Nhìn lại dấu ấn của bà Kamala Harris

09/11/2024 06:27:12

Cách đây 3 tháng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã bước lên khán đài, cầm micro và có bài phát biểu định hình cả quá khứ lẫn tương lai của bản thân.

Hình ảnh bà Kamala Harris từ nhỏ đến khi làm Phó Tổng thống. Video: White House.org 

Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định dừng tái tranh cử và ủng hộ bà Kamala Harris kế nhiệm ông với tư cách là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, bà Kamala Harris đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Khát khao trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vai trò lãnh đạo nước Mỹ, chiến dịch tranh cử tổng thống của bà đã tiếp thêm sinh lực cho các cử tri tự do và quyên góp được số tiền kỷ lục, 671 triệu USD trong vòng 2 tháng, gần gấp 3 lần những gì đối thủ ở đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump thu hút được. 

Tuy nhiên, hành trình của bà lên tới đỉnh cao quyền lực đầy rẫy những khó khăn. Dưới đây là những dấu mốc lớn trong sự nghiệp của bà Harris, những sự kiện đã định hình cuộc đời bà và cách nữ chính trị gia này trở thành nữ ứng viên tổng thống da màu gốc Á đầu tiên. 

Trở thành Phó Tổng thống Mỹ

Theo BBC, bà Harris lần đầu tiên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ cách đây 5 năm. Bà bắt đầu sự nghiệp với tư cách là công tố viên quận Alameda và từ năm 2004-2011 là công tố viên hàng đầu ở San Francisco. Tiếp đó, bà được thăng chức làm tổng chưởng lý bang California, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên được bầu làm tổng chưởng lý ở bang đông dân nhất nước Mỹ. 

Bà Harris đã tận dụng đà phát triển đó để thúc đẩy thành công chiến dịch tranh cử vào năm 2016 với tư cách là thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống năm 2020 của bà đã thất bại do phải vật lộn để diễn đạt ý thức hệ và nền tảng chính sách của mình. 

Chiến dịch tranh cử của bà kết thúc trong vòng chưa đầy một năm và chính ông Joe Biden đã đưa người phụ nữ gốc Á 59 tuổi này trở lại tâm điểm chú ý của công chúng khi biến bà trở thành người liên danh tranh cử. Gil Duran, cựu giám đốc truyền thông của bà Harris gọi đó là sự đảo ngược của một vận may lớn. 

Năm 2021, bà Harris đã khẳng định vị thế của mình trong lịch sử chính trị Mỹ khi trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống. Bà Harris đồng thời là người phụ nữ da màu đầu tiên, người gốc Nam Á đảm nhận vị trí này. 

Thành tựu đáng chú ý

Bà Harris đã tập trung vào một số sáng kiến chủ chốt trong thời gian ở Nhà Trắng và đóng vai trò quan trọng trong nhiều thành tựu của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bà đã lập kỷ lục mới về số phiếu bầu phá vỡ thế bế tắc mà một Phó Tổng thống đã bỏ trong lịch sử Thượng viện, giúp thông qua Đạo luật Giảm lạm phát và Kế hoạch cứu trợ của Mỹ, vốn cung cấp các khoản thanh toán kích thích thời kỳ Covid và các biện pháp cứu trợ khác.

Gần đây hơn, bà Harris là người đại diện cho chính quyền nêu bật những tác hại do lệnh cấm phá thai gây ra, sau khi Tòa án Tối cao lật ngược phán quyết Roe kiện Wade - tiền lệ đã tồn tại nửa thế kỷ đảm bảo quyền phá thai, vào năm 2022.

Trong bài phát biểu quan trọng tại đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ - bài phát biểu lớn nhất trong sự nghiệp, bà Harris đã chỉ trích ông Trump và đảng Cộng hòa là những người ​​tạo nên những nỗ lực không được lòng dân nhằm hạn chế quyền phá thai trên khắp cả nước.

Xuất thân của bà Kamala Harris

Bà Kamala Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland (California) trong một gia đình có cha là người Jamaica và mẹ là người Ấn Độ. Cha mẹ bà đều là người nhập cư và được kính trọng trong lĩnh vực của họ. Mẹ bà là nhà khoa học về ung thư vú còn cha là giáo sư kinh tế. Họ ly hôn khi bà Harris lên 7 và bà cùng chị gái được mẹ nuôi dưỡng ở Berkeley. 

Kamala Harris thường kể chuyện đã được mẹ dạy là không bao giờ phàn nàn về sự bất công mà hãy hành động. "Mẹ tôi hiểu rõ bà đang nuôi dạy 2 cô con gái da màu. Bà quyết tâm đảm bảo rằng chúng tôi sẽ lớn lên thành những người phụ nữ da màu tự tin và đầy tự hào". 

Nguồn gốc hai chủng tộc và quá trình nuôi dạy có thể giúp bà Harris dễ dàng tiếp cận và thu hút nhiều người Mỹ hơn. Những vùng đất có sự thay đổi nhân khẩu học nhanh chóng - đủ để thay đổi bối cảnh chính trị của một khu vực - coi bà là biểu tượng khát vọng.

Kamala "Momala", người tạo nên lịch sử

Năm 2014, bà Kamala Harris khi đó là Thượng nghị sĩ, đã kết hôn với luật sư Doug Emhoff và trở thành mẹ kế của hai đứa con của ông, Cole và Ella. Năm 2019, bà đã viết bài cho tạp chí Elle, kể về trải nghiệm trở thành mẹ kế và tiết lộ cái tên mà sau này trở thành tiêu đề của nhiều bài báo. "Khi Doug và tôi kết hôn, Cole, Ella và tôi đồng ý rằng chúng tôi không thích từ mẹ kế. Thay cho danh xưng đó là Momala".

Luật sư Emhoff và hai con Cole, Ella đã trở thành những nhân vật chủ chốt tại đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2024. Họ đã lên sân khấu để tôn vinh bà Harris và những gì họ gọi là "gia đình lớn, xinh đẹp".

Nhiều người cho rằng bà Kamala Harris nên được nhìn nhận và công nhận là người kế thừa của nhiều thế hệ các nhà hoạt động da màu là nữ. Nadia Brown, phó giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Purdue nói với BBC rằng bà Harris nên tiếp bước của Fannie Lou Hamer, Ella Baker và Septima Clark, cùng nhiều người khác. 

Theo Hoài Linh (VietNamNet)

Nổi bật