Khoảng 3.000 người thương vong tại Lebanon khi các thiết bị nhắn tin của họ đồng loạt phát nổ hôm 17/9/2024. Phần lớn nạn nhân là thành viên của lực lượng vũ trang Hezbollah, nhóm này sau đó quy trách nhiệm cho Israel về vụ tấn công.
Một nguồn tin thân cận với phong trào Hezbollah cho biết vụ nổ xảy ra là do Israel đã xâm nhập vào hệ thống liên lạc của nhóm này.
Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công qua biên giới phía nam Lebanon nhằm vào Israel trong gần một năm qua, kể từ ngày 8/10/2023, nhằm ngăn chặn Israel trong cuộc chiến ở Gaza vốn đã cướp đi sinh mạng ít nhất 41.000 người.
Israel cũng đáp trả Hezbollah - một trong những nhóm chiến đấu phi chính phủ đầy kinh nghiệm và được trang bị nhiều vũ khí nhất trong khu vực.
Trên thực tế, cuộc xung đột giữa hai bên không phải mới xảy ra, mà là câu chuyện đã kéo dài gần nửa thế kỷ.
Năm 1982: Israel chiếm đóng miền Nam Lebanon và sự ra đời của Hezbollah
Israel đã tiến hành cuộc xâm lược Lebanon vào tháng 6/1982, với vỏ bọc là để đáp trả các cuộc tấn công của Tổ chức Giải phóng Palestine từ miền nam Lebanon. Tính đến thời điểm đó, cuộc nội chiến ở Lebanon đã diễn ra được bảy năm.
Với mục đích thành lập một chính phủ "thân thiện" ở Lebanon, Israel đã chiếm đóng miền nam và tiến xa tới Tây Beirut rồi bao vây nơi này. Đây cũng là nơi Tổ chức Giải phóng Palestine đặt trụ sở.
Sau một thỏa thuận, Tổ chức Giải phóng Palestine rời đến Tunisia nhưng quân đội Israel vẫn ở lại Lebanon để hỗ trợ lực lượng ủy nhiệm địa phương trong cuộc nội chiến và góp phần vào vụ thảm sát Sabra và Shatila. Lực lượng dân quân cánh hữu Lebanon cùng quân đội Israel được cho là đã sát hại từ 2.000 đến 3.500 người tị nạn Palestine và thường dân Lebanon trong hai ngày.
Người dân Lebanon đã đứng lên thành lập một vài nhóm vũ trang để đẩy lùi cuộc xâm lược, trong đó có một nhóm đến từ cộng đồng Hồi giáo Shia vốn kín tiếng.
Hezbollah là "đứa con tinh thần" của các nhà lãnh đạo Hồi giáo. Nhóm vũ trang này được cho là được Iran hỗ trợ và có nhiệm vụ chống lại Israel.
Hezbollah nhận được sự ủng hộ từ những người trẻ mang trong mình sự bất bình và cư dân ở những khu vực không được chú ý tới với số người Shia đáng kể như Thung lũng Bekaa và vùng ngoại ô phía nam Beirut. Hezbollah sau đó nhanh chóng trở thành một thế lực lớn mạnh ở Lebanon.
Năm 1983: Hàng loạt cuộc tấn công tại Lebanon
Từ năm 1982 đến năm 1986, nhiều nhóm vũ trang khác nhau, trong đó có Hezbollah, đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng quân sự nước ngoài tại Lebanon.
Vào ngày 23/10/1983, vụ đánh bom vào một số doanh trại ở thủ đô Beirut đã khiến hơn 300 binh sĩ Pháp và Mỹ thiệt mạng.
Vụ đánh bom được là do nhóm Jihad Hồi giáo, thực chất là Hezbollah, thực hiện.
Năm 1985: Sự phát triển của Hezbollah
Đến năm 1985, sức mạnh chiến đấu của Hezbollah đã phát triển đến mức nhóm này, cùng với các đồng minh, có thể buộc quân đội Israel phải rút về sông Litani ở phía nam Lebanon.
Israel tuyên bố rằng họ thiết lập “khu vực an ninh” dọc theo các khu vực biên giới Lebanon-Israel.
Quân đội Nam Lebanon do người Thiên chúa giáo thống trị (SLA) chịu trách nhiệm kiểm soát khu vực an ninh đó. SLA thường được cho là lực lượng ủy quyền của Israel với nhiệm vụ tiếp tục hỗ trợ việc chiếm đóng miền nam Lebanon cho đến khi Israel rút quân vào năm 2000.
Năm 1992: Tình hình chính trị
Năm 1992, sau khi cuộc nội chiến ở Lebanon (1975 – 1992) kết thúc, Hezbollah tham gia vào chính trường và giành được 8 trong tổng số 128 ghế ở Quốc hội Lebanon. Số ghế của Hezbollah dần tăng lên và nhóm này cùng các đồng minh hiện có 62 ghế trong Quốc hội. Hezbollah cũng chịu trách nhiệm điều hành các chương trình xã hội sâu rộng ở những lĩnh vực mà họ có ảnh hưởng mạnh mẽ, từ đó tăng cường tầm ảnh hưởng của mình.
Năm 1993: Chiến tranh 7 ngày
Vào tháng 7/1993, Israel tấn công Lebanon trong chiến dịch mang tên “Chiến tranh 7 ngày” tại Lebanon. Cuộc tấn công này diễn ra sau khi Hezbollah đáp trả các cuộc tập kích của Israel vào trại tị nạn và làng mạc ở Lebanon bằng cách tấn công vào phía bắc Israel và gây ra nhiều thương vong. Cuộc xung đột đã khiến 118 người dân Lebanon thiệt mạng, 500 người bị thương và phá huỷ hàng nghìn toà nhà.
Năm 1996: Cuộc tấn công tháng Tư và Qana
Ba năm sau, vào ngày 11/4/1996, Israel đã phát động một cuộc tấn công kéo dài 17 ngày nhằm buộc Hezbollah rút về phía bắc sông Litani, ra khỏi phạm vi tấn công các mục tiêu của Israel. Người Lebanon gọi cuộc tấn công này là Cuộc tấn công tháng Tư còn Israel gọi là “Chiến dịch chùm nho thịnh nộ”, ám chỉ cuốn tiểu thuyết của tác giả người Mỹ John Steinbeck được xuất bản vào năm 1939.
Hai bên đều hứng chịu thương vong đáng kể về quân sự và dân sự, cơ cở hạ tầng của Lebanon bị hư hại nặng nề. Vào ngày 18/4, Israel đã nã pháo vào một khu liên hợp của Liên Hợp Quốc gần làng Qana ở miền nam Lebanon bị chiếm đóng. Khoảng 800 người dân di tản đang trú ẩn ở đó.
Cuộc tấn công đã làm 106 người, trong đó có ít nhất 37 trẻ em, thiệt mạng và khoảng 116 người bị thương. Bốn binh sĩ Fiji trực thuộc lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc cũng bị thương nặng.
Năm 2006: Cuộc chiến tháng Bảy
Trong một chiến dịch năm 2006 nhằm vào lãnh thổ Israel, Hezbollah đã sát hại 3 quân nhân Israel bao gồm Wassim Nazal, Eyal Benin và Shani Turgeman, đồng thời bắt giữ 2 người là Ehud “Udi” Goldwasser và Eldad Regev.
Hezbollah yêu cầu Israel phóng thích các tù nhân Lebanon để đổi lấy các quân lính nói trên. Cuối cùng, thi thể của Goldwasser và Regev đã được trả lại sau hai năm đổi lấy 5 tù nhân Lebanon.
Cùng tháng đó, cuộc chiến tháng Bảy bùng phát và kéo dài 34 ngày.
Gần 1.200 người Lebanon thiệt mạng và 4.400 bị thương, phần lớn là thường dân. Trong khi đó, Israel ghi nhận 158 người tử vong, hầu hết là binh lính.
Năm 2009: Tuyên bố mới nhất
Vào năm 2009, trong khi Hezbollah vẫn tiếp tục chống lại Israel và thể hiện sự ủng hộ với Iran, nhóm này đã đưa ra một tuyên bố mới, cam kết tham gia vào một chính phủ dân chủ, đại diện cho sự đoàn kết dân tộc hơn là lợi ích bè phái.
Lời tuyên bố năm 2009 đã làm tăng tư tưởng chống lại Israel; đồng thời thể hiện Hezbollah đã ăn sâu vào mọi tầng lớp của Lebanon như thế nào.
Năm 2012: Nội chiến Syria
Hezbollah đã bước vào cuộc nội chiến Syria để ủng hộ chế độ Damascus từ năm 2012. Động thái này bị những người ủng hộ Ả Rập trước đây chỉ trích và cũng bị giáo sĩ cao cấp Subhi al-Tufayli – một trong những người sáng lập nhóm – lên án.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lại cho rằng việc triển khai này đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các nhóm vũ trang, đặc biệt là lực lượng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông", vào Lebanon, cũng như tích luỹ được kinh nghiệm chiến trường sâu rộng cho Hezbollah.
Năm 2023 đến 2024: Dải Gaza
Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas bất ngờ đột kích vào Israel, khiến 1.139 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Sau đó, Israel trả đũa bằng cách oanh kích Dải Gaza.
Để hỗ trợ Hamas, Hezbollah đã phóng nhiều tên lửa vào Israel.
Theo Bộ Y tế Lebanon, giao tranh giữa lực lượng Hezbollal và Israel gần một năm qua đã khiến 566 người ở Lebanon thiệt mạng và 97.000 người phải sơ tán. Khoảng 60.000 người Israel đã phải sơ tán khỏi khu vực biên giới phía bắc nước này. Người dân ở hai bên biên giới vẫn chưa thể trở về nhà.
Vào ngày 28/7, 12 trẻ em và thanh niên Syria đã thiệt mạng trên một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Sự kiện này lại khơi mào cho sự căng thẳng leo thang.
Hezbollah phủ nhận trách nhiệm liên quan tới vụ việc nhưng Israel viện dẫn thảm kịch này để thực hiện vụ ám sát chỉ huy Hezbollah, Fuad Shukr, ở phía nam Beirut vài ngày sau đó.
Vụ ám sát Shukr, cùng với vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas, Ismail Haniyeh, chỉ trong vòng vài ngày, khiến khu vực đặt trong tình trạng báo động. Cuối tháng 8, Hezbollah đã phát động một cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel trong giai đoạn đầu của màn đáp trả đối với vụ ám sát Shukr.
Tháng 9/2024: Vụ tấn công bằng máy nhắn tin
Vào ngày 17/9/2024, hàng nghìn máy nhắn tin cầm tay của các thành viên Hezbollah tại Lebanon đã phát nổ, khiến khoảng 3.000 người thương vong, trong đó có cả dân thường.
Hezbollah cho rằng Israel đứng sau vụ tấn công và tuyên bố sẽ có sự trả đũa đối với nước này. Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah tiếp tục leo thang nguy hiểm những ngày qua.
Theo Bích Phương (Kienthuc.net.vn)