mẫu cũ và kém hiện đại hơn.
Theo truyền thông Triều Tiên, nước này thực hiện vụ thử Hwasong-17 lần nữa vào tháng 11. Nhà lãnh đạo Kim sau đó cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ có hành động “phản kích nhiều hơn” để đáp trả “những kẻ thù đang tìm cách phá hoại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực”.
Căng thẳng leo thang và nỗi lo về hạt nhân
Kể từ đầu năm nay, Mỹ và các nhà quan sát quốc tế đã nhiều lần cảnh báo Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất, lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Không ai biết chính xác Triều Tiên đang sở hữu bao nhiêu vũ khí hạt nhân và sức công phá của chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ ước tính, nước này đã tổng hợp được 20 – 30 đầu đạn hạt nhân.
Giới phân tích nhận định, các động thái của Triều Tiên đe dọa kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á khi các nước láng giềng tăng ngân sách quốc phòng và đẩy mạnh mua sắm khí tài. Mỹ cũng cam kết bảo vệ Nhật và Hàn Quốc bằng “toàn bộ khả năng, kể cả hạt nhân”.
Theo Tuấn Anh (VietNamNet)